Đến khu tập thể Nghĩa Tân mới thấy hết cảnh chật chội, ẩm thấp và nguy hiểm mà các hộ dân ở đây đang sống. Mỗi một gia đình trong khu tập thể này đều tự “cải thiện” không gian nhà mình bằng cách làm thêm “chuồng cọp”.
Theo anh Nguyễn Hữu Huy, sống ở phòng 218 nhà B2, khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy thì thời gian trước, việc cơi nới thêm diện tích chung cư cũng chỉ để làm chỗ phơi quần áo, trồng thêm rau xanh. Nhưng hiện nay hầu hết các “chuồng cọp” đều trở thành một phòng ở riêng. Lý giải cho việc này, anh Huy nói: “Ở chung cư hay nhà tập thể cũ, mỗi gia đình cũng phải ít nhất là hai thế hệ sống với nhau. Nhân khẩu thì tăng mà diện tích thì vẫn vậy nên phải mở rộng diện tích ra không gian bên ngoài”.
Nhiều hộ gia đình còn đặt thêm các bình chứa nước
chênh vênh ngoài khoảng không gian của nhà mình. Chỉ hàn mấy thanh sắt
là đã có chỗ để bình nước mà không hề có biện pháp che chắn an toàn.
Đứng từ phía bên dưới nhìn lên, những bình nước to chông chênh, có thể
rơi đổ bất cứ lúc nào.
|
Mặc dù đã xuống cấp nhưng tại nhiều khu chung cư, tập thể cũ người dân vẫn tự ý cơi nới thêm diện tích. Ảnh chụp tại nhà C8, khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy. |
Một số khu tập thể cũ như khu tập thể 8-3 (quận Hai Bà Trưng), khu tập thể xây dựng trong ngõ Văn Chương (Đống Đa), khu tập thể Nam Đồng… cũng trong tình trạng được người dân cơi nới một cách triệt để. Việc cơi cới này khiến cho tình trạng xuống cấp tại các khu nhà ngày một thêm trầm trọng.
Vì đã được xây dựng từ khá lâu, hiện nay hầu hết các nhà tập thể cũ trên địa bàn TP Hà Nội đều đang trong tình trạng tường nhà bị rạn nứt, khả năng chịu lực kém, các mối nối bị han gỉ, ăn mòn, nền móng bị lún…Các ngôi nhà phải đeo thêm “ba lô”, “chuồng cọp” không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng nhà ở, gây nguy hiểm cho chính những người sống tại đây.
Việc cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng tiến độ vẫn rất trì trệ, ách tắc. Một trong những nguyên nhân của sự trì trệ này là khâu giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, do chính sách đền bù chưa thỏa đáng, khiến người dân chưa đồng ý giao mặt bằng; một số sự án khác thì người dân yêu cầu nơi ở mới phải rộng rãi hơn, sạch đẹp hơn, được hỗ trợ tái định cư… nhưng chủ đầu tư thì không thể làm khi không đạt được lợi nhuận nhất định.
Việc đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, chủ đầu tư cùng với lợi ích của cộng đồng là vấn đề mà các ban, ngành có liên quan cần sớm giải quyết