Phản ứng của 141 NHTM với Thông tư 13 vào giữa tháng 8/2010 cho thấy, các NHTM khó khăn trong điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo thông tư này. Nhưng khó khăn này là có nguyên nhân, phản ánh năng lực hạn chế về điều chỉnh hoạt động của NHTM VN.

NHTM VN “sống” bằng tín dụng. Khảo sát cho thấy, thu nhập từ tín dụng của các NHTM VN chiếm trên 80%, ngay cả NHTM lớn, thu nhập từ tín dụng cũng chiếm hơn 90% .

Một số đánh giá cho rằng, vấn đề quản trị và mô hình quản trị cho các NHTM VN còn chưa ổn định

Mạo hiểm và rủi ro

Thực tế, các NHTM dựa vào tín dụng nhiều thì khả năng điều chính hoạt động kinh doanh rất khó vì bản thân sản phẩm của ngân hàng là thô sơ và hoạt động tín dụng cũng chứa đựng nhiều rủi ro hơn các nghiệp vụ khác trong ngân hàng (ví dụng ngân hàng muốn điều chỉnh lãi suất cho vay, thì phải mất một chu kỳ thu nợ,...).

Với quy định về loại nguồn tiền gửi Kho bạc nhà nước ra khỏi nguồn vốn cho vay của các NHTM rõ ràng là một chủ trương đúng. Vì lãi suất tiền gửi Kho bạc nhà nước rất thấp. Nếu để tiền gửi kho bạc tại NHTM, thì NHTM cứ cho vay lại các NHTM khác và theo cách tạo tiền (cung ứng tiền) như vậy thì Kho bạc nhà nước đã trở thành một ngân hàng trung ương thứ hai. Tuy nhiên với trên dưới 70 ngàn tỷ đồng (ước tính) tiền gửi của Kho bạc nhà nước tại NHTM lại là món lợi ích rất lớn đối với các NHTM. Cách đây đã gần ba năm, người ta đã lập luận rằng, nếu rút thì sẽ gây sốc cho các NHTM và do đó để hạn chế sốc cho các NHTM, đã có một kế hoạch chuyển từ từ số tiền này về NHNN. Một số thông tin cho rằng, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thực hiện và dù kế hoạch đã ba năm vẫn gây sốc cho các NHTM VN.

Trong thực tế, thời kỳ chứng khoán và nhà đất bùng nổ (năm 2007-2008), các NHTM VN nhất là NHTMCP đã thường cho vay quá mức và huy động cũng quá mức. Ví dụ như có NHTM cho vay bất động sản lên tới 60% dự nợ; có nhiều NHTM vay trên thị trương liên ngân hàng lên tới 60% so với cho vay... Với cách kinh doanh mạo hiểm như vậy, thì các NHTM rất dễ tổn thương trước các thay đổi về chính sách của Nhà nước.

Khả năng điều chỉnh

Nếu NHTM có chiến lược bài bản và hoạt động theo chiến lược đó, có chế độ quản trị chiến lược tốt thì khả năng điều chỉnh hoạt động sẽ tốt trước mọi biến đổi của môi trường chính sách. Khảo sát cho thấy, việc thực hiện Nghị định 59/2009/NĐ-CP về hoạt động và tổ chức và động của các NHTM, thì các NHTM VN hầu như chưa thành lập một bộ phận quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro vĩ mô (trong đó có phân tích chính sách) ở hội đồng quản trị của NHTM... Điều này cho thấy, trước tiên việc thực hiện Nghị định 59 là chậm và chính sự chậm trễ này lại ảnh hưởng đến năng lực điều chỉnh hoạt động của NHTM trước các diễn biến thay đổi của môi trường kinh doanh. Một số đánh giá cho rằng, vấn đề quản trị và mô hình quản trị cho các NHTM VN còn chưa ổn định nên đa số các NHTM VN hoạt động trong tầm nhìn ngắn hạn là điều dễ hiểu.

Vào thời điểm hiện tại đa số NHTM VN chưa quan tâm đủ mức và thoả đáng đến Luật các tổ chức tín dụng mới được sửa đổi có hiệu lực vào 1/1/2011. Tương tự vấn đề lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo cam kết WTO của VN cũng chưa được NHTM VN quan tâm thoả đáng. Người ta cho rằng, với các thay đổi lớn như vậy đòi hỏi các NHTM VN có cách ứng phó theo nguyên tắc quản trị chiến lược chứ không phải bằng các giải pháp tức thời, chắp vá, tuỳ hứng. Bởi, NHTM lớn phải là ngân hàng có khả năng liên tục phân tích, đánh giá diễn biến môi trường để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình một cách phù hợp.
Cafeland.vn - Ths Lê Văn Hinh (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland