04/08/2010 3:36 AM
Người tiêu dùng Mỹ đang gánh trên vai 3000 tỷ đôla nợ nần, nhưng họ vẫn vay mượn, vẫn sắm sửa và vẫn tiêu hoang.
Những người dân vay mượn để xa hoa (Phần 2)

Làm thế nào người cho vay biết được người tiêu dùng có đáng tin hay không? Ở Mỹ một trong các yếu tố quyết định là điểm số FICO của mỗi cá nhân (đặt theo tên công ty đã sáng tạo ra nó, Công ty Fair Isaac).

Ý tưởng này đã có từ hàng thập kỷ trước khi những tiểu thương phải bán chịu tập hợp thông tin lại xem người mua hàng nào chi trả sòng phẳng, người nào không.

Ngày nay những thông tin ấy do ngân hàng và những bên cho vay như công ty thẻ tín dụng cung cấp. Điểm số này chạy từ 350 tới 800 điểm, người tiêu dùng nào càng đáng tin tưởng, điểm của họ càng cao.

Điều tất yếu mới của cuộc sống

Andy Jennings từ FICO nói qua thời gian xếp hạng người tiêu dùng vẫn ổn định một cách đáng ngạc nhiên; con nợ tốt nhất vẫn cứ là con nợ tốt nhất. Nhưng điều đổi thay là số nợ xấu trong mọi thể loại khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Trong cơn sốt cho vay dưới chuẩn, số điểm FICO cần để vay thế chấp mua nhà thấp hơn trước. Một phiên bản mới của mô hình FICO được ban hành năm ngoái để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng dưới chuẩn.

Cuộc khủng hoảng đã mang lại một thay đổi to lớn trong hành vi người tiêu dùng. Nợ thế chấp từng là món nợ cuối cùng người ta muốn ngưng trả. Họ không muốn mất nhà hay khoản tiền gửi lớn mình đã kiếm được.

Nhưng trong cơn sốt cho vay dưới chuẩn, nhiều người đi vay đã có thể mua nhà mà không cần đặt cọc một xu nào cả. Điều này làm thay đổi cách ứng xử của họ. Thực tế, họ chỉ đang đi thuê nhưng vẫn có lời nếu giá nhà tăng lên.

Trong cuộc suy thoái hiện nay, một số người đi vay ưu tiên thẻ tín dụng và các khoản vay mua xe hơn là khoản vay thế chấp mua nhà.

Thường thì cuối cùng họ cũng tìm được một căn nhà nào đó để thuê. Nhưng không có xe hơi, nhiều người trong số họ không thể đi làm, không có thẻ tín dụng, họ không thể nào mua sắm được.

Có lẽ cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ làm thay đổi thái độ đối với việc sở hữu nhà đất. Trong một thời gian dài, đó giống như là một vụ đầu tư luôn có lãi, chủ nhà có thể mua một tài sản luôn lên giá với một món nợ bèo bọt.

Khi đã nhận ra rằng giá nhà có thể tăng thì cũng có thể giảm và nhà đất là một thứ tài sản kém thanh khoản, nhiều người có thể lựa chọn giải pháp linh hoạt hơn là đi thuê nhà và phân bổ tài sản của mình vào nhiều hạng mục đầu tư hơn. Đó là điều đang diễn ra ở Đức, nơi có tỷ lệ sở hữu nhà thấp hơn nhiều so với Mỹ và Anh.

Trong khi đó, những ai có thẻ tín dụng đã tới hạn thanh toán buộc phải vái tứ phương. Một lựa chọn vô cùng tốn kém là vay tạm cho đến ngày nhận lương.

Theo lời giải thích của Jean Ann Fox từ Hiệp hội tiêu dùng Mỹ, người đi vay sẽ phải viết một tờ séc cho người cho vay hưởng, có giá trị bằng số tiền họ vay cộng thêm tiền lãi. Người đi vay sẽ đổi ra tiền mặt vào ngày người đi vay được trả lương.

Chi phí trong 2 tuần của một khoản vay 1000 đôla và 15 đôla, tức là lãi suất hàng năm lên tới 400%. Tính trung bình những người sử dụng dịch vụ này đi vay kiểu như thế tới 9 lần mỗi năm, tức là tính ra rút cục tiền lãi họ trả còn nhiều hơn số tiền họ vay.

Kết quả thật dễ đoán. Theo Trung tâm cho vay trách nhiệm, mỗi năm có từ một phần tư tới một nửa số người đi vay theo hình thức trên vỡ nợ. Quốc hội đã cấm gia đình các sĩ quan binh lính quân đội đi vay theo kiểu này.

Nhưng tại sao người tiêu dùng lại chọn vay tiền theo một cách tốn kém đến vậy? “Nhiều người chọn vay tạm cho đến ngày nhận lương vì nó dễ dàng và người cho vay cũng chẳng kiểm tra điểm tín dụng,” cô Fox giải thích.

Với nhiều người, nợ nần không còn là một lựa chọn, nay nó đã trở thành một điều bắt buộc. Lương trung bình của người công nhân Mỹ tính theo giá thực tế hầu như không thay đổi kể từ những năm 1970.

CFO Thomas Schoewe của Wal-Mart nói rằng “người tiêu dùng của chúng ta sống dựa vào chi phiếu nhiều hơn bao giờ hết. Họ rất lo lắng tới tình hình tài chính của bản thân mình.”

Như nhà kinh tế Mỹ Raghuram Rajan miêu tả trong cuốn sách “Fault Lines” của mình, người tiêu dùng còn trụ được là vì cả chồng lẫn vợ đều còn đi làm và còn vay mượn.

Số kiếp nợ nần

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, trong một thời gian ngắn có vẻ như người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn. Từ quý I/2008 tới quý II/2009, tỷ lệ tiết kiệm tăng từ 1% lên 5% thu nhập sau thuế của mỗi cá nhân.

Nhưng rồi nó lại giảm, có lẽ dân tình thấy mình chẳng thể nào chịu nổi cuộc sống tằn tiện. Tiêu dùng tăng còn vì kế hoạch kích thích kinh tế của hchinhs quyền Obama làm tăng thu nhập.

Nhưng cái “tăng” ấy chắc chắn chỉ là tạm thời. Còn sau đó, những người dân đã quen với vay mượn và hoang phí sẽ tính sao đây?

Cafeland.vn
Theo Economist
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.