Khu vực trung tâm, vùng lõi khu phố cổ Hội An là nơi tập trung sầm uất các hoạt động du lịch với hàng nghìn lượt du khách tham quan mỗi ngày. Việc người dân đầu cơ, mua bán những căn nhà tại khu vực này rồi tùy ý sử dụng trong việc đóng cửa hay mở cửa kinh doanh sẽ rất dễ đánh mất đi hồn cốt của phố cổ Hội An.

Một căn nhà trong khu phố cổ treo biển rao bán. Ảnh: Lưu Bang

Ồ ạt rao bán nhà cổ

Thời gian gần đây, tại khu vực trung tâm phố cổ Hội An xuất hiện hàng loạt ngôi nhà treo biển rao bán. Trên các trang mạng xã hội cũng tràn ngập các thông tin rao bán nhà cổ Hội An.

Đơn cử, một ngôi nhà tại mặt tiền đường Trần Phú có diện tích 250 m2 được rao bán với giá 43 tỷ đồng, tương đương với 172 triệu đồng/m2. Một căn nhà khác tại mặt tiền đường Nguyễn Thái Học cũng đang được rao bán với giá 70 tỷ đồng, tương đương với 250 triệu đồng/m2.

Tương tự, một căn nhà tại mặt tiền đường Bạch Đằng khu vực ven sông Hoài cũng đang được rao bán với giá 23 tỷ đồng, tương đương với mức 277 triệu đồng/m2.

Di chuyển một vòng xung quanh khu vực phố cổ Hội An, chúng tôi ghi nhận thực trạng rất nhiều căn nhà tại khu vực trung tâm phố cổ đang cửa chốt then cài và treo biển rao bán.

Theo chia sẻ từ người dân địa phương, kể từ thời điểm xảy ra dịch covid 19, nhiều căn nhà tại khu vực trung tâm phố cổ đã bắt đầu treo biển rao bán. Thực trạng này kéo dài từ năm 2020 đến nay và gần đây có rất nhiều căn nhà khác cũng được rao bán. Những căn nhà rao bán nói trên có vị trí rất đắc địa tại vùng lõi, trong không gian phố đi bộ và rất thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán.

Bên cạnh việc rao bán nhà thì cũng có nhiều căn nhà tại phố cổ Hội An đang treo biển cho thuê. Ảnh: Lưu Bang

Ngoài việc rao bán nhà, tại phố cổ Hội An hiện đang xuất hiện tình trạng nhiều người dân treo biển cho thuê mặt bằng.

Theo tìm hiểu, do có vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán nên mặt bằng trong khu vực trung tâm phố cổ có giá cho thuê rất đắc đỏ, dao động từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/tháng.

Mới đây, UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã ban hành Quyết định số 301/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đấu giá cho thuê nhà số 09, số 75 Nguyễn Thái Học, nhà số 100 Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An.

Theo đó, một doanh nghiệp đến từ tỉnh Bình Dương đã trúng đấu giá cho thuê ngôi nhà số 09 Nguyễn Thái Học với mức giá 824 triệu đồng/1 năm, tương đương với khoảng 68,7 triệu đồng/1tháng.

Một cá nhân đến từ thành phố Hà Nội trúng đấu giá cho thuê ngôi nhà số 75 Nguyễn Thái Học với mức giá 1,095 tỷ đồng/1 năm, tương đương với khoảng 91,3 triệu đồng/1 tháng.

Và một cá nhân khác đến từ thành phố Đà Nẵng trúng đấu giá cho thuê ngôi nhà số 100 Trần Phú với mức giá 850 triệu đồng/1 năm, tương đương với khoảng 70,8 triệu đồng/1 tháng. Đơn giá cho thuê nói trên bao gồm tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

UBND thành phố Hội An quy định cho thuê các ngôi nhà nêu trên trong thời hạn 5 năm, với đơn giá cho thuê ổn định trong 5 năm và được nộp tiền hằng năm. Phòng Quản lý đô thị thành phố được giao thực hiện ký hợp đồng cho thuê và bàn giao các ngôi nhà cho các tổ chức, cá nhân, tổ chức trúng đấu giá thuê sử dụng theo đúng mục đích cho phép.

Nhiều căn nhà tại Hội An đang được rao bán với mức giá đắt đỏ. Ảnh: Lưu Bang

Người dân và chính quyền lo lắng gì?

Trên thực tế hiện nay có rất nhiều căn nhà cổ tại khu vực trung tâm phố cổ Hội An thuộc sở hữu của nhiều người dân đến từ các địa phương khác. Do các căn nhà này nằm trên các tuyến đường trung tâm vùng lõi, bên trong khu phố đi bộ nên việc người dân mua bán với mục đích đầu cơ rồi tùy ý sử dụng trong việc đóng hay mở cửa kinh doanh sẽ rất dễ đánh mất đi hồn cốt của phố cổ Hội An.

Anh Thịnh một người dân địa phương cho biết, du khách đến với phố cổ Hội An không chỉ tham quan các điểm di tích nằm trong danh mục vé tham quan mà họ còn muốn được dạo bộ, khám phá không gian, kiến trúc của cả khu phố cổ. Việc nhiều nhà cổ trong khu phố cổ đóng cửa sớm rất dễ dẫn đến sự nhàm chán từ phía du khách.

Đây không chỉ là nỗi lo của người dân Hội An mà còn là nỗi lo của chính quyền các cấp tại thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam.

Cuối năm 2022, tham luận tại một hội nghị tham vấn điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An, ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cũng đã phản ánh, nêu lên nỗi lo về thực trạng quản lý và sử dụng các căn nhà trong khu phố cổ.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết về nguyên tắc các nhà công sản thì phải đấu giá công khai. Khi đó, ai trả tiền với mức giá cao thì người đó được mua và như thế thì đa phần người dân Hội An không mua được.

Một khi người dân đến từ các địa phương khác mua được nhà rồi thì họ tùy ý sử dụng, có thể đóng cửa hoặc mở cửa làm ăn kinh doanh. Do đó rất dễ làm mất đi hồn cốt, gốc gác của Hội An.

“Suy rộng ra hơn nữa thì rất nhiều nhà cổ trong khu phố cổ hiện nay sở hữu không còn là của Hội An nữa. Ban đêm thì những chủ sở hữu này đóng cửa tối om, trong khi đó nếu còn người dân Hội An sống ở đó thì họ sẽ buôn bán và gắn bó ở đó. Người ta mua nhà mang tính đầu cơ thôi thì có khi lại ảnh hưởng rất nhiều đến hồn cốt của Hội An”, ông Thanh nói thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, thời gian tới Quảng Nam sẽ trình Chính phủ cơ chế để giải quyết một số vấn đề, trong đó sẽ có vấn đề liên quan đến thực tiễn nêu trên.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.