Con sông Cái Nha Trang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn – núi Gia Lố, vượt qua nhiều ghềnh thác, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh đến Ngọc Hiệp (TP. Nha Trang) sông rẽ làm hai nhánh, một qua cầu Xóm Bóng và một qua cầu Hà Ra để đổ ra biển. Trên dòng chảy đến Ngọc Hiệp con sông có một nhánh rẽ nhỏ và làng Phú Vinh nằm trên lưu vực nhánh rẽ này.
Một ngôi nhà xưa
Chủ nhân của một trong các ngôi nhà cổ kể chuyện rằng từ xa xưa các vị tiền bối của dòng họ trên con đường Nam tiến đã dừng lại nơi này lập nghiệp và đặt tên làng Phú Giang, với hy vọng một vùng đất nhỏ cạnh bờ sông sẽ trở nên trù phú.
Người ta không còn nhớ làng Phú Giang được đổi tên thành Phú Vinh khi nào. Phải chăng vùng đất trù phú ven sông đúng theo ý nguyện của tổ tiên không chỉ là “phú quý” mà còn có cả “vinh hoa”?
Một nhánh sông dẫn vào làng cổ
Có hai cách đi đến làng Phú Vinh. Trên đường 23/10 có thể rẽ vào làng Ngọc Hiệp và đi thẳng; hay đợi đến cây số 5 hãy rẽ vào làng. Con đường quanh co rợp bóng cây xanh, những hàng cau chạy dài tít tắp, những lùm tre kẽo kẹt suốt ngày đêm, những cánh đồng lúa vờn sóng tận chân núi, tiếng xe ngựa lộc cộc trên con đường làng im vắng, những ngôi nhà cổ mái lợp ngói âm dương thấp thoáng dưới những tán lá, lùm cây… Dấu xưa khiến lòng người hoài cổ và không khỏi ngậm ngùi trách cứ thời gian mới đó mà vụt qua mau!
Lối xưa xe ngựa…
Trong một khu vườn rộng khoảng 4.000m2, ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Xuân Hải được duy tu, bảo quản tốt nên gần như còn nguyên vẹn trải qua gần hai trăm năm. Với kiểu kiến trúc ba gian hai chái đặc trưng của miền Trung, những chiếc cửa sổ, cửa đi có song xích (song cửa gỗ xích qua, xích lại được) hàng cột gỗ lên nước bóng loáng.
Ngôi nhà tuy thấp nhưng thoáng khí và mát mẻ.Bước qua ngạch địa, chính giữa là gian thờ, có những câu liễn cổ chữ Hán, những đồ vật trên bàn thờ đều là đồ thờ tự của người xưa.
Gian bên trái có những chiếc chum, ché cổ, từ bàn viết đến tủ thuốc của thời cha ông làm nghề bốc thuốc để lại. Bước xuống nhà ngang khách sẽ được tận mắt thấy những chiếc cối giã gạo, bộ ván hay cái rương cổ… Tất cả nói lên nét văn hóa của người làng Phú Vinh thuở xưa, huyền bí mà gần gũi.
Chuyện trò
Trong khu vườn rộng trồng nhiều cây ăn trái khiến khách liên tưởng đến những khu vườn ở Lái Thiêu đầy chôm chôm, măng cụt. Những bộ bàn ghế gỗ được chế tác khéo léo; lấp lánh ánh nắng xuyên qua kẽ lá, chủ, khách bên chiếc ấm trà (làm bằng trái dừa), tiếng nước chảy róc rách từ hòn non bộ bên cạnh, thời gian như ngưng đọng, như không hề có cảnh bon chen, chật vật đời thường của cuộc sống bộn bề ngoài kia.
Còn một lối khác đi đến làng Phú Vinh khá lãng mạn là đi thuyền trên dòng sông Cái Nha Trang. Từ bến thuyền Hải Đảo (Nha Trang) khách ngược dòng sông Cái, thuyền chầm chậm qua những vùng đất phù sa ngợp bóng dừa, đưa khách vào nhánh rẽ của con sông vô làng Phú Vinh.
Lên bờ, đi trên con đường rợp bóng tre xanh, bước chân của khách nhẹ êm trên tấm thảm dày lá tre khô. Con đường mòn như không hề có ánh nắng xuyên qua dẫn khách vào thăm những ngôi nhà cổ.
Khách có thể gặp một cái giếng xưa, nghe tiếng đục gỗ của những người thợ làm thuyền. Một vài chú chó nằm lơ mơ trên hiên nhà, thấy khách lạ nhổm dậy sủa bâng quơ vài tiếng rồi mọp đầu xuống ngủ tiếp… Trên đường về khách có thể ngồi trên xe ngựa thăm thú thêm một vài nơi như làng làm gốm, dệt chiếu, làm nhang…
Nhiều du khách cho rằng đi thuyền trên sông Cái Nha Trang để đến làng Phú Vinh cũng như đi thuyền trên sông nước ở miền Tây (cũng uống nước dừa, ăn trái cây) nhưng điểm khác biệt và thú vị nhất là được ngắm những dãy núi chạy dài, có những ngôi nhà cổ nói lên nét văn hóa đặc trưng riêng của người miền Trung: tỉ mỉ, cần cù nhưng chan hòa và hiếu khách…