Dự án Nhà máy Xi măng Phú Sơn (Ninh Bình), công suất 1,2 triệu tấn/năm, được cấp giấy phép đầu tư giữa năm 2007, nhưng đến nay chưa có nhà máy nào xuất hiện.

Dự án Xi măng Phú Sơn được đầu tư bởi Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn. Năm 2007, chủ đầu tư dự án được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là dự án liên doanh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Séc.

Theo kế hoạch được công bố từ gần chục năm trước, công trình xây dựng Nhà máy Xi măng Phú Sơn sẽ hoàn thành vào tháng 10/2010, chạy thử và bàn giao đưa vào sử dụng để đi vào sản xuất từ đầu năm 2011.

Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với tổng thầu xây dựng EPC (Tập đoàn INEKON Group - Cộng hoà Séc) và đã được Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn báo cáo cam kết với UBND tỉnh tại Công văn số 50/CV-XMPS ngày 10/6/2008. Trong văn bản ghi rõ, Nhà máy xi măng Phú Sơn sẽ được xây dựng trong thời gian 30 tháng, kể từ tháng 6/2008 đến tháng 12/2010, được phân ra làm 4 công đoạn.

Nhà máy Xi măng Phú Sơn giai đoạn I có vốn đầu tư theo thời giá tháng 8/2008 là 3.016 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Phú Sơn tham gia 20% tổng số vốn; BIDV tham gia tài trợ 20% và giữ vai trò làm đơn vị đại lý giải ngân, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Cộng hòa Séc (CEB) sẽ tham gia tài trợ 60% tổng vốn đầu tư, bao gồm chi phí nhập khẩu thiết bị từ Cộng hoà Séc và một phần chi phí trong nước.

Mới đây, ngày 11/9/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Văn bản số 600/UBND-VP4 thông báo thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và quỹ đất của dự án Nhà máy Xi măng Phú Sơn do không triển khai đúng kế hoạch cam kết.

Tính từ năm 2009, sau khi tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng tường rào, không có gì thay đổi thêm ở khu vực Dự án.

Thậm chí, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Ninh Bình, Công hàm số 721/2013 ngày 28/3/2013 của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội về việc điều chỉnh tiến độ dự án Xi măng Phú Sơn, đưa Dự án Xi măng Phú Sơn vào danh mục các dự án dự kiến đầu tư giai đoạn 2012-2015 (tại Phụ lục I kèm theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011).

Nhưng sau đó, đã không có gì thay đổi, cho tới tận thời điểm hiện tại. Đã gần 10 năm nay, dự án này “đắp chiếu”, bỏ hoang, bị "biến" thành nơi nuôi gia súc.

Không biết vì sao dự án chậm tiến độ và vì sao dự án chưa bị thu hồi dù chậm tiến độ gần 10 năm qua. (Ảnh báo Đầu tư)

Hiện nay, trong tổng số 34,6ha (khuôn viên chính làm nhà máy) cộng thêm 4ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng xung quanh dự án này là nơi thuận tiện cho nhiều hộ dân làm nơi chăn thả gia súc. Hàng ngày, người dân địa phương đem dê, lợn, trâu bò đến đây thả nuôi, thậm chí tòa nhà điều hành của dự án cũng bị biến thành nơi nhốt, trú mưa nắng của đàn gia súc.

Ngày 16/09/2017, Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn lại có Văn bản số 22/CV-PS gửi UBND tỉnh Ninh Bình, giải trình lý do khó khăn về mặt tài chính dẫn đến sự chậm trễ trong xây dựng nhà máy thời gian dài vừa qua.

Cũng theo thông tin từ báo Dân Trí, đến thời điểm hiện tại người dân sống xung quanh dự án xây dựng nhà máy xi măng Phú Sơn không còn mặn mà với dự án, thậm chí còn bất án, lo lắng vì ô nhiễm khi nhà máy đi vào hoạt động. Chính quyền địa phương cũng như nhân dân mong muốn cấp trên có dự án khác thay thế dự án này để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, cũng như không hoạt động sản xuất xi măng gây ô nhiễm môi trường.

Việc UBND tỉnh Ninh Bình ra thông báo thu hồi quỹ đất và Giấy chứng nhận đầu sau đó chủ đầu tư dự án lại hứa hẹn hồi sinh khiến dư luận hoài nghi, có hay không việc chủ đầu tư trì hoãn, hứa hẹn tiếp tục đầu tư dự án để tích trữ đất?

Đầu tư xi măng thời điểm này không còn “ngon ăn” như chục năm về trước, khi cầu luôn vượt nguồn cung. Các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu cũng đang vật vã tiêu thụ sản phẩm do nguồn cung dư thừa gần 30 triệu tấn.

Và, không hiểu Phú Sơn tính toán thế nào với một dự án đã trễ tiến độ và cả cơ hội tới cả chục năm trời?

Hoàng Dung (ANTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.