02/02/2022 8:30 AM
Hình ảnh dòng người ở các tỉnh thành phía Nam lũ lượt chở nhau trên chiếc xe gắn máy cà tàng vượt hàng trăm cây số để hồi hương trong đợt dịch vừa qua khiến cả xã hội bàng hoàng, xót xa. Thất nghiệp, mất thu nhập do dịch là nguyên nhân dễ thấy, nhưng ẩn sau những cuộc hồi hương ồ ạt này là bài toán nan giải về nhà ở cho người lao động thu nhập thấp ở các đô thị.

Người lao động ùn ùn kéo về quê để tránh dịch (Ảnh internet)

Rời miền đất hứa

Đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã bào mòn mọi thứ. Trong đó, nhóm lao động thu nhập thấp là những người đầu tiên bị ảnh hưởng và cũng là nhóm chịu hậu quả nặng nề nhất. Khi sức chịu đựng vượt quá giới hạn, những cuộc hồi hương “bất đắc dĩ” buộc phải xảy ra.

Từ sớm tinh mơ, giữa trưa nắng gắt hay trong những đêm tối mưa lạnh, dòng người vẫn lũ lượt rời bỏ TP.HCM hay các thủ phủ công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Hình ảnh đôi vợ chồng trẻ quấn đứa con còn đỏ hỏn trong tấm chăn mỏng, chở nhau trên chiếc xe máy cọc cạch vượt hằng trăm cây số về quê khiến ai cũng phải nghẹn lòng. Thậm chí, hàng chục người chấp nhận đi bộ hồi hương vì không biết sống sao nếu tiếp tục ở lại.

Với người dân ở các tỉnh còn nghèo khó, TP.HCM hay các tỉnh như Đồng Nai và Bình Dương là những miền đất hứa. Nơi đây mang đến cho những người lao động chân tay cơ hội kiếm “miếng cơm manh áo”, kiếm tiền gửi về nuôi con nhỏ và cha mẹ già ở quê. Nơi đây cũng là bệ đỡ cho những người học hành, có ước vọng kiến tạo tương lai sự nghiệp.

Với họ, thời gian sống và làm việc ở thành phố còn nhiều hơn cả nơi chôn nhau cắt rốn. Có người gắn bó cả đời ở đây. Mỗi người một công việc khác nhau, nhưng họ đang góp phần mình vào sự phát triển chung của thành phố. Chưa bao giờ họ nghĩ đến ngày phải rời bỏ miền đất hứa của mình.

Đại dịch ập đến gây nên những mất mát đau lòng và cũng làm lộ rõ những điều mà bấy lâu không được quan tâm, chưa được nhìn nhận thấu đáo. Đó là nhu cầu an cư của những người thu nhập thấp ở đô thị. Giá như có một chỗ ở tốt hơn thì biết đâu đã không có những cuộc tháo chạy như vừa qua.

Người lao động thu nhập thấp đang sống trong những phòng trọ chật hẹp (Ảnh Internet)

Vợ chồng anh Bình đã có hơn 10 năm gắn bó với TP.HCM. Cũng như bao gia đình công nhân khác, đợt dịch vừa qua thực sự là cơn ác mộng đối với gia đình anh chị. Anh Bình cho biết ngay khi TP.HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách, nhiều người trong dãy trọ của anh đã tranh thủ trả phòng để về quê.

Nhiều người mất việc làm, không còn thu nhập và tích luỹ tiền bạc để tiếp tục ở lại thành phố. Nhưng vợ chồng gốc Đồng Tháp này thì khác. Anh chị không quá dư giả nhưng khoản tích luỹ giúp cả gia đình yên tâm về cơm áo trong mấy tháng dịch.

