05/02/2015 10:47 PM
Khi dự án không thể triển khai như mong đợi, chủ đầu tư loay hoay tìm đường cứu cánh. Một trong những “chiêu thức” thường được giới kinh doanh BĐS kháo nhau là thủ thuật “thay áo” chủ đầu tư của dự án.

Chưa cần khẳng định, dự án có được tái khởi động hay không, chỉ cần khoác vào chiếc “áo mới”, những ông chủ dự án lại tiến hành một đợt huy động vốn mới từ phía khách hàng. Tiền lại tiếp tục đổ về, nhưng đến khi nào dự án được hoàn thiện thì... chưa biết.

“Bán cái” vẫn... “trùm mền”?

Điển hình cho việc “sang tên” rồi để đấy phải kể đến dự án Hà Nội Time Tower (tại khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội), do công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) làm chủ đầu tư. Đây là tổ hợp 2 tòa tháp 41 tầng, cung cấp khoảng 580 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho 2.300 người. Khởi công rầm rộ từ tháng 10/2010, nhưng sau đó dự án phải chịu cảnh “đắp chiếu” một thời gian dài, khiến khách hàng vô cùng bức xúc và lo lắng.

Dự án Hà Nội Time Tower sau khi “thay áo” vẫn... “treo”.

Tưởng chừng, dự án đã “chết”, nhưng bất ngờ, vào cuối năm 2012, tập đoàn Đại Dương (OGC) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR. Khi đó, tương lai tưởng như đã mở ra với Hà Nội Time Tower, song cũng đột ngột khép lại khi công trình hoàn thiện đến tầng 5 thì bất ngờ OGC đòi thoái vốn khỏi PVR. Dự án lại một lần nữa nằm bất động “phơi sương”, chờ những động thái mới từ chủ đầu tư.

Từ năm 2011, trên các diễn đàn, thông tin chào bán căn hộ dự án The Lavender đã được các nhà môi giới công bố với mức giá từ 22-30 triệu đồng/m2. Thế nhưng, sau hơn 3 năm, kể từ thời điểm đó, dự án dù đã được khởi động phần móng, hầm... đến nay vẫn “đắp chiếu”.

Một dự án khác, có tên “Chung cư 83 Ngọc Hồi”, nằm trên đường Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án này vốn nổi tiếng về sự “nổi sóng” của khách hàng khi đã “đổ tiền” vào mà chưa thấy “hình hài” của căn nhà đâu. Theo tìm hiểu của PV, với diện tích gần 5.000m2, dự án này được giới thiệu là công trình hỗn hợp chung cư cao tầng, khu văn phòng và thương mại. Ban đầu lô đất này thuộc về công ty cổ phần đầu tư và cơ khí Hưng Sơn. Nhưng sau đó, công ty này đã chuyển nhượng lại cho công ty cổ phần kinh doanh bất động sản Ngọc Lan (công ty Ngọc Lan).

Từ đầu năm 2010, công ty Ngọc Lan đã thực hiện hàng loạt hợp đồng huy động vốn, với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng/mỗi khách hàng. Dù đã xây dựng đến sàn tầng 8, đổ cột tầng 9 nhưng dự án vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Số tiền góp vốn của khách hàng tới hàng trăm tỉ đồng cho đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết, còn dự án thì không biết đến bao giờ có thể đủ điều kiện để tái khởi động.

Ngoài ra, trong thời gian qua, một loạt dự án đã được sang tên như CTCP Đầu tư và xây dựng cấp thoát Nước - Waseco (VSI) mới đây họp hội đồng cổ đông bất thường thông qua việc chuyển nhượng vốn góp hoặc bán sản phẩm tại dự án Waseco Plaza để trả nợ. Hồi đầu năm, công ty cổ phần đầu tư Hải Phát đã bán lô “đất vàng” số 36 - Phạm Hùng (Hà Nội) cho tập đoàn FLC; công ty cổ phần phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) bán dự án Water Garden (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho Đất Xanh...

Địa ốc và những bí mật phía sau lớp “vỏ”

Một thực tế mà PV báo Đời sống và Pháp luật phát hiện ra, đó là không quá khó để nhận biết một dự án “bánh vẽ”, chỉ cần nhìn trên thực tế giá trị triển khai của dự án cũng có thể hiểu chân tướng của “ông” chủ đầu tư dự án này. Thế nhưng, điều lấy làm lạ, càng đi sâu vào thế giới “địa ốc”, PV báo Đời sống và Pháp luật càng giật mình, vì mức độ “mạo hiểm” của các thượng đế. Nếu nói nhà đầu tư thiếu hiểu biết là một nhẽ, ở đây có những trường hợp, người dân biết “đổ tiền” vào là “năm ăn, năm thua”, nhưng vẫn chấp nhận. Chỉ đến khi “tiền chôn theo dự án”, tất cả mới nháo nhào.

