Nửa thời gian quý I trôi qua, BĐS Hà Nội mới chỉ được hâm nóng bằng các hoạt động chạy đua bán hàng của giới trung gian, sàn giao dịch. Trong khi nhiều công trường dự án trong khu vực trung tâm mới chỉ lác đác bóng công nhân trở lại sau Tết, thì cơ quan thuế đã ráo riết thông báo đợt hai các đơn vị nợ thuế.

Có ý kiến rằng việc “vô hiệu hóa” hóa đơn (do nợ đọng kéo dài nghĩa vụ thuế) của DN chủ đầu tư dự án không ảnh hưởng quyết định tới thanh khoản sản phẩm. Bằng cách bán hàng thông qua đơn vị trung gian ủy quyền/đối tác phân phối, không ít chủ đầu tư đang “lách” luật?

8 DN, 200 tỷ đồng thuê đất

Tháng 2/2016, Cục thuế Hà Nội đăng tải công khai đợt hai năm 2016 danh sách 118 đơn vị nợ thuế, phí tính đến 31/12/2015. Trong đó, cơ quan này tách riêng 8 đơn vị nợ tiền thuê đất với tổng số tiền lên tới 196,27 tỷ đồng.

“Quán quân” về nợ tiền thuê đất thuộc về công ty CP VipTour-Togi, với số tiền nợ 103 tỷ 54 triệu đồng. VipTour-Togi là chủ đầu tư dự án Khách sạn Trấn Vũ (đặt tại khu đất vàng số 10 Trấn Vũ, quận Ba Đình).

Được biết, cuối năm 2015, công ty CP Tập đoàn Đại Dương (công ty mẹ của công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương) ra chủ trương huy động từ nguồn thu 44,4 tỷ đồng thoái vốn tại dự án Lega Fashion House và 48 tỷ đồng (tiền chuyển nhượng 984.100 CP của công ty Vietcom) để trả nợ 90 tỷ đồng cho VipTour – Togi.

Ngay tháng 1/2016, Viptour – Togi đã xuất hiện trong danh sách đợt 1 năm 2016 nêu rõ 139 đơn vị nợ thuế tính tới 30/11/2015. Đáng chú ý, đơn vị này cũng đứng “top” đầu về nợ với số tiền lên tới 11 tỷ đồng (chỉ xếp sau công ty CP cầu 12 – Cienco 1 với khoản nợ gần 88,8 tỷ đồng) trong số 139 đơn vị bị bêu tên.

Quy mô nợ (tiền thuê đất) thuộc loại “khủng” lần lượt thuộc về các DN thuộc lĩnh vực xây dựng, VLXD. Cụ thể, công ty CP Đầu tư và bê tông Thịnh Liệt (khu đất thuê tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nợ 28,4 tỷ đồng tính tới cuối năm 2015.

Còn nhớ, ở thời điểm 31/5/2015, Cục Thuế Hà Nội đã nhắc tên Bê tông Thịnh Liệt trong danh sách 50 DN nợ thuế lớn trên địa bàn. Khi đó, Bê tông Thịnh Liệt khoác trên lưng khoản nợ ngót 11,8 tỷ đồng. Chưa rõ, DN họ xây lắp dân dụng – công nghiệp này đã và đang có phương án gì với hàng chục tỷ đồng tiền nợ thuế, tiền thuê đất treo lơ lửng trên đầu?!

Kế đến, phải nhắc tới công ty CP Sông Hồng với hơn 16,2 tỷ đồng tiền thuê đất (địa điểm số 4 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) còn đeo đẳng từ 31/12/2015. Tài liệu báo chí để lại cho thấy, hàng nghìn m2 tại khu đất vàng Trần Hưng Đạo đã từng tốn rất nhiều giấy mực báo chí liên quan tới công ty Cơ điện Công trình (MESC) và công ty CP Sông Hồng (một công ty cổ phần hóa từ chính MESC) từ… 10 năm trước.

Nợ đọng tiền thuê đất của DN tiếp tục là đề tài “nóng” của dư luận lẫn giới chức quản lý.

Thêm DN họ xây dựng

Kết thúc năm 2014, về Báo cáo tài chính năm của công ty CP Sông Hồng, đơn vị kiểm toán và thẩm định giá Việt Nam có đề cập tới thông tin đơn vị nợ ngót 2,72 tỷ đồng tiền thuê đất và thuế đất phải nộp.

Còn lại trong danh sách 8 DN nợ tiền thuê đất khủng, một số trường hợp đáng chú ý như sau: công ty CP thiết bị giáo dục 1 nợ gần 19 tỷ đồng; công ty Kỹ thuật điện thông nợ hơn 14 tỷ đồng; công ty CP VLXD và XNK Hồng Hà nợ gần 4,5 tỷ đồng…

Danh sách 110 đơn vị nợ thuế, phí (tổng cộng 156 tỷ 563 triệu đồng; tính đến 31/12/2015) được cục Thuế Hà Nội công khai hé mở khá nhiều những tên tuổi “mới toanh” trong lĩnh vực xây dựng – địa ốc.

Liệt kê một số trường hợp DN (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp hoặc liên quan) nợ quy mô từ trên 500 triệu đồng tới nhiều tỷ đồng: công ty CP Đầu tư SICO (hơn 9,6 tỷ đồng); công ty CP Xây dựng và hợp tác đầu tư Đất Việt (10 tỷ 3 triệu đồng); công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp PVV (25 tỷ 326 triệu đồng); công ty CP Tập đoàn Thành Nam (chuyên cung cấp sản phẩm inox; nợ 6 tỷ 14 triệu đồng; công ty TNHH xây dựng và thươnge mại Đại Kim (984 triệu đồng); công ty TNHH xây dựng IDC (624 triệu đồng)…

Đợt 1 (tháng 1 vừa qua), danh sách 139 đơn vị nợ thuế được công khai (tính tới 30/11/2015) bất ngờ nêu danh Knight Frank Việt Nam (kinh doanh dịch vụ BĐS) với số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Đợt 2, một thương hiệu BĐS khác xuất hiện. công ty CP Gami BĐS (đặt trụ sở tại Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) có số nợ lên tới 1,4 tỷ đồng tính tới thời điểm kết thúc năm 2015.

Được biết: công ty CP Gami BĐS được thành lập tháng 12/2008, tiền thân là Khối Gami BĐS thuộc Tập đoàn Gami, hoạt động theo ba nhóm chính: Thương mại, Nhượng quyền và Kinh doanh BĐS.

Trên cơ sở tiếp quản hệ thống công ty hiện có của Khối BĐS Tập đoàn Gami, Gami Land hiện đang là công ty Mẹ và quản lý hệ thống các cty thành viên sau: công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp FBS; công ty CP Tài chính Phát triển doanh nghiệp và Kiến trúc; công ty CP Đầu tư và Thương mại Tài Phúc….

Tuy nhiên, trên website Gamigroup.com không nêu bất cứ dự án, công trình BĐS nào đã thực hiện nhằm minh chứng cho “tầm” của DN. Thậm chí, trang Gamiland.com.vn (được cho là website chính thức của Gami BĐS) hoàn toàn không hoạt động.

Mở rộng tìm kiếm, FBS công khai một số dự án đô thị, nhà ở thương mại tại Quốc Oai, Gia Lai, Tp Việt Trì… Tham chiếu thông tin báo giới, tháng 12/2015, FBS bị cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều sai phạm (triển khai xây dựng chưa được cấp phép) tại dự án KĐT Hoa Lư – Phù Đổng (Tp.Pleiku).

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.