Tuy nhiên, điều khiến cho anh Bình trăn trở nhất là chỗ ở. Gia đình anh đang sống trong dãy trọ hơn 20 phòng, mỗi căn có diện tích 15m2, có thêm gác nhỏ, phía trên mái lợp tôn. Mỗi tháng tiền trọ gần 2 triệu đồng. Với diện tích khiêm tốn như vậy, anh chị không dám mua sắm gì nhiều. Buổi tối, sau khi dẫn hai chiếc xe máy vào, ở dưới chỉ còn đủ một chỗ cho anh nằm duỗi chân, phần gác nhỏ để dành cho hai mẹ con.

“Trước dịch, chỗ ở không để ý lắm nhưng nhiều tháng liền ở nhà phòng dịch cảm thấy quá ngột ngạt. Đứa con nhỏ lúc trước cả ngày đi học ở trường quen chạy nhảy nay bị nhốt trong căn phòng chật hẹp, nóng bức càng khó chịu”, anh Bình nói.

Sau nhiều năm lao động, ý tưởng mua một căn nhà đã nhen nhóm trong mơ ước của hai vợ chồng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, với mức giá nhà ở TP.HCM hiện nay thì giấc mơ đó của anh chị mãi mãi chỉ là giấc mơ.

Cuối năm 2020, Liên đoàn lao động TP.HCM thực hiện một cuộc khảo sát về nhu cầu nhà ở công nhân, kết quả cho thấy 70% lực lượng lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố là người ở tỉnh, trong đó có khoảng 1,3 triệu người cần chỗ ở.

Trong số này, chỉ có gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân xây sửa, cải tạo cho thuê. Diện tích trung bình mỗi phòng chừng 14m2 với mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Số khác thuê theo hình thức hộ gia đình, mỗi tháng phải trả 2-3 triệu đồng. Công nhân dành 10-15% thu nhập để chi trả cho chỗ ở.

"Khi không có chỗ ở ổn định, người lao động sẵn sàng di chuyển nếu tìm được nơi giá rẻ hơn hoặc thậm chí bỏ thành phố về quê, tác động tiêu cực đến nguồn lao động của nhà máy", ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn các khu chế xuất – công nghiệp TP.HCM, cho biết.

Thực tế cho thấy, làn sóng “bỏ phố về quê” vừa qua đã ngay lập tức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều công ty không thể mở cửa trở lại khi không còn nhân viên. Có doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để đưa công nhân quay trở lại thành phố làm việc trước nguy cơ trễ tiến độ đơn hàng, phải bồi thường cho đối tác.

Giám đốc một công ty thực phẩm ở quận Bình Tân than thở, ngay sau khi được cho phép hoạt động trở lại dù rất muốn nhưng công ty không thể đạt công suất tối đa do thiếu nguồn lao động. Công ty này trước đây có gần 1.000 lao động, nhưng nay chỉ còn lại phân nửa. Nhiều công nhân đã về quê không hẹn ngày trở lại.

Ông Nghiêm Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội chia sẻ: “Những người nhập cư cần việc làm, chỗ ở, TP.HCM cũng rất cần họ. Thành thị cần cả lao động có kỹ năng cho các khu công nghiệp, các xí nghiệp hiện đại, cả lao động phổ thông cho những dịch vụ giản đơn như quét rác, lau dọn nhà hàng... Thiếu họ, không chỉ sản xuất sẽ bị đình trệ mà đời sống của thành phố cũng khó có thể đầy đủ và tiện nghi”.

Chưa làm có được bao nhiêu

Trong buổi tiếp xúc cử tri đầu tháng 10/2021, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong kế hoạch phục hồi kinh tế của thành phố sắp tới có 11 kế hoạch thành phần, trong đó có phương án xây nhà cho công nhân và người thu nhập thấp. Cụ thể, thành phố đang xây dựng chương trình phát triển 1 triệu căn nhà giá thấp cho nhóm đối tượng này.

