CafeLand – Năm 2020, Việt Nam đón nhận nhiều dự án tỉ đô, trong đó có dự án năng lượng hơn 4 tỉ USD tại Bạc Liêu.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 26,4 tỉ USD từ 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỉ USD, chiếm 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore cũng là nhà đầu tư lớn nhất với 5,8 tỉ USD, chiếm 42,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Những dự án tỉ đô trong năm 2020

Nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng LNG: 4 tỉ USD

Ghi nhận trong năm 2020, nhà đầu tư Singapore tham gia đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng LNG tại Bạc Liêu. Dự án có công suất 3.200MW do Công ty Delta Offshore Energy làm chủ đầu tư và hợp tác phát triển với các doanh nghiệp đến từ Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây được xem là dự án năng lượng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Bạc Liêu với tổng vốn đăng ký lên đến 4 tỉ USD.

Vào tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Bạc Liêu và các đối tác chiến lược dự án đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án theo Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp vào tháng 1/2020.

Theo tiến độ, công tác thiết kế kỹ thuật dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020 và cho phép triển khai dự án ngay trong năm 2021 để tổ máy đầu tiên của nhà máy sẽ vận hành phát điện thương mại vào năm 2024. Toàn bộ dự án sẽ được hoàn thiện vào năm 2027.

Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam: 5,1 tỉ USD

Cũng theo báo cáo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nước ngoài tăng thêm 45,6% so với cùng kỳ, đạt trên 3,07 tỉ USD. Điều này là do có sự góp mặt của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam, hay còn gọi là Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, được quyết định đầu tư vào năm 2008, nhưng sau đó liên tục được điều chỉnh, đổi chủ đầu tư.

Cuối cùng, dự án này rơi vào tay Tập đoàn SCG (doanh nghiệp Thái Lan sở hữu 100% vốn đầu tư) sau khi doanh nghiệp này ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam), tăng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100%.

Mặc dù dự án được khởi công từ năm 2018 nhưng hiện đang chậm tiến độ. Sau đó, dự án được đề xuất tăng vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai và đã được thông qua, nâng vốn đầu tư dự án từ 3,7 tỉ USD đến 5,1 tỉ USD.

Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây: 1,3 tỉ USD

Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (tên thương mại Starlake Tây hồ Tây) do Tập đoàn Daewoo làm chủ đầu tư. Đây là dự án có lượng vốn tăng thêm lớn nhất trong tháng 7/2020, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm lên 18,82 tỉ USD.

Dự án có tổng số vốn đầu tư ban đầu là 548 triệu USD, sau khi tăng vốn thêm 774 triệu USD đã nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 1,3 tỉ USD.

Phối cảnh Khu đô thị Starlake Tây hồ Tây của Tập đoàn Daewoo

Ngoài những dự án đóng góp vào tổng vốn FDI, năm 2020 cũng có nhiều dự án tỉ đô đang tìm nhà đầu tư, được điều chỉnh mở rộng và đã khởi công xây dựng.

Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1: 1 tỉ USD

Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 được thực hiện tại xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) có công suất 1.500MW với tổng vốn đầu tư hơn 49.000 tỉ đồng (khoảng 2,1 tỉ USD) vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt danh mục đầu tư tại Quyết định số 2162.

Theo quyết định phê duyệt, dự án dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, khởi công vào quý 3/2021, hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động vào quý 3/2024. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận, tạo nhiều việc làm cho doanh nghiệp và người dân địa phương.

Khu đô thị Hàm Nghi: 1 tỉ USD

Với tổng mức đầu tư gần 23.456 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD), dự án Khu đô thị Hàm Nghi được thực hiện tại các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập (TP.Hà Tĩnh) và các xã Thạch Tân, Thạch Đài (huyện Thạch Hà). Thời gian thực hiện dự án là 6 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án. Đến thời điểm đóng thầu, có 2 ông lớn tham gia là Công ty cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Công ty TNHH đầu tư kinh doanh và phát triển thương mại Việt An.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ: 9,1 tỉ USD

Dự án được điều chỉnh mở rộng là Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô ban đầu 821 hécta được khởi công xây dựng từ năm 2007 nhưng mới có 15,5 hécta đã được san lấp và bỏ hoang nhiều năm.

Vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 821 hécta lên 2.870 hécta do Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ (Vingroup sở hữu 97,15% cổ phần) làm chủ đầu tư.

