10/01/2012 10:34 AM
Thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2011 có nhiều biến động do chịu tác động của thế giới và trong nước. Sau đây, Ban biên tập CafeLand xin “điểm” lại những biến động của thị trường tài chính trong năm qua.

“Năm thử lửa” của chính sách

Trong năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ chặt chẽ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP. Để đạt được các con số trên, NHNN phải điều chỉnh các mức lãi suất vay.

Cụ thể, đầu tháng 5/2011, có thời điểm huy động VND lên đến 20%/năm, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn lên 16,5-20%/năm, cho vay phi sản xuất từ 25-28%/năm.

Quy định trần lãi suất 14%/năm khiến các NHTM gặp khó về thanh khoản và phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao. Cá biệt, có những giao dịch lãi suất lên tới mức 30-40%/năm kỳ hạn 1 tháng.

Chính chi phí vốn cao đã đẩy lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã khiến các doanh nghiệp đình trệ sản xuất.

Theo thống kê, có tới gần 50.000 doanh nghiệp đã phá sản, ngưng hoạt động hay sáp nhập trong năm 2011. Với việc tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và các giải pháp khơi thông vốn, phần lớn Ngân hàng Thương mai (NHTM) đã thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay của nhiều TCTD vẫn ở mức cao, ngoại trừ một số chương trình cho vay ưu đãi đối với một ngành nghề và tại một số NHTM quốc doanh có tính thanh khoản tốt, đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm lãi suất cho vay.

Từ tháng 9, lãi suất tái cấp vốn tăng lên 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng lên 16%/năm. Mặc dù trong tháng 10, lãi suất thị trường liên ngân hàng có áp lực tăng, nhưng tính đến ngày 14/12, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 14 - 14,5%/năm; 1 tuần ở mức 15 - 16%/năm; 2 tuần ở mức 16 - 17%/năm; 1 tháng ở mức 18 - 19%/năm.

Ở thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải chịu mức lãi suất trung bình 20 - 22%/năm. Nhiều ngân hàng đang trở lại cuộc chạy đua lãi suất và trần lãi suất huy động lại tiếp tục vượt 14%/năm, khiến nhiều người nghi ngại, chưa biết rồi đây các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay thế nào.

Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực tài chính tiền tệ vẫn đảm bảo được tính bền vững, tạo điều kiện cho nền kinh tế vượt khó. Cụ thể, mức tăng giá tiêu dùng bắt đầu tư tháng 5/2011 đã giảm dần (tháng 5: 2,21%; tháng 6: 1,09%; tháng 7: 1,17%; tháng 8: 0,93%; tháng 9: 0,82%; tháng 10: 0,36%; tháng 11: 0,39%; tháng 12: 0,53; cả năm tăng khoảng 18,13%).

Những biến động của thị trường tài chính năm 2011

Năm 2011 được xem là một năm đầy biến động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Ảnh minh họa

“Soi” lại thị trường

Trước những tác động của việc ban hành Nghị quyết 11, trong năm qua, thị trường tiền tệ vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn.

Thứ nhất là việc điều chỉnh tỷ giá lên 9,3%. Ngày 11/2/2011, NHNN tăng tỷ giá USD/VND từ 18.932 lên 20.693 và thu hẹp biên độ giao dịch từ ± 3% xuống ±1%. Tuy nhiên, sau đó, tỷ giá ngoài thị trường tự do đã có biến động mạnh, một số thời điểm tỷ giá lên mức 22.000 VND/USD.

Sau cú "sốc" này, áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm hẳn, thị trường ngoại hối tỏ ra ổn định và không gây ra những biến động lớn. Nhiều thời điểm, tỷ giá thị trường tự do giảm thấp hơn so với thị trường chính thức, tỷ giá liên ngân hàng cũng liên tục giảm.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2011 mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đạt xấp xỉ 19% và tiền gửi tăng khoảng 8% so với đầu năm, cho thấy tình trạng đô la hóa vẫn còn. Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, tỷ giá sẽ gặp phải những áp lực lớn đầu năm 2012 do hàng nhập khẩu trước Tết vẫn tiếp tục tăng, nhiều món nợ bằng ngoại tệ của khách hàng với ngân hàng và của ngân hàng với các chủ nợ nước ngoài đã được điều đình để trì hoãn đến đầu năm mới.