Dự án nhà ở công nhân hơn 1.000 căn hộ tại TP. Thủ Đức ( Ảnh T. Phong)

"Thành phố sẽ phát triển những nhà giá thấp nhất có thể để công nhân dễ tiếp cận và cũng thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ hiện nay. Đây là một trong những việc chính quyền thành phố đã thấy, cần phải làm ngay", ông Mãi nói.

Ngay sau đó, vào cuối tháng 10, một dự án nhà ở công nhân với quy mô 1.000 căn hộ đã được khởi công xây dựng tại TP. Thủ Đức.

Kế hoạch 1 triệu căn nhà cho thấy chính quyền thành phố đang thực sự lắng nghe, quan tâm đến đời sống người lao động. Đây là một chương trình ý nghĩa vừa tạo lập cơ hội cho nhóm người thu nhập thấp tìm kiếm một chốn an cư trong bối cảnh giá nhà đang gấp hàng chục lần thu nhập của họ, vừa thể hiện sự tri ân của thành phố với những đóng góp không nhỏ của lực lượng này giúp làm nên hình hài của trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở TP.HCM hay nhiều chính sách nhà ở giá rẻ khác trên cả nước từ “nói đến làm” là một hành trình chông gai nếu không có sự chung tay của mọi nguồn lực xã hội.

Minh chứng cụ thể nhất là chương trình phát triển nhà ở xã hội, một chính sách luôn được hâm nóng trên các diễn đàn của Quốc hội, được Chính phủ quan tâm, quy định rõ ràng trong Luật Nhà ở từ nhiều năm nhưng kết quả đạt được thực tế rất khiêm tốn, nguồn cung không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 4/2021, cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội (104.200 căn, tổng diện tích hơn 5.210.000 m2); đang tiếp tục triển khai 264 dự án (219.000 căn, diện tích khoảng 10.950.000 m2).

"Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng nêu trên, nhưng diện tích nhà ở xã hội hoàn thành mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở), còn nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến nguồn cung khan hiếm", Bộ Xây dựng thừa nhận.

Nhà nước mở chính sách, doanh nghiệp chung tay

Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ của TP.HCM, nếu phân tích ở góc độ thực tiễn có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng lớn. Đó là quỹ đất và thời gian thực hiện.

Về quỹ đất, nếu để doanh nghiệp “tự bơi” thì sẽ rất khó vì giá đất đã cao và tốn nhiều thời gian cho thủ tục. Nếu chính quyền thành phố có quỹ đất sẵn giao cho các doanh nghiệp thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Về vị trí, ông Khương cho rằng quỹ đất ở các quận trung tâm hiện nay không còn. Do đó, một là thành phố dùng quỹ đất đã dự trù trước đó ở khu vực này, hoặc tìm những nơi xa hơn ở các quận huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…

Tuy nhiên, để phát triển dự án ở những khu vực xa trung tâm thì cần đảm bảo được những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông) và hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế). Khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán, nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) là một trong những bài học về việc phát triển nhà ở tại các khu vực ngoại thành mà bỏ quên các yếu tố trên. Có diện tích 30ha với quy mô hàng chục nghìn căn hộ nhưng khu tái định cư này vẫn rất vắng lặng kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Bên cạnh chất lượng dự án và thiếu hụt tiện ích thì khoảng cách quá xa với trung tâm thành phố khiến cho người dân không dám về ở. Thậm chí, có những người đã dọn về đây sinh sống nhưng chỉ thời gian ngắn đã buộc quay lại trung tâm thuê trọ để dễ kiếm việc làm.

“Nhiều người làm công việc bán cá, bán rau, chạy xe ôm, bốc vác… nhưng ở đây thì không thể làm những việc đó nên phải về trung tâm thôi”, một người dân khu tái định cư nói.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến kế hoạch 1 triệu căn nhà giá rẻ là thời gian thực hiện với trọng tâm là các vấn đề pháp lý. Ông Khương cho rằng việc cấp phép, phê duyệt cần phải thần tốc thì mới giải quyết được bài toán trong 2022 đạt được chỉ tiêu 1 triệu căn hộ.

