Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (thứ 4 từ phải sang) tham quan một dự án tại TPHCM. Ảnh: BÌNH MINH
Từ niềm tin vào chủ đầu tư
Bước qua năm 2014, hàng loạt dự án bất động sản đang đầu tư dở dang và nảy sinh khiếu nại giữa chủ đầu tư với khách hàng vẫn chưa có lối ra. Điều này cho thấy, trong năm nay, nhiều chủ đầu tư vẫn còn đối mặt với chuyện “niềm tin” giữa chủ đầu tư và khách hàng. Điển hình của sự mất niềm tin đối với chủ đầu tư là dự án chung cư Đại Thành (Tân Phú, TPHCM). Dự án dự kiến bàn giao cho khách hàng vào tháng 6-2012, tuy nhiên đến nay mới cơ bản xây xong phần thô, trong quá trình này đã nhiều lần ngưng thi công. Cuối năm 2013, chủ đầu tư và khách hàng đã ngồi lại với nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo đó, một phương án đưa ra, thay vì khách hàng nhận nhà mới đóng đủ tiền thì lần này khách hàng sẽ đóng đủ và số tiền đó chuyển vào một tài khoản mới có sự giám sát của khách hàng để đảm bảo số tiền này được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, đến nay rất ít khách hàng chịu nộp thêm tiền, trong khi theo chủ đầu tư, cần hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện dự án.
Một khách hàng chia sẻ: “Chúng tôi đã mất niềm tin, trước khi ký hợp đồng mua nhà, bên bán hứa hẹn rất tốt, nhưng thực tế dự án thi công quá chậm, do đó chúng tôi hết sức thận trọng”. Đây chỉ là một trong hàng chục dự án chậm bàn giao nhà, thậm chí không biết bao giờ bàn giao, đã xảy ra trên địa bàn TPHCM. Chỉ riêng năm 2013, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM đã nhận 41 trường hợp khiếu nại về chậm giao nhà chung cư nhờ hội này can thiệp. Do đó niềm tin dành cho người mua nhà trong năm 2014 và những năm tiếp theo là điều cực kỳ quan trọng.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, cho rằng với mức giá như hiện nay người mua không quá bận tâm, điều họ quan tâm là chất lượng, tiến độ bàn giao nhà. Do đó, xu hướng hiện nay khách hàng thường chọn những dự án đã hoàn thành, giá có cao hơn một chút nhưng hoàn toàn yên tâm. Từ đó ông Hiếu cho rằng, trong năm 2014 xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dự án để có những doanh nghiệp đủ mạnh về năng lực tài chính, chuyên nghiệp về chuyên môn để triển khai dự án nhằm tạo niềm tin cho khách hàng sẽ tiếp tục diễn ra như một số thương vụ đã thực hiện trong năm 2013. Thực tế trong năm 2013, một số ít doanh nghiệp vẫn đạt hiệu quả kinh doanh tốt như Phúc Khang, Hưng Thịnh… Dự án có tính thanh khoản tốt nhờ đã hoàn thiện hạ tầng như chung cư Nguyễn Cửu Vân, Eco Town… đem lại phần nào niềm tin cho khách hàng.
Đến niềm tin... chính sách
Trong khi đó, thông tin về thị trường nhà đầu tư, khách hàng cũng cũng bị “rối” bởi mỗi người nói một phách. Đầu tiên là chuyện xác định “đáy” của thị trường. Trong vài ba năm trở lại đây, nhiều “chuyên gia” luôn xác định “đáy” của thị trường, hết năm 2011 sang năm 2012 rồi đến năm 2013 vẫn chưa thấy “đáy” ở đâu. Mới đây, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, lại dự đoán: “Năm 2014 giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm giá”. Điều này chứng tỏ bất động sản sẽ tiếp tục xác lập “đáy” mới.
Ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc CTCP Đất Xanh, nhận định, năm 2014 thị trường bất động sản đã vượt qua 60% - 70% khó khăn so với năm 2013 do hàng loạt các chính sách vĩ mô được Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây. Trong khi có người lại cho rằng, năm 2014 thị trường bất động sản sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản sẽ “chết”… Chính những nhận định trái chiều và kiểu như “thầy bói xem voi” nói trên khiến người mua nhà, giới đầu tư hoang mang, tâm lý chờ đợi để được mua giá rẻ hơn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, cho rằng thị trường bất động sản khó khăn trong thời gian qua một phần cũng do… truyền thông vì liên tục đưa ra những nhận định thiếu nhất quán, thậm chí trái ngược nhau.
Giới đầu tư kinh doanh bất động sản cũng rất cần niềm tin từ chính sách. Thực tế thời gian qua, nhiều chính sách liên quan đến thị trường bất động sản được ban hành nhưng xa rời thực tiễn, câu chữ mơ hồ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở thị trường phát triển. Nghị định 69 của Chính phủ ban hành vào tháng 8-2009, quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất. Nghị định ra đời đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn khi doanh nghiệp cho rằng họ phải “mua đất” hai lần. Từ đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao, kéo dài thời gian thực hiện dự án do phải thẩm định giá đất. Thực tế nhiều doanh nghiệp phải thuê công ty thẩm định giá đất nhiều lần do mỗi nơi thẩm định mỗi giá và cơ quan chức năng không chấp nhận các kết quả đó, từ đó dự án kéo dài… Những bất cập đó đã được doanh nghiệp phản ánh rất nhiều tại các hội nghị, hội thảo… nhưng đến nay vẫn không có gì thay đổi. Hay mới đây, dự thảo cho phép “phân lô bán nền” đối với những dự án ở ngoại thành khi đã hoàn thành xong hạ tầng. Giới kinh doanh đặt câu hỏi: Tiêu chí nào để xác định dự án đó nằm ở ngoại thành vẫn không thấy đề cập hay doanh nghiệp nào giỏi “chạy” thì được?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng bất động sản là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung bởi có quan hệ với hàng loạt ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, nội thất, hạ tầng… Bất động sản khó khăn thì các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó để thị trường phát triển ổn định cần có sự minh bạch, nhất quán, nói chung đó là niềm tin. Giới kinh doanh - đầu tư bất động sản cũng xác nhận họ không cần nhà nước hỗ trợ tiền mà cần thủ tục nhanh chóng, cần niềm tin ở chính sách và những cán bộ thực thi chính sách.