Gắn với nhiều sự vụ trong vai trò tham gia bảo vệ lợi ích người dân ở các dự án, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân cho rằng: Thực tế trong một giai đoạn ngắn, khoảng 3 năm từ 2007 đến 2010, tình hình bất động sản ở Hà Nội có nhiều đột biến. Nhu cầu nhà ở người dân ngày một tăng, ước muốn có một ngôi nhà tại Hà Nội làm nhiều người đổ xô đi tìm mua nhà ở tại các dự án chung cư. Chỉ cần ở đâu có thông báo bán căn hộ chung cư, góp vốn mua căn hộ giá gốc là nhiều người tìm mọi cách mua cho bằng được, thậm chí chịu mua giá chênh để rồi chính họ phải gánh hậu quả.

Đáng nói, theo luật sư Triển: Dự án ma, dự án trên giấy là cái giá phải trả do khâu quản lý, quy hoạch kém, trong đó, người dân là người phải chịu hậu quả. Từ lâu, chúng ta đang thiếu quy hoạch tổng thể, mang tính lâu dài hoặc có quy hoạch nhưng không nhất quán có thể thay đổi điều chỉnh quy hoạch bất thường. Bên cạnh đó, theo luật sư Triển, nguyên nhân dẫn đến người dân bị lừa trong các dự án bất động sản là do cơ quan quản lý Nhà nước không quan tâm đúng mức khâu tiền dự án. Cụ thể là việc xem xét tình hình thực tế các doanh nghiệp khi những đơn vị này xin giấy phép đầu tư tại các dự án. “Đây là khâu dễ xảy ra tiêu cực, với doanh nghiệp nhỏ sau khi phải lo tiền để dự án được phê duyệt, khi dự án được cấp phép... thì tiền đã không còn”, luật sư Triển cho hay.

Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, do việc quản lý kém, khâu phê duyệt dự án có nhiều yếu tố tiêu cực. Đơn vị quản lý không xem xét thực tế tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, đến khi doanh nghiệp được cấp phép đầu tư xây dựng, thiếu tiền nên một loạt các mánh khóe lừa đảo tinh vi được sử dụng và một trong số đó là việc “bán cái” các dự án. Ngoài ra, mánh khóe lừa đảo của các doanh nghiệp bất động sản còn nằm ở nội dung các bản hợp đồng. Khi người mua có nhu cầu về nơi ở lớn, tin tưởng nhà đầu tư, nghĩ mình mua được giá gốc nên đóng tiền đều đặn theo điều khoản hợp đồng. Điều khoản hợp đồng mua bán nhà, các doanh nghiệp thường lách luật. Trong đó, nghĩa vụ đóng tiền của khách hàng chỉ rõ trong từng tháng, từng năm nhưng lại thiếu tiến độ thi công, nên xảy ra trường hợp có người đóng đến 70% giá trị căn hộ nhưng dự án mới chỉ xong phần móng, rồi bị bỏ hoang.

Quay trở lại với những dự án được “trao tay” qua các chủ đầu tư khác nhau, luật sư Trần Đình Triển chỉ còn biết đưa ra lời khuyên cho khách hàng: “Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng góp vốn cũng như tránh các bất lợi có thể xảy ra đối với mình, khách hàng cần phải đọc kỹ và cần có sự tham vấn ý kiến của luật sư trước khi tiến hành ký thanh lý hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư cũ và ký hợp đồng với chủ đầu tư mới, vì điều này là rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng”.

“Thực tế hiện nay có hàng nghìn ha đất của hàng chục doanh nghiệp bất động sản ở nhiều địa phương đã thu tiền của người dân nhưng hàng chục năm bỏ hoang hóa, dân không có nhà, đến nơi đất vẫn bỏ hoang. Nhiều chủ đầu tư dự án không đóng thuế sử dụng đất. Không đóng thuế là lừa dân, lừa nhà nước, là đại lừa”.

(ĐBQH Đỗ Văn Đương, đoàn ĐBQH TP. HCM)

Trần Quyết - Đinh Tiến (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.