Về phương diện tài chính đối với các chủ đầu tư nhà ở, theo ông Khương khi dự án được phê duyệt nhanh chóng, có quỹ đất giá rẻ và biên độ lợi nhuận của họ từ 7-10% thì nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng làm, có nhiều chủ đầu tư dù lợi nhuận thấp hơn họ vẫn làm vì sự tâm huyết muốn đóng góp cho xã hội.

Với người mua, nên tạo điều kiện để họ có thể mua nhà trả góp trong vòng 30 năm hoặc 50 năm. Tâm lý có một chốn an cư của riêng mình đúng nghĩa sẽ giúp người lao động có động lực hơn gắn bó với thành phố.

Giá nhà ngày càng cao khiến người thu nhập thấp không thể với tới (Ảnh T. Phong)

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết doanh nghiệp của ông đã xây dựng khoảng 7.000 căn hộ để phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và sản phẩm làm ra không đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ông Nghĩa cho rằng, có nhiều doanh nghiệp tâm huyết xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động nhưng khi triển khai thì vướng đủ thứ, trong đó thủ tục quá rườm rà khiến thời gian từ khi xin giấy phép xây dựng đến khi triển khai mất đến 3 năm. Do đó, việc doanh nghiệp không mấy mặn mà với nhà ở xã hội là điều dễ hiểu.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, chính sách nhân văn nhất là làm sao giúp người yếu thế tự vươn lên giải quyết nhà ở cho mình theo cơ chế thị trường.

Kinh nghiệm thành công ở nhiều quốc gia cho thấy, họ thường phân nhà ở thành hai phân khúc giá thấp và cao. Phân khúc giá thấp khó thu hút vốn đầu tư nên nhà nước có thể thương lượng với nhà đầu tư, được duyệt hai dự án nhà ở giá cao kèm theo một dự án nhà giá thấp. Đất cho nhà giá thấp được ưu đãi, tiếp cận đất công hoặc miễn nộp tiền.

Ở phía cầu, người thu nhập thấp được phép liên kết thành hiệp hội để cùng nhau giải quyết nhà ở. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp xã hội tự nguyện tư vấn cho kiểu hiệp hội này. Vốn đầu tư được huy động từ người thu nhập thấp được tổ chức chặt chẽ, gồm cả phần vốn huy động từ nhà hảo tâm hay ngân hàng thương mại thực hiện nghĩa vụ xã hội. Mô hình này không chịu bất kỳ sự can thiệp hành chính nào.

“Tầm nhìn xa hơn, câu chuyện đảm bảo quyền có nhà ở cho dân còn nhờ các chính sách kéo giá đất thấp xuống và tăng thu nhập cho người lao động”, ông Võ cho biết.

Với những công nhân như anh Bình, có lẽ không quan tâm hoặc sẽ không thể hiểu hết những thứ vĩ mô, những chính sách cao siêu về xây dựng nhà giá thấp mà các chuyên gia vẫn nói hàng ngày trên tivi, báo đài.

Cái anh Bình thấy và hiểu rõ hơn cả là giá nhà ở thành phố ngày càng cao chót vót. Anh tính toán, nếu bán cả gia sản thì hai vợ chồng cùng lắm chỉ mua được vài mét vuông căn hộ ở thành phố. Trong khi năng lực và thu nhập vẫn không có gì đột biến, việc tiếp tục ở trọ là tất yếu.

Anh Bình không quá buồn, nhưng mỗi lần nhìn đứa con gái đang học lớp 3 của mình cảm giác chạnh lòng cũng không tránh khỏi.

“Cha mẹ là dân nhập cư nhưng nó là công dân gốc thành phố hẳn hoi. Nó sinh ở đây, lớn lên ở đây nhưng không biết tương lai có thoát khỏi kiếp ở trọ như cha mẹ nó không”, anh Bình tự hỏi.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.