Thứ hai, cơn sốt vàng. Trong năm 2011, giá vàng đã tăng khoảng 25% và mức tăng cao nhất đạt 40% khi giá vàng đạt đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng vào ngày 23/8. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng và được gọi là "ngày thứ Hai điên rồ". Trước hiện tượng này, NHNN cho nhập khẩu 5 tấn vàng nhưng không làm giá vàng giảm mạnh, thậm chí đến cuối tháng 9, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng mạnh tiếp tục đẩy nhu cầu mua lên cao, phần nào tạo áp lực khiến NHNN phải cho phép SJC và 5 NHTM là Sacombank, ACB, Techcombank, DongABank và Eximbank được bán vàng bình ổn, với lượng vàng bán ra đạt trên 10 tấn trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, những ngày cuối năm, một vài ngân hàng bán vàng bình ổn đã từ chối bán vàng cho dân với lý do hết vàng.

Tuần cuối cùng của năm 2011, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên 2 triệu đồng/lượng. Việc ban hành Nghị định quản lý thị trường vàng đang được công chúng chờ đợi, để sớm có những giải pháp căn cơ hơn, giúp thị trường vàng đi vào ổn định.

Thứ 3, nợ xấu tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng đều đặn từ đầu năm do kinh tế khó khăn đặc biệt là sự xuống dốc của thị trường bất động sản. Đến cuối tháng 8/2011, nợ không đủ tiêu chuẩn được xác định là khoảng hơn 76.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo các hãng xếp hạng tín dụng thì nợ xấu có thể lên tới 100.000 tỉ đồng - tương đương khoảng 5 tỉ USD, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lên tới 47% con số này.

Thứ 4, hợp nhất 3 Ngân hàng. Hệ thống Ngân hàng đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong năm 2011. Do đó, tại Hội nghị Trung Ương 3 đã ban hành nghị quyết tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Thương mại Cổ phần và các tổ chức tài chính. Đến ngày 6/12, tiến trình tái cấu trúc đã được thực thi một cách mau lẹ khi NHNN hỗ trợ việc hợp nhất ba NHTM là Ficombank, TinNghiaBank và SCB với tên gọi mới là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn.

Thứ 4, vỡ nợ tính dụng đen. Năm 2011, hàng chục vụ vỡ nợ xảy ra tại khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc. Nhiều vụ vỡ nợ lên đến hàng trăm tỉ đồng như tại Phú Xuyên, Văn Quán, Hà Đông, Cầu Giấy (Hà Nội). Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như huy động lượng tiền lớn với lãi suất cao, sau đó bị bắt vì không có khả năng trả.

Có điều đáng chú ý và có một điểm chung ở các vụ vỡ nợ trong thời gian qua hầu hết là những “đại gia” buôn đất. Khi bị phanh phui, các chủ nợ của loại hình tín dụng đen này đều khai báo trước cơ quan điều tra rằng, phần lớn số vốn họ huy động trong suốt thời gian qua đã được “chôn vùi” trong đất cát. Và trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, nhà đất ôm vào không bán ra được cũng là lúc những món nợ ngân hàng, nợ tín dụng đen ngày một chất cao bắt đầu lộ ra.

Theo phân tích CafeLand, năm 2011 là một năm đầy biến động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực tài chính tiền tệ vẫn đảm bảo được tính bền vững, tạo điều kiện cho nền kinh tế vượt khó khi chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách linh hoạt và hiệu quả trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng và cung tiền, sự ổn định trên thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, chỉ số lạm phát cùng mặt bằng lãi suất ở mức cao nhất trong khu vực đang chứng tỏ các nhà quản lý chưa hoàn toàn làm chủ được tình hình thị trường tiền tệ.

Qua đó, việc nhìn lại thành quả và hạn chế thị trường tài chính năm sẽ là tiền đề cho những chính sách và kế hoạch hành động của các nhà quản lý trong năm 2012.

Ban biên tập
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.