06/11/2020 8:55 AM
Đã có quy định rõ ràng về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, thế nhưng việc thu hồi là không hề dễ dàng.

VIC Tower tại lô C ô đất D4 KĐT mới Cầu Giấy sau hơn 10 năm "bất động", hơn 300 khách hàng không biết đi đâu về đâu?

Theo GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Thu hồi khó

Cụ thể: Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013: "i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.”

Tuy nhiên, thực tế những năm qua lượng dự án đắp chiếu ngày càng nhiều, có dự án chậm tiến độ cả chục năm.

Theo ông Võ, việc thu hồi dự án còn vướng mắc ở chỗ, khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp rất nhiều khó khăn. "Do Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu nên nếu dự án dính tới sai phạm nhưng tài sản của chủ đầu tư hình thành trên quỹ đất đó vẫn hợp pháp, việc chuyển nhượng cả đất và tài sản của chủ đầu tư cũ là rất khó".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sử dụng nhiều "chiêu" để tránh bị thu hồi như tiếp tục xin gia hạn triển khai dự án, hay xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Một số dự án khác thì lại nằm trong danh sách bị thanh tra, chờ thanh tra... dẫn đến các "cỗ bê tông" hoang hóa hàng thập kỷ mà không thể thu hồi.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng. Nếu thành phố muốn thu hồi thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có cơ chế hoặc ngân sách eo hẹp trong việc đền bù.

Thanh lý cũng không dễ

Không những chỉ đắp chiếu dự án, nhiều chủ đầu tư còn "cầm cố" dự án vào ngân hàng, qua nhiều năm không còn đủ khả năng trả nợ, ngân hàng đành phát mãi dự án. Tuy nhiên, việc phát mãi cũng khó lòng được như mong đợi.

Đơn cử tại dự án Saigon One Tower, khởi công xây dựng năm 2007, được kỳ vọng trở thành một trong những cao ốc biểu tượng của TP.HCM. Nhưng sau 2 năm khởi công, cơ bản hoàn thiện xây dựng phần thô, dự án buộc phải dừng thi công do thiếu vốn, rồi liên tục lùi thời hạn hoàn thành. Tòa cao ốc xây dựng dở dang án ngữ “đất vàng” suốt hơn một thập kỷ trở thành “tội đồ” làm xấu bộ mặt đô thị của TP HCM.

Dự án Saigon One Tower được xây trên khu đất vàng 6.672,2 m2 ngay quận 1, TP.HCM. Công trình cao 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2 (tính cả hầm khoảng 152.000 m2).

Ngày 21/8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố đã thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP SaiGon One Tower từ tháng 5/2017. Đến tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá Dự án SaiGon One Tower với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Thế nhưng, việc đấu giá dự án cũng không suôn sẻ, đến nay dự án vẫn chưa tìm được chủ mới.

Thậm chí, một số dự án còn được các chủ đầu tư mới tham gia vào chuyển nhượng hoặc làm đơn vị phát triển, thế nhưng phương án này cũng chưa mấy dự án thành công. Đơn cử như dự án Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương (Hà Nội), sau khi đắp chiếu nhiều năm, dự án được Landmark Holding tiếp quản, khởi động lại hồi năm 2018. Giới khách hàng dự án kỳ vọng đã nhìn thấy tương lai được nhận nhà, thế nhưng cũng chỉ 1 năm sau, dự án này lại bị bỏ quên cùng thời gian.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS Đặng Hùng Võ cho biết, hồi sinh hay thu hồi các “cỗ bê tông” đang ngày ngày hoang hoá trên đất vàng là một câu chuyện dài hơi. Việc thu hồi chậm trễ ngày nào thì Nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó.

“Chính vì vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Hơn nữa, chúng ta cương quyết thu hồi lúc này mới có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đây” - GS Đặng Hùng Võ khẳng định.

Chủ đề: Bỏ hoang
  • Khối bê tông khổng lồ khiến hàng loạt lãnh đạo nhà băng “dính chàm”

    Khối bê tông khổng lồ khiến hàng loạt lãnh đạo nhà băng “dính chàm”

    CafeLand – Nằm vị trí đắc địa bậc nhất tại khu trung tâm TP.HCM nhưng số phận của dự án Sài Gòn One Tower vẫn lận đận suốt nhiều năm. Đến nay, toà nhà này vẫn chỉ là khối bê tông khổng lồ xám xịt và khiến cho nhiều người phải dính vòng lao lý. Trong đó, có lãnh đạo của các ngân hàng.

Lam Châu (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.