Gần 6 tháng sau khi Chính phủ lần đầu trình Quốc hội dự án đầu xây dựng CHK quốc tế Long Thành tại Kỳ họp thứ 8 năm 2014, Bộ GTVT đã nhiều lần rà soát, tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng một báo cáo đầu tư mới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nội dung báo cáo là khá hoàn chỉnh, giải trình rõ ràng, mạch lạc.
Với không gian chật hẹp, CHK Tân Sơn Nhất đang thiếu diện tích đất dành cho các khu mua sắm, giải trí và ẩm thực - Ảnh: Lã Anh
Đầu tư trước một nhà ga, một đường cất - hạ cánh
Báo cáo đầu tư mới nhất về dự án cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành so với báo cáo trình quốc hội (QH) lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 của QH hồi tháng 11 năm ngoái đã được rà soát, tiếp thu tối đa những ý kiến của ĐBQH, chuyên gia… đảm bảo tính khả thi của dự án.
Một trong những thay đổi đáng kể là việc giảm tổng mức đầu tư dự án sau khi đã rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới, cũng như trong khu vực. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Nguyễn Nguyên Hùng cho biết, giá trị khái toán rà soát của CHK quốc tế Long Thành chỉ còn 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng). Trước đó, con số tương ứng đưa ra là 18,7 tỷ USD cho cả ba giai đoạn và 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng) cho riêng giai đoạn 1.
Như vậy, khái toán chi phí đầu tư giai đoạn 1 của dự án sau khi rà soát lại quy mô đầu tư giảm 54.618 tỷ đồng so với khái toán đã trình trước đây. Trong số này, dự kiến vốn ngân sách Nhà nước ước tính 12.149 tỷ đồng (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư) dành cho GPMB, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý Nhà nước... Vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng (chiếm 26,5%) dự kiến dành cho khu bay. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng (chiếm 62,4%) đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các công trình thương mại...
“Điều chỉnh quy mô, phạm vi GPMB, tái định cư; Chỉ đầu tư trước một đường cất - hạ cánh trong giai đoạn 1; Không đưa vào dự án các hạng mục được triển khai theo phương án xã hội hóa và do các doanh nghiệp đầu tư... là lý do khiến kinh phí đầu tư dự án giảm đáng kể”, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương cho biết.
Cụ thể, phân kỳ đầu tư hợp lý hơn sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chính phủ quyết định chỉ xây dựng một đường cất - hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất - hạ cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn sau cùng, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm theo mục tiêu quy hoạch.
Trước đó, theo Tờ trình số 360/TTr-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ, trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng hai đường cất - hạ cánh song song, cấu hình đóng. Tuy nhiên, theo ACV, sau khi rà soát, điều chỉnh, chỉ xây dựng một đường cất - hạ cánh do vẫn duy trì khai thác CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nên có thể hỗ trợ CHK quốc tế Long Thành.
Tại phiên họp thứ 35 diễn ra sáng 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư CHK QT Long Thành đủ điều kiện để trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư tổng thể dự án và giai đoạn 1 của dự án.
Phối cảnh CHK Quốc tế Long Thành
Mạnh dạn đầu tư mới mong phát triển đột phá
Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) khẳng định, vẫn giữ nguyên quan điểm của mình tại kỳ họp thứ 8 vừa rồi, tức là nên ủng hộ việc Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây CHK Long Thành. “Về tất cả những băn khoăn, Bộ GTVT cũng đã giải trình đầy đủ và thỏa đáng. Vì thế, không có lý do gì để bỏ lỡ cơ hội đầu tư xây dựng dự án CHK quốc tế Long Thành”, đại biểu Hoàng nói.
Cũng theo ĐB Hoàng, nếu lấy lý do cắt giảm đầu tư công, quá siết chặt có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Còn nếu mạnh dạn đầu tư, chúng ta sẽ có khả năng thu hút được các nguồn lực trong nước cũng như quốc tế, từ các doanh nghiệp hay kể cả người dân.
ĐB Hoàng cũng nhấn mạnh mới chỉ đề cập đến chủ trương đầu tư còn việc thực hiện như thế nào lại là chuyện khác, cần một lộ trình rõ ràng. “Trước mắt, nếu không có chủ trương tôi cho rằng sẽ không còn cơ hội nữa. Có chủ trương từ bây giờ chúng ta mới có thể cân đối nguồn lực để tính toán. Đương nhiên, ai cũng lo ngại không có tiền, sợ ảnh hưởng nợ công,… Tuy nhiên, tôi cho rằng, lo là một việc, nhưng nếu mình cứ nghĩ quanh về vấn đề đó, rất khó có cơ hội đầu tư để phát triển. Vì thế, chúng ta cần mạnh dạn mới mong có được sự phát triển đột phá”, ĐB Hoàng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, nếu chủ trương xây dựng CHK quốc tế Long Thành được thông qua trên cơ sở khoa học, chúng ta sẽ đủ sức cạnh tranh, giải quyết những vấn đề về lưu lượng hàng không để đưa vị trí của ngành Hàng không Việt Nam lên một tầm cao lớn. Vấn đề bây giờ chỉ là đưa ra các cơ sở dữ liệu, bằng chứng khoa học để thuyết phục cử tri…
ĐB An cho rằng, đối với Long Thành, để thuyết phục nên có đánh giá tác động với kinh tế, xã hội, môi trường khi xây sân bay. Nên có những số liệu thực, số liệu khoa học, lấy được ý kiến của các chuyên gia trong ngành và nên công khai toàn bộ những ý kiến đó, kể cả trái chiều của các chuyên gia để các ĐBQH biết và xem xét, đánh giá.
Trên cơ sở phân kỳ đầu tư mới, nhu cầu sử dụng đất cho dự án CHK quốc tế Long Thành là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của CHK, sân bay), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không (khoảng 1.200 ha). Trong đó, diện tích đất cần thiết cho giai đoạn 1 là 1.165 ha, với kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) ước tính khoảng 4.042 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2, kinh phí GPMB cho diện tích còn lại 1.585 ha, cần khoảng 7.209 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm kinh phí, Chính phủ đề nghị GPMB một lần cho 2.750 ha với kinh phí ước tính khoảng 9.540 tỷ đồng. |
-
Đề nghị tranh luận về dự án sân bay Long Thành
Ngày 13/4, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn HASCON cho biết vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư) tạo điều kiện để các nhà khoa học tranh luận trực diện với tổ chức tư vấn Nhật đã lập báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
-
Hoàn thiện báo cáo Trung ương về sân bay Long Thành
Bộ Chính trị đã đồng ý cho Bộ GTVT báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 5 tới.
-
Xin 'bán' sân bay Phú Quốc để lấy tiền xây dựng sân bay Long Thành
Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thí điểm nhượng quyền quản lý, khai thác Cảng hàng không Phú Quốc cho các nhà đầu tư trong nước. Giá trị nhượng quyền sẽ được sử dụng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
-
Bộ GTVT báo cáo Bộ Chính trị xem xét làm Sân bay Long Thành
Thủ tướng giao Ban cán sự đảng Bộ GTVT báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định về việc đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.