11/05/2015 7:44 AM
Hai khu tái định cư (KTĐC) phục vụ việc di dân, tạo mặt bằng cho các dự án lớn ở Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với kinh phí đã chi khoảng 500 tỷ đồng, nhưng người dân không muốn ở, do các dự án lớn bị đình trệ, vị trí trường học, trạm xá… không tiện lợi.
Những con đường hoang vắng ở KTĐC Ninh Thủy được tận dụng làm nơi phơi thóc. Ảnh: N.Đ.Q
Những con đường hoang vắng ở KTĐC Ninh Thủy được tận dụng làm nơi phơi thóc. Ảnh: N.Đ.Q

Trăm hécta, chỉ có một ngôi nhà

KTĐC Vĩnh Yên đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhưng hoang vắng. Bên hiên một ngôi nhà, bà Trần Thị Nuôi ngồi bó gối nhìn ra đầm Mây, bên cạnh là cô con gái câm điếc bẩm sinh nằm dài trên võng. Gia đình bà Nuôi vốn ở xóm Mới, thôn Đầm Môn (Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa), đầu năm 2009 phải di dời tới KTĐC Vĩnh Yên.

Theo bà Nuôi, từ đó đến nay, nguồn thu nhập ổn định nhất của gia đình bà là khoản tiền phụ cấp khoảng 800.000 đồng/tháng của chồng bà là ông Võ Văn Sơn, cựu tù chính trị Côn Đảo. Nhà bà vẫn còn chiếc thuyền để đi khai thác hải sản, nhưng thu nhập bấp bênh.

Ông Trần Thông, trưởng thôn Vĩnh Yên, cho biết, để di dời thôn Đầm Môn, dành đất cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (CTCQTVP), KTĐC Vĩnh Yên được xây dựng với diện tích quy hoạch là 94,58 ha, quy mô dân số khoảng 8.500 người. Hiện nay, trong số 57 hộ dân của thôn Đầm Môn nhận đất, chỉ còn 7 hộ ở lại. Theo ông Thông, dân Đầm Môn chỉ quen làm biển, nhưng ở Vĩnh Yên lại không thuận lợi cho nghề biển. Trong khu vực Đầm Mây nước cạn, hải sản bị các tàu thuyền giã cào khai thác cạn kiệt, còn nếu ra Đầm Môn thì đường xa, chi phí cao.

Trong khi đại đa số dân vẫn ở Đầm Môn, trường cấp 1 - 2 xã Vạn Thạnh đã chuyển đến KTĐC Vĩnh Yên. Thầy giáo Nguyễn Văn Mốt, Hiệu trưởng trường cấp 1 - 2 Vạn Thạnh, cho biết, phần lớn học sinh của trường ở Đầm Môn, cách Vĩnh Yên 7 km. “Phải chấp nhận điều trái khoáy, vất vả cho cả giáo viên và học sinh, vì trường đã được xây dựng khang trang, nếu không đưa vào sử dụng sẽ xuống cấp, hư hỏng”, thầy Mốt nói. Học sinh ở Đầm Môn phải đi học ở Vĩnh Yên bằng ô tô đưa đón, tiền xe mỗi ngày là 10.000 đồng, vé tháng là 230.000 đồng.

Tại Trạm y tế xã Vạn Thạnh, dược sĩ Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, từ khi trạm chuyển từ Đầm Môn tới Vĩnh Yên đầu năm 2014, số người dân đến khám bệnh và nằm điều trị giảm nhiều. “Đi khám để lấy vài viên thuốc thì không bõ tiền xe ôm, người bệnh nặng cần nằm điều trị thì họ lên huyện luôn, ở Vĩnh Yên lỡ cỡ”, chị Phương nói.

Tương tự KTĐC Vĩnh Yên, KTĐC Ninh Thủy ở xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) có diện tích 100ha, đã cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. KTĐC Ninh Thủy được xây dựng để di dời toàn bộ xã Ninh Phước, dành đất cho hai dự án lớn, đó là dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (LHDNVP) và dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 (NĐVP1). Để phục vụ hai dự án này, tỉnh Khánh Hòa chi gần 300 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng KTĐC Ninh Thủy.

Tuy nhiên, giống như người dân ở Đầm Môn, người dân Ninh Phước không muốn đến ở KTĐC Ninh Thủy. Ninh Phước đang là “thủ phủ” tỏi của Khánh Hòa với diện tích khoảng 200ha, nhưng nếu đến KTĐC Ninh Thủy, họ không có đất sản xuất, chưa biết sẽ sinh sống bằng cách nào. Bởi vậy, dù việc di dời dân Ninh Phước về KTĐC Ninh Thủy bắt đầu được triển khai từ giữa năm 2012, đến nay ở KTĐC Ninh Thủy rộng mênh mông chỉ có duy nhất hộ ông Lê Kim Thắng.

Ông Thắng cho biết, ông là trung tá Bộ đội Biên phòng nghỉ hưu, là đảng viên nên phải gương mẫu di dời. “Ở đây quá vắng vẻ, an ninh không bảo đảm”, ông Thắng nói. Theo ông, chưa có cơ quan nào quản lý KTĐC Ninh Thủy, vì đất thuộc xã Ninh Thọ, nhưng người là dân Ninh Phước.

Chưa thể an cư

Khi chuyển dân từ Đầm Môn tới KTĐC Vĩnh Yên, các cấp chính quyền tỉnh Khánh Hòa có tính đến việc chuyển đổi nghề cho người dân, với cơ hội việc làm từ dự án CTCQTVP. Nhưng sau khi khởi công ngày 31/10/2009, dự án CTCQTVP đình trệ rồi bị hủy bỏ, trong khi cuộc sống tại KTĐC Vĩnh Yên bấp bênh, nên nhiều người đã về lại Đầm Môn, lấn chiếm đất trái phép để dựng nhà tạm. Gia đình bà Nuôi không về, vì theo bà, về đó cũng chỉ sống tạm bợ, bất ổn.

Để sống được ở Vĩnh Yên, nhiều người phải trở lại với nghề cách đây vài chục năm, là lên rừng chặt củi, đốt than. Chính quyền chưa tìm ra cách gì để giúp người dân, ngoài việc để cho họ ở tạm tại những nơi đã lấn chiếm ở Đầm Môn. Theo ông Trương Thái Hùng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, chỉ còn trông chờ dự án cảng chuyên dùng thay thế dự án CTCQTVP được triển khai, để tạo cơ hội việc làm cho người dân. Nhưng ngày đó là ngày nào, chưa ai biết.

Dự án NĐVP1 và dự án LHDNVP đã không được khởi công năm 2011, đi vào hoạt động cuối năm 2013 như kế hoạch ban đầu. Đó là một trong những lý do khiến việc di dời dân xã Ninh Phước chưa được quyết liệt triển khai.

Mới đây, ông Hoàng Đình Phi, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cho biết, dự án NĐVP1 sẽ được khởi công vào tháng 7/2016. Do đó, sẽ phải hoàn thành di dân, bàn giao mặt bằng vào tháng 12/2015. Khoảng 350 hộ dân Ninh Phước bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ phải di dời trong năm nay.
Chủ đề: Tái định cư
Nguyễn Đình Quân (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.