Trong đó, dự án dự tính sẽ lấn biển 2.718ha, trải dài 13km trên tổng số 20km bờ biển Cần Giờ. Tổng vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh 217.054 tỉ đồng (khoảng 9,1 tỉ USD), trong đó vốn chủ sở hữu 32.558 tỉ đồng.

Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Sầm Sơn: hơn 1 tỉ USD

Dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Sầm Sơn có quy mô khoảng 550 hécta với tổng mức đầu tư lên đến 25.000 tỉ đồng (khoảng hơn 1 tỉ USD) do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, vừa được khởi công vào ngày 26/10 vừa qua.

Dự án gồm quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn và các dự án đối ứng với tổng quy mô khoảng 550 hécta như Khu đô thị quảng trường biển Sầm Sơn; khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái sông Đơ tại Sầm Sơn; khu công viên giải trí và đô thị Nam Sông Mã (quy mô hơn 330ha).

Trong đó, quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP.Sầm Sơn có diện tích 15 hécta, triển khai theo hợp đồng xây dựng, chuyển giao với tổng vốn đầu tư gần 1.456 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý I/2022.

Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Sầm Sơn

Khu du lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina): 1 tỉ USD

Khu du lịch Cái Giá với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD, vừa được Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC) tái khởi công vào ngày 21/11 vừa qua.

Dự án có tổng diện tích 172,38 hécta tọa lạc tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2023 và hoàn thiện toàn bộ dự án vào năm 2025.

Bên cạnh những dự án tỉ đô đang được xúc tiến triển khai thực hiện, năm 2020 cũng đang hiện diện những dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng vẫn trong tình trạng bỏ hoang, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Khu nhà ở Sông Hồng City: 7,1 tỉ USD

Điển hình là Khu nhà ở Sông Hồng City được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư năm 1994 thành lập Công ty phát triển nhà đô thị (CDC) để thực hiện dự án với quy mô khoảng 6 hécta tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ được định hướng là quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê với tổng vốn đầu tư khi đó là 240 triệu USD.

Đến tháng 9/2009, Chính phủ cho phép Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu, xem xét lập quy hoạch xây dựng Sông Hồng City với tổng vốn đầu tư dự kiến 7,1 tỉ USD.

Tuy nhiên, do dự án có vị trí nằm ngoài đê, việc xây dựng công trình vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến việc tuân thủ theo quy định của Pháp luật về đê điều và Quy hoạch được duyệt. Do đó, đến hiện tại dự án vẫn chưa thể triển khai.

Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập 1: 2,2 tỉ USD

Thứ hai là dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch địa điểm vào năm 2009 trên diện tích quy hoạch 283 hécta với công suất 2.400MW, được đầu tư theo 2 giai đoạn: nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2.

Trong đó, nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có tổng mức đầu tư 2,2 tỉ USD do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ đi vào vận hành năm 2022. Tuy nhiên hiện dự án vẫn chưa được thực hiện mặc dù đã động thổ từ năm 2015.

  • Tình hình kinh tế Việt Nam 2020

    Tình hình kinh tế Việt Nam 2020

    CafeLand - Kinh tế thế giới 2020 chứng kiến những khó khăn chưa từng có do đại dịch toàn cầu Covid-19. Kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, IMF cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2020. Mức tăng trưởng tuy thấp nhưng vẫn thuộc mức hàng đầu so với tình hình chung của các nước trên thế giới.

Thảo Uyên (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Kinh tế Việt Nam 2020: Nhiều điểm sáng

    Kinh tế Việt Nam 2020: Nhiều điểm sáng

    CafeLand - Kết thúc một năm 2020 đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới. Xuất siêu đạt mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp với cú hích từ...

  • 5 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020

    5 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020

    CafeLand – Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 có nhiều khoảng trầm do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn ghi nhận điểm sáng khi bất động sản công nghiệp thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cùng CafeLand điểm lại 5 sự kiện bất độ...

  • Ba dự án căn hộ khiến khách hàng khóc "cạn nước mắt” trong năm 2020

    Ba dự án căn hộ khiến khách hàng khóc "cạn nước mắt” trong năm 2020

    CafeLand – Dự án chung cư Kingstay Tower, La Bonita hay Park Vista là ba dự án tai tiếng khiến người mua phải ôm “quả đắng” trong năm 2020 vì liên quan tới hàng loạt sai phạm, chủ đầu tư bỏ trốn hoặc dính lao lý....

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.