Rầm rộ khởi công rồi để đó
Còn nhớ, cuối tháng 8/2007, giới kinh doanh địa ốc choáng ngợp trước lễ khởi công hoành tráng của dự án Richland Hill (số A745 - 746 Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, quận 9, TP. HCM). Theo thông tin chủ đầu tư công bố, vốn đầu tư ban đầu của dự án lên đến hơn 150 triệu USD, là dự án đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế theo phong cách Terrace Building (nhà cao tầng có sân vườn trên cao), một phong cách rất được ưa chuộng tại các thành phố lớn như New York, Chicago...
Dự án do Công ty Thương mại & dịch vụ Hào Quang cùng CTCP Hiệp Phú Thịnh làm chủ đầu tư, được thiết kế bởi Công ty Ove Arup (Hồng Kông) và Nagecco (Bộ Xây dựng) và được tài trợ vốn bởi Ngân hàng Đông Á. Theo kế hoạch, nhà mẫu Richland Hill được khai trương vào hè 2008 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011. Không chỉ có vậy, có giai đoạn, nhiều đơn vị môi giới BĐS đã tung thông tin về mua bán “sản phẩm” của dự án này ra bên ngoài. Tuy nhiên, tới nay, Dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống mênh mông, xung quanh được rào chắn, còn bên trong ngổn ngang những hầm sân cùng với sắt thép vương vãi.
Tương tự, đầu tháng 12/2007, CTCP Dệt may Thành Công rầm rộ tổ chức lễ khởi công Khu căn hộ thương mại Thành Công Tower 1 (đường Tân Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Theo đó, Dự án có diện tích 9.898 m2, có tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng. Toàn bộ Dự án gồm 3 block nhà, với 297 căn hộ (diện tích từ 50 - 137,5 m2) và 12 căn penthouse (diện tích từ 233 - 434,5 m2); 14 tầng và 2 tầng hầm. Đặc biệt, diện tích mỗi tầng hầm lên tới 9.461,3 m2, là tầng hầm có diện tích rộng nhất trong các khu nhà cao tầng tại quận Tân Phú. Kế hoạch lúc đó của chủ đầu tư là Dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, đến nay, đã gần hết quý I/2012 mà dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm mà chưa thấy bóng dáng cao ốc hoành tráng như đã giới thiệu.
Dự án Richland Hill vẫn còn ngổn ngang sau nhiều năm khởi công
Tại quận Tân Phú, còn có dự án căn hộ The Montana (số 360 Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh), do CTCP Thương mại dịch vụ may mặc xuất nhập khẩu Ngân Thanh làm chủ đầu tư được khởi công năm 2008 cũng trong tình trạng như trên. The Montana lúc đó được chủ đầu tư quảng bá đầy hấp hẫn, nào là căn hộ cao cấp nhất của quận Tân Phú, được xây dựng theo phong cách châu Âu… Cam kết của chủ đầu tư đến tháng 6/2010 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, đất nền dự án này đang được cho thuê làm bãi giữ xe và mở quán cà phê.
“Thượng đế” là nạn nhân
Việc khởi công dự án rồi… để đó không phải là trường hợp thiểu số ở TP. HCM. Có nhiều nguyên nhân khiến dự án bị chậm triển khai hoặc ngưng triển khai như thiếu vốn, tình hình thị trường khó khăn, trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính. Đất TP. HCM được được ví như tấc đất tấc vàng, phần lớn các dự án nói trên đều có vị trí khá đắc địa, nhưng dự án kéo dài hàng năm trời và chưa biết đến lúc nào mới xây dựng là sự lãng phí rất lớn. Hơn thế, đã có không ít khách hàng đã trở thành nạn nhân của những dự án này.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, trong số những dự án nói trên, có dự án dù mới chỉ tung thông tin khởi công đã tiến hành huy động vốn của khách hàng. Khi không thực hiện được dự án, có chủ đầu tư trả lại tiền cho khách hàng hoặc thương lượng với khách hàng để giải quyết êm xuôi. Tuy nhiên, có dự án, hiện khách hàng phải bỏ công ăn việc làm để “đội đơn” đi kiện đòi lại tiền đã đóng. Dự án căn hộ The Montana chính là một ví dụ.
Sau khi dự án này công bố khởi công, dù chưa xây dựng xong móng, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành huy động tiền của hàng chục khách hàng với cam kết, tháng 6/2010 chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên, sau khi huy động vốn của khách hàng, chủ đầu tư dự án này không tiến hành xây dựng như cam kết mà gửi thông báo đến các khách hàng với nội dung tạm ngưng xây dựng (!)
Ông Nguyễn Anh Tú, khách hàng mua căn hộ B37 của dự án The Montana cho biết, hiện ông cùng 11 khách hàng khác mua căn hộ của dự án này đã gửi đơn khởi kiện chủ đầu tư dự án ra Tòa án nhân dân quận Tân Phú để yêu cầu trả lại tiền. Hiện Tòa án đã thụ lý chờ ngày đưa vụ việc ra xét xử. “Chỉ tính riêng 12 khách hàng đã góp số tiền lên đến 5,8 tỷ đồng. Dù chính thức thông báo dừng triển khai Dự án, nhưng đến nay, họ mới chỉ trả lại cho chúng tôi chưa đến 30% số tiền đã nộp rồi ngưng hẳn”, ông Tú nói. Đa phần những người mua căn hộ chưa có chỗ ở. Để có số tiền trên, nhiều người phải đi vay mượn, nhưng giờ đây nhà không có còn thêm gánh nặng nợ nần.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACBR cho rằng, chưa có lúc nào thị trường bất động sản lại khó khăn như hiện nay. Thời điểm năm 2008 - 2009, dù cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, nhưng doanh nghiệp vẫn xoay xở được do nguồn lợi nhuận được tích tụ trước đó. Tuy nhiên, đến giờ này các doanh nghiệp địa ốc mới thực sự thấm mệt. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc khi đầu tư một dự án, nguồn vốn tự có chỉ khoảng 15 - 20%, phần còn lại chủ yếu là vay ngân hàng và huy động từ khách hàng.
Khi thị trường bất động sản sôi động, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng xong phần móng là có thể huy động tiền của khách hàng, nhưng nay hầu như không có khả năng huy động vốn từ khách hàng nên nhiều dự án bị ngưng xây dựng cũng là điều dễ hiểu. “Nếu lúc này khách hàng có ý định mua căn hộ, nhất thiết phải tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án và đặc biệt là năng lực tài chính của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án”, ông Hải khuyến cáo.