Đại lộ Thăng Long, con đường huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với các huyện ngoại thành và khu vực lân cận được xác định có vai trò quan trọng trong lưu thông, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại. Sau gần một tháng đi vào hoạt động đã phát sinh nhiều vấn đề mà nguyên nhân chính được xác định là do chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Đại lộ dài nhất, đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam là những cái nhất đính theo con đường dài gần 30km, được xây dựng với tổng mức kinh phí 7.500 tỷ đồng có tên rồng bay được khánh thành nhân sự kiện lịch sử trọng đại của Hà Nội mừng 1.000 năm Thăng Long. Do yêu cầu công việc, trước và cả khi chính thức cắt băng thông đường, tôi đều đi lại nhiều lần trên con đường này bằng xe ôtô. Lần nào, tôi cũng thầm thốt lên, đúng là rộng, là đẹp thật. Thế nên khi nghe mọi người ca thán về đại lộ nghìn tỷ, tôi cứ thấy nghi nghi. Chỉ đến khi đi rong ruổi bằng xe máy, tạt ngang, tạt ngửa vào hai bên đường "buôn chuyện" với người dân sở tại, tôi mới hiểu rõ căn cớ.

Vừa đi, vừa sợ... lạc

Đại lộ Thăng Long bắt đầu từ cái bùng binh to đùng ở ngã tư Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Vừa rời khỏi km 0 khoảng trăm mét, tôi gặp ngay cái ngã ba. Không biết rẽ bên nào, nên tôi đành tiến lại sát cái biển báo giao thông và đọc thấy dòng chữ "cấm mô tô". Cái biển báo đặt ở ngã ba, không biết cấm mô tô phía làn đường bên phải hay làn đường bên trái, tôi thầm nhủ. Thôi thì, "phận mỏng cánh chuồn", cứ đi sang làn đường bên ngoài cho lành, nghĩ vậy nên tôi đánh tay lái sang con đường nhỏ bên phải. Đi một lúc, thấy biển hiệu của mấy cửa hàng kinh doanh bên đường ghi là làng Mễ Trì.

Đến lúc này, tôi nhớ lại ngay cái lần cách đây chừng hơn tháng khi tham gia đoàn công tác lên Hà Giang. Khi đến cái ngã ba vừa nêu, anh lái xe không biết chọn lối nào nên cũng chọn đúng cái làn đường mà tôi chọn. Đi một lúc, mọi người ngồi trên xe thắc mắc sao không thấy đi qua đường hầm. Anh lái xe chỉ biết ậm ừ chứ không biết nói sao. May mà đi một lúc nữa, anh cũng tìm được lối sang làn đường cao tốc. Lúc đó, mọi người mới biết anh đi nhầm sang đường gom. Cái sự nhầm lẫn này xảy ra khi Đại lộ Thăng Long chưa chính thức khánh thành nên việc chưa có biển báo giao thông... có thể chấp nhận được. Đằng này, cái ngày tôi cứ phân vân đứng trước ngã ba đường, nơi có biển báo giao thông có "vóc dáng" khiêm tốn cách ngày thông xe những 3 tuần. Nghĩa là lúc con đường đã chính thức thông xe kỹ thuật.


May quá, may mà mình chọn cách đi sang phần đường nhỏ, đầy bụi bặm chứ đi vào làn đường cao tốc, gặp CSGT tuần tra sẽ bị xử phạt lỗi đi sai phần đường thì mất tiền trăm, tôi thầm nghĩ. Thế mà nhìn sang làn đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi xe máy phóng vèo vèo. Nhìn cách họ đi mới hết ý nghĩa của từ mát ga.

Mà cũng lạ, đi cả đoạn đường gần chục km mà chẳng thấy chốt CSGT nào. Không có CSGT thì lo gì bị xử phạt. Thế nên mới có nhiều người đi xe máy cứ lao vào đường cao tốc - phần đường dành cho ôtô. Nhìn lại con đường gom mà mình đang đi, tôi thấy sao khác xa với làn đường cao tốc. Bụi bay tung trời, đất cát vung vãi. Nhiều đoạn, vật liệu xây dựng để ngổn ngang. Nào là ôtô tải, ôtô bán tải, ôtô con, xe mô tô, xe đạp, xe thồ các loại chạy ngược chiều. Cũng phải thôi, chưa có biển báo cấm đi ngược chiều nên chủ phương tiện cứ mặc nhiên chạy. Chẳng có biển cấm nên CSGT cũng chẳng có quyền hạn gì để xử phạt người đi ngược chiều cả. Lòng đường vốn không rộng nên khi người chở luồng bằng xe tự chế gặp xe ô tô đi ngược chiều là vướng. Vướng không chỉ vì cây luồng dài, mà còn bởi lòng đường hẹp, bác tài có muốn tìm chỗ tránh cũng khó.

Đê Song Phương (huyện Hoài Đức) trước đây vốn chạy băng qua đường Láng - Hoà Lạc nay được nâng cấp xây dựng thành đại lộ Thăng Long chắn ngang. Không còn hướng đi thẳng, con đê có lưu lượng phương tiện qua lại lớn bị chặn lại bằng hàng rào bằng thép cao hơn 2m bịt kín, ngăn cách làn đường cao tốc.

Anh Lê Văn Thành, người dân thôn Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức cho biết, để đi sang bên kia đường, buộc phải qua cầu chui dân sinh cách con đê gần 200m. Đi qua cầu chui tưởng tiện nhưng nhiều người dân thôn Phương Viên lại bảo không.

Tìm hiểu, tôi biết rằng phần lớn ruộng đất của người dân thôn Phương Viên ở phía bên kia đường. Dân cư thôn này lại có nghề trồng rau màu nên ngày nào cũng phải ra ruộng. Muốn ra ruộng, phải đi qua cầu chui dân sinh. Lúc đi không mang vác, đèo bòng gì thì không sao. Lúc về, ai cũng chở theo các sọt rau, quả cho phiên chợ ngày mai. Chở nặng, lại leo dốc và đi ngược chiều trên nên ai cũng lo sợ bị phạt.

Anh Thành bảo tôi cứ ngồi đây, đến chừng 5h chiều sẽ thấy các bà, các chị thở phì phò đẩy rau, quả. Làm nông nghiệp vốn đã vất vả, nay lại thêm sự chia cắt do đường càng cực nhọc hơn.


Nhiều hạng mục đang xây dựng.

"Người quen đường thì biết có cầu chui mà đi. Người lạ nếu lạc lên đường cao tốc, có muốn sang đường chỉ có nước đi thẳng", bà Hoa ngồi bán nước ven đại lộ Thăng Long nói. Thế nên cách đây ít hôm, khi hàng rào chắn giữa làn đường cao tốc và đường gom chưa dựng lên, người ta còn bê xe qua dải phân cách cho nhanh, nay thì chịu.

Chẳng thế mà từng có hiện tượng, một số người "nhanh nhảu" ở thôn Quyết Tiến xã Vân Côn, huyện Hoài Đức còn mở dịch vụ vận chuyển xe. Chỉ vài miếng ván bắc lên làm cầu, thế là chiếc xe máy được đẩy qua dễ dàng. Chủ xe mất 5.000 - 10.000đ nhưng được cái nhanh, lại đỡ tốn xăng nên hưởng ứng ngay. Nay thì hiện tượng này không còn. Phần vì cơ quan chức năng địa phương dẹp, phần vì đơn vị thi công đã kịp thời rào kín. May mà việc này sớm ngăn chặn, nếu không sẽ có những hình ảnh hài hước ở con đường cao tốc hiện đại bậc nhất.

Cafeland.vn - Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland