Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho hay: “Theo thông báo mới nhất của UBND TP.HCM thì dự án quốc lộ 13 (đoạn từ chân cầu Bình Phước đến ngã tư Bình Triệu) sẽ giao cho chúng tôi nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo thường trực ủy ban để triển khai trong thời gian tới”.
Gần hai thập niên chờ đợi tuyến cửa ngõ
Về thời gian tiến hành thi công dự án quốc lộ 13, ông Ninh cho hay trong tháng 7-2019 có thể triển khai.
Dự án quốc lộ 13 nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 được hình thành từ 18 năm trước (năm 2001). Dự án ban đầu được thiết kế với chiều dài 4,5 km, từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, là cửa ngõ Đông Bắc hết sức quan trọng của TP.HCM. Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi dự án được thực hiện sẽ tạo bước đột phá để TP.HCM kết nối với tỉnh Bình Dương - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thông với các tỉnh Bình Phước và hàng loạt tỉnh Tây Nguyên.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ mở rộng 32 m, sau đó TP.HCM yêu cầu nâng lên 53 m, rồi 60 m với tổng vốn đầu tư là 4.733 tỉ đồng nhưng vì không đủ vốn nên TP rút xuống mở rộng còn 43 m, tổng vốn đầu tư còn 3.182 tỉ đồng. Tuy nhiên, một lần nữa ngân sách TP vẫn không đủ trong khi số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng bị đội vốn quá lớn. Do đó dự án vẫn còn nằm trên giấy gần 20 năm nay.
Ông Ninh thông tin thêm, chủ trương chung của TP giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ giao cho quận/huyện trên tuyến này xây dựng các phương án. Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết từ đầu năm 2018, TP đã bắt tay cùng tỉnh Bình Dương tiến hành các phương án đền bù giải tỏa để dự án sớm được tiến hành.
Dự án quốc lộ 13 hình thành từ 18 năm trước nhưng tới nay vẫn chưa được triển khai. Ảnh: HOÀNG GIANG
Có quy hoạch vẫn chưa thể triển khai
Đó là dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, dự án cũng đang bị “ngâm” từ 10 năm trước. Thông tin mới nhất về dự án này, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng Phòng xây dựng công trình Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Hiện chủ đầu tư đang gặp khó về việc xây dựng phương án tài chính sao cho có thể hoàn vốn được, vì có thể sức hút của bãi đậu xe ngầm đã giảm, họ đang tính toán như thế nào cho hợp lý”.
Năm 2009, với tình trạng thiếu nghiêm trọng bãi đậu xe tại trung tâm TP, UBND TP đưa ra phương án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám. Dự án có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD (hơn 2.500 tỉ đồng), được xây dựng ngầm, có tổng diện tích sàn 103.225 m2, gồm năm tầng đậu xe, hạ tầng kỹ thuật (70% diện tích) và ba tầng thương mại, dịch vụ công cộng (30% diện tích).
Khi hoàn thành, công trình cung cấp 28 chỗ đậu xe buýt và xe tải, 1.250 chỗ đậu xe du lịch và 2.024 chỗ đậu xe máy. Phương án bảo tồn và di dời cây xanh cũng đã được lập. Sau khi hoàn tất hạng mục công trình ngầm, cảnh quan công viên sẽ được phục hồi theo đúng thiết kế cảnh quan (thi tuyển phương án trong quá trình xây dựng), tạo cảnh quan đẹp và khang trang với các bồn hoa, cây cảnh, đài phun nước…
Theo ông Nguyên, dự án này được TP tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư như về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách cho đến việc yêu cầu các bên liên quan phối hợp nhưng đến nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. “TP đã ra tối hậu thư cho nhà đầu tư nếu không trình kế hoạch triển khai trong thời gian tới thì có thể nhà đầu tư này không được tham gia đầu tư bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám nữa” - ông Nguyên nói.
Một dự án nữa cũng treo gần thập niên là ga Bình Triệu mới. Ngay từ năm 2002, UBND TP.HCM đã đưa ra bản quy hoạch xây mới ga này. Nhưng vì nhiều vướng mắc mà dự án đến nay chưa được thực hiện.
Đến ngày 8-4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, đồng ý xây dựng mới các ga trong khu đầu mối đường sắt TP.HCM, bao gồm ga khách kỹ thuật phía Bắc là ga Bình Triệu với diện tích 41 ha, ga khách trung tâm là ga Sài Gòn với diện tích 6,14 ha.
Ngoài việc xây ga, quy hoạch giao thông vận tải cũng sẽ nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng (ga Sài Gòn), riêng đoạn từ ga Bình Triệu đến ga Hòa Hưng sẽ thành đường sắt trên cao. Từ đó đến nay, TP đã nhiều lần kiến nghị Bộ sớm triển khai theo quy hoạch nhưng dự án vẫn “án binh bất động”.
“Về dự án ga Bình Triệu, hiện cơ quan chức năng đã cắm ranh mốc dự án và bàn giao cho địa phương quản lý nhưng dự án vẫn chưa tiến triển do thiếu kinh phí” - ông Nguyên thông tin thêm.
Cần quyết liệt đẩy mạnh triển khai dự án Về những dự án công trình giao thông để “ngâm” hàng thập niên nói trên, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, nhận xét: Những dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giao thông của TP.HCM, phá vỡ luồng quy hoạch chung của TP, làm ùn tắc, ách tắc, gây khó khăn thêm cho việc đi lại của người dân. Chậm tiến độ cũng do nhiều nguyên nhân nhưng cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn để đẩy nhanh các dự án. |