Khi mãi lực thị trường giảm cộng với các khó khăn về huy động vốn đã và đang thử sức chịu đựng của nhà đầu tư phát triển dự án. Và không ít trong số đó đã đuối sức phải tìm cách sang nhượng lại dự án của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều quan điểm của một số nhà đầu tư cho rằng việc chuyển nhượng dự án sẽ là thương vụ đem lại lợi nhuận cho họ, chứ không hẳn đồng nghĩa với việc sang nhượng là tháo chạy khỏi dự án.
Chịu lép để tồn tại
Hiện nay, việc vay vốn đầu tư bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn và nếu vay được thì lãi suất cũng khá cao. Bên cạnh đó, lạm phát, tỉ giá ngoại tệ, giá cả vật tư đều có xu hướng tăng cao làm chi phí đầu tư và giá thành sản phẩm BĐS sẽ tăng đáng kể. Đây là thử thách và khó khăn lớn cho các chủ đầu tư. Cùng với đó là những khoản nợ phải trả đang khiến chủ đầu tư loay hoay tìm kiếm lối thoát.
Thực tế thị trường đang ghi nhận một số chủ đầu tư đang tìm đối tác để chuyển nhượng lại dự án của mình do không chịu nổi trong tình hình khó khăn vừa qua. Có thể kể đến một số thương vụ được công bố trong thời gian qua như Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Đất Xanh mua lại dự án của Công ty TNHH Hà Thuận Hùng và biến khu đất rộng hơn 3.700 m2 thành dự án căn hộ cao 14 tầng Phú Gia Hưng Apartment tại quận Gò Vấp - TPHCM; hoặc Công ty Đông Dương cũng đã mua lại quyền sử dụng lô đất 2.700 m2 tại khu Nam Sài Gòn từ Công ty CP TM-XD BĐS Hòa Bình với giá 11,9 triệu USD.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cũng cho biết những dự án đầu tư BĐS của tập đoàn này sẽ được xem xét lại để tiếp tục triển khai hoặc chuyển nhượng bảo đảm lợi ích cao nhất.
Nhiều chủ đầu tư bất động sản đang tìm nguồn vốn trong và ngoài nước để vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Tấn Thạnh
Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận nhiều tài sản bị chuyển nhượng nhưng các giao dịch này thường diễn ra âm thầm mang tính nội bộ, trong đó có cả hình thức bán toàn bộ một tòa tháp trong dự án, bán các khu vực bán lẻ trong các dự án phức hợp và cả tình hình bán sỉ trong quá trình xây dựng dự án. Giám đốc một công ty môi giới chuyển nhượng dự án ở TPHCM cho biết trong lúc này có khá đông khách hàng là chủ các dự án BĐS đã tìm đến công ty với mục đích tìm kiếm các đối tác nước ngoài để bán dự án vì họ đang quá khó khăn.
Khai tử doanh nghiệp… yếu!
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều quan điểm của một số nhà đầu tư cho rằng việc chuyển nhượng dự án sẽ là thương vụ đem lại lợi nhuận cho họ, chứ không hẳn đồng nghĩa với việc sang nhượng là tháo chạy khỏi dự án. Theo lãnh đạo Công ty Kinh Đô, việc rút vốn tham gia xây dựng tòa nhà SJC Tower là để tập trung vốn vào các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thực phẩm, sáp nhập các công ty thực phẩm khác vào Kinh Đô và đầu tư các dự án BĐS nhà ở của mình. Vụ chuyển nhượng này đã đem về một khoản lợi nhuận 425 tỉ đồng cho Kinh Đô.
Mới đây nhất là cuối tháng 1-2011, VinaLand, thuộc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong dự án nhà ở quốc tế đang được xây dựng tại quận 9 - TPHCM với giá 10,9 triệu USD. Trước đó, công ty này cũng đã bán 85% vốn trong khu phức hợp Mandarin Garden tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Một thương vụ M&A khác liên quan đến quỹ đầu tư là việc Vina Development Inc. (Hàn Quốc) bán phần vốn góp trong dự án căn hộ Blooming Park (quận 2 - TPHCM) cho Quỹ Prudential Việt Nam (dự án được đổi tên thành Imperia An Phú có vốn đầu tư 120 triệu USD). Giải thích cho lý do rút vốn khỏi dự án quốc tế, ông David Henry, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư BĐS của VinaCapital, cho biết với giá hiện tại, khoản đầu tư này đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng và việc chuyển nhượng sẽ giúp quỹ có thêm tiền để rót vào các dự án khác và thực hiện cam kết trả tiền mặt cho cổ đông trong năm nay.
VinaLand cho biết tỉ lệ hoàn vốn nội bộ trước thuế của dự án là 31%. Khi được hỏi có phải thị trường khó khăn là nguyên nhân khiến Vina Development rút vốn khỏi dự án Imperia An Phú, ông Wooseok Ki, Tổng Giám đốc Inveskia, chủ đầu tư dự án này, cho biết: “Lý do nhà đầu tư Hàn Quốc rút vốn là nhằm cơ cấu lại các hạng mục đầu tư của họ tại khu vực châu Á để phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại”.
Ở góc độ phát triển thị trường, một số chuyên gia cho rằng cú sốc thị trường vừa qua, mặc dù đem đến không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng là cơ hội để thị trường sàng lọc những chủ đầu tư không chuyên nghiệp, khả năng tài chính yếu để thị trường phát triển mạnh hơn. Ông Troy Griffiths, Giám đốc toàn quốc bộ phận nghiên cứu và định giá của Savills Việt Nam, cho rằng rất nhiều chủ đầu tư trong nước có sẵn quỹ đất nhưng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Do đó, xu hướng liên kết với các đối tác bên ngoài sẽ diễn ra mạnh mẽ, không chỉ trong năm 2011 mà cả những năm tiếp theo.
Nhắm mắt đầu tư Thực tế khi thị trường BĐS “nóng”, các công ty Việt Nam thường đầu tư theo kiểu “ăn theo”, thậm chí nhắm mắt đầu tư theo phong trào mà không làm bất kỳ một cuộc điều tra thị trường nào. Đặc biệt là những doanh nghiệp trái ngành thường “chỉ cần có tiền là làm dự án”. Điều này đã tạo những cơn “nóng lạnh” thất thường, không theo quy luật. Nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho biết có rất ít đơn hàng nghiên cứu thị trường từ các công ty BĐS của Việt Nam. Chính vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng đã đến lúc cần có những dự báo về hệ quả của sự phát triển nóng. Tuy không đáng lo ngại thị trường khủng hoảng thừa do các nhà đầu tư địa ốc lớn liên tục ra đời nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải tính đến mặt trái của nó là tính mù quáng và độ trễ của thị trường sẽ xuất hiện. Rủi ro trong kinh doanh không chỉ gây thiệt cho doanh nghiệp mà ở mức độ nào đó nó làm rối thị trường. Những khó khăn mà các chủ đầu tư vào phân khúc văn phòng cho thuê đang gặp phải một sự đầu tư tràn lan trong thời điểm hiện nay chính là một bài học lớn. N.Duy |