Vì nhiều lý do mà nhiều DN vẫn “ì ạch" trên con đường vào sàn, cho dù đã có nghị quyết ĐHCĐ quyết định lên sàn và DN đã nộp hồ sơ niêm yết.
Lên sàn niêm yết là một trong những "con bài" có trọng lượng nhất của các công ty đại chúng trong việc thu hút sự quan tâm của NĐT. Đó cũng là nhu cầu chính đáng của các cổ đông với mong muốn cổ phiếu mình sở hữu có tính thanh khoản tốt, hoạt động của công ty công khai, minh bạch hơn khi lên sàn. Vậy nhưng, vì nhiều lý do mà nhiều DN vẫn “ì ạch" trên con đường vào sàn, cho dù đã có nghị quyết ĐHCĐ quyết định lên sàn và DN đã nộp hồ sơ niêm yết.

Trên website www.hnx.vn của Sở GDCK Hà Nội đến nay vẫn lưu tên của 6 DN đã nộp hồ sơ niêm yết từ những năm 2007 - 2008. Nghị quyết ĐHCĐ của CTCP Xây dựng Năng lượng đã thông qua việc chào bán cổ phiếu của Công ty và niêm yết cổ phiếu trên HNX trong năm 2008. HĐQT được quyền lựa chọn công ty tư vấn, tổ chức tiến hành các công việc cần thiết cho việc niêm yết. Vậy nhưng, đến ĐHCĐ năm 2010, vấn đề niêm yết cổ phiếu lại được đưa ra xin ý kiến và chưa biết đến bao giờ DN này mới thực sự lên sàn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Văn Dưỡng, người công bố thông tin của DN này cho biết, năm 2007 Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết lên HNX. Sau khi thẩm định hồ sơ, HNX đã yêu cầu Công ty phải hoàn thành nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội mới được cấp phép. Tuy nhiên, đến nay DN vẫn chưa xử lý xong vấn đề này. Được biết, Công ty đã có kế hoạch tăng vốn từ 32,5 tỷ đồng lên trên 70 tỷ đồng. Sau khi có nguồn vốn huy động được, Công ty sẽ cơ cấu lại để xử lý những vấn đề tài chính còn tồn đọng. Sau đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ niêm yết trên HNX. Nhưng vậy, có thể hình dung lộ trình niêm yết của DN này mịt mờ như thế nào khi mà TTCK đang khó khăn và việc tăng vốn của các DN nói chung không dễ dàng gì.

Việc chậm niêm yết của CTCP Meinfa phần nhiều lại do ý muốn chủ quan của DN. Nộp hồ sơ niêm yết trên HNX vào tháng 11/2008, đến tháng 10/2009 Công ty bị UBCK phạt 60 triệu đồng, do năm 2008 chào bán chứng khoán tăng vốn từ 23,1 tỷ đồng lên 29 tỷ đồng, nhưng không đăng ký với cơ quan này. Đại diện Công ty cho biết, việc xử phạt trên không liên quan đến hồ sơ niêm yết của DN. Trên thực tế, Meinfa đã được chấp thuận niêm yết nhưng do thị trường "phập phù" nên lãnh đạo Công ty đã trì hoãn. Tại ĐHCĐ năm 2010, cũng có một số cổ đông đặt ra vấn đề niêm yết cổ phiếu, nhưng bản thân lãnh đạo Công ty chưa thấy cần thiết. Một mặt là DN không có nhu cầu tăng vốn, mặt khác là phần lớn cổ phiếu do CBCNV trong Công ty nắm giữ, nên nhu cầu chuyển nhượng cũng không lớn. Công ty hiện có vốn điều lệ 29 tỷ đồng và khoảng 120 cổ đông. Với chủ trương như trên, cũng chưa biết bao giờ cổ đông của Meinfa mới có thể giao dịch cổ phiếu qua sàn giao dịch tập trung.

CTCP Chế biến gỗ Pisico Đồng An hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh các sản phẩm gỗ. DN này có vốn điều lệ 17 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 31,28%. Tháng 7/2009, Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết tại HNX. Tuy nhiên, đến ĐHCĐ năm 2010, Công ty đã công bố nghị quyết ĐHCĐ thông qua việc không đồng ý niêm yết cổ phiếu trên HNX. Cùng với đó, giao cho HĐQT giải quyết việc rút hồ sơ niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán và làm thủ tục rút khỏi danh sách công ty đại chúng đã đăng ký với UBCK; cho phép cổ đông tự do chuyển nhượng cổ phần.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các DN đã vạch ra lộ trình nhưng không lên niêm yết. Một chuyên viên công bố thông tin của HNX cho biết, theo quy định cũ thì sau 10 ngày và quy định mới là 5 ngày nhận được hồ sơ niêm yết của các DN, HNX sẽ phải trả lời bằng văn bản về tình trạng hồ sơ. Nếu chưa hoàn thiện thì yêu cầu DN phải bổ sung thêm. Tuy nhiên, do không đưa ra thời hạn sau khi có công văn thông báo là bao lâu DN phải bổ sung hồ sơ, nên có nhiều DN trong vài năm vẫn chưa bổ sung xong và chưa lên niêm yết. Những vướng mắc chủ yếu liên quan đến quản trị công ty, sửa đổi điều lệ.

Trên thực tế, trong báo cáo tài chính được kiểm toán của một số DN có điểm ngoại trừ, còn vướng mắc liên quan đến vấn đề tài chính chưa xử lý dứt điểm. Trong quá trình xem xét hồ sơ, có DN thực hiện phát hành không đúng quy định, tăng vốn không xin phép, không báo cáo nên phải báo cáo lại UBCK và nộp phạt, sau đó mới quay lại Sở GDCK để hoàn thiện tiếp hồ sơ. Cho dù với nguyên nhân nào, việc chậm hoặc hủy niêm yết của DN đã công bố nộp hồ sơ hoặc công bố lộ trình niêm yết cũng gây thiệt hại cho NĐT. Hồi tháng 5/2010, khi có thông tin niêm yết vào tháng 7, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) đã "chạy" từ mức giá 17.000 đồng/CP lên 25.000 đồng/CP. Tuy nhiên, sau đó DN này chậm niêm yết và hiện tại cổ phiếu đang được rao bán ở mức 18.000 - 19.000 đồng/CP. Không chỉ riêng Petroland, nhiều NĐT săn mua cổ phiếu sắp chào sàn cũng bị hẫng hụt khi kế hoạch niêm yết không diễn ra theo dự kiến.

"Hàng hóa tốt nhưng chợ không tốt thì cũng không dại gì đem ra bán. Chúng tôi phải lựa chọn thời điểm lên sàn là vì thế", giám đốc một công ty chuẩn bị chào sàn cho biết. Đó là những DN có chiến lược rõ ràng, hồ sơ đầy đủ, không tì vết. Còn không ít DN đã nộp hồ sơ nhưng chưa biết bao giờ chào sàn do thiếu điều kiện, khiến NĐT đầu cơ loại cổ phiếu này lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười.

Cafeland.vn - Theo Nguyên Thành
ĐTCK

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland