Sau 1 tháng thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc dừng hoạt động tất cả các trục cẩu tháp vươn ra ngoài phạm vi công trình xây dựng trong khoảng thời gian từ 6h đến 22h hàng ngày, có vẻ như nhiều chủ đầu tư chỉ chấp hành theo kiểu “chống đối”.
Trước mối nguy hiểm của trục cẩu tháp tại các công trình xây dựng trong thời gian qua, ngày 15/5, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu dừng hoạt động các trục cẩu tháp có tay cẩu vươn ra khỏi phạm vi công trường trong khoảng thời gian từ 6h đến 22h hàng ngày. Khi hoạt động phải có đầy đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới, hướng dẫn cho phương tiện qua lại. Cùng với việc dừng thi công ban ngày, các công trình xây dựng có trục cẩu tháp vươn ra ngoài trong thời gian dừng thi công, cẩu và tay cẩu phải ở trong phạm vi công trường.
Quy định là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên VOV, hầu hết các trục cẩu tháp có tay cẩu vươn ra khỏi phạm vi công trường vẫn hoạt động trong khoảng thời gian “cấm”, khi không hoạt động thì tay cẩu hoặc phần đuôi cẩu có đeo nhiều phiến bê tông vẫn “lơ lửng” trên đầu người dân. Đơn cử, chỉ trong khoảng từ 14h30-16h ngày 11/6 vừa qua, khảo sát một số công trình xây dựng nhà cao tầng có trục cẩu tháp như tòa nhà văn phòng số 89 Láng Hạ; tòa nhà DSD Building số 63 - 71 Láng Hạ; tòa nhà cao tầng 131 Thái Hà; công trình 46 Nguyễn Lương Bằng…, thì thấy có 3 trục cẩu đang quay tròn, mặc cho phía dưới có hàng nghìn người và phương tiện qua lại. Tay cẩu dài hàng chục mét quay ngang, quay dọc đủ mọi hướng ra ngoài phạm vi công trường. Người dân ở gần khu vực có trục cẩu tháp vẫn nơm nớp lo sợ hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Phớt lờ quy định cấm, các chủ đầu tư vẫn cho vận hành trục cẩu tháp công khai vào ban ngày, nhất là tranh thủ giờ nghỉ trưa và các ngày nghỉ cuối tuần. Theo lý giải của một chủ đầu tư, chỉvận hành trục cẩu tháp vào ban đêm, thì thời gian thi công dự án sẽ bị kéo dài và chi phí phải đội thêm. Một chủ đầu tư tính toán: “Bây giờ do là vật liệu phải vận chuyển vào ban đêm thì phải bố trí thêm ca kíp, nhân lực, gây phát sinh thêm chi phí và tổ chức thi công chặt chẽ hơn, bởi vì thi công vào ban đêm có đặc điểm là khi vận chuyển vật liệu bằng trục cẩu tháp thì tầm nhìn bị ảnh hưởng, không đảm bảo. Vì vậy phải bố trí thêm người cảnh giới, tăng đèn chiếu sáng…”.
Mặc dù theo kế hoạch, liên ngành Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra các dự án xây dựng có sử dụng trục cẩu tháp. Với trục cẩu tháp có tay vươn ra khỏi công trường, các tổ công tác sẽ đình chỉ hoạt động, đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, chưa biết kết quả kiểm tra, xử lý ra sao, nhưng nhiều trục cẩu tháp vẫn đang công khai hoạt động vào ban ngày. Theo lý giải của lực lượng thanh tra xây dựng quận Đống Đa, địa bàn có tới 8 trục cẩu tháp vươn ra ngoài phạm vi công trường, thì việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Khó ở chỗ, khi đến kiểm tra, chủ đầu tư thực hiện đúng, nhưng đoàn kiểm tra về thì lại vi phạm quy định. Hơn nữa, đoàn kiểm tra phát hiện ra sai phạm, nhưng đến nơi nếu không có mặt đại diện chủ đầu tư thì cũng không làm việc được.
Ông Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ cơ động, Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa cho biết: “Khi kiểm tra đột xuất thì có 1 số chủ đầu tư không thực hiện nghiêm việc đó, chúng tôi đã nhắc nhở. Quản lý trên địa bàn có khá nhiều dự án nên công tác kiểm soát 24/24 có hạn chế, khoảng 12h trưa, 13h30, 14h… những giờ ngoài giờ hành chính chẳng hạn. Mặc dù cũng có cử 1 đồng chí đi kiểm soát, nhưng mà 1 mình thì cũng không thể xử lý được, chỉ ghi nhận hoặc gọi ra thì họ lại chấp hành, dừng lại luôn còn lúc khác họ lại tiếp tục. Tôi nghĩ là chế tài phải tăng lên để yêu cầu họ chấp hành”.
Rõ ràng, khi đã có quy định “cấm”, thì cũng cần có những biện pháp hữu hiệu để các chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện. Nếu thanh tra, kiểm tra mà chỉ nhắc nhở, hình thức xử lý chưa đủ nặng thì chủ đầu tư sẽ còn tiếp tục chấp hành kiểu “chống đối” như hiện nay./.