Từ giải pháp
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy lùi tín dụng đen trong thời gian tới.
Theo đó, NHNN sửa đổi Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động để ngăn chặn tình trạng tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động.
NHNN khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh.
Song song với đó, NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng để tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân; nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm.
NHNN sẽ đề xuất Chính phủ ban hành nghị định thay thế Quyết định 28 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (kết thúc thực hiện năm 2020) theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng.
Bên cạnh đó sẽ nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các TCTD, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin, quy định của ngành ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.
Theo NHNN, các TCTD cần tiếp tục quyết liệt triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi vừa được Chính phủ sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.
Đến nhận diện tín dụng đen
Trả lời bên lề hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều cơ chế chính sách và giải pháp để tín dụng không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tập trung cho vay tiêu dùng.
Tận dụng mạng lưới rộng khắp trên cả nước, các ngân hàng thương mại, tài chính vi mô, công ty tài chính… đã vào cuộc tích cực, nhất là tại các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số - những nơi tín dụng đen dễ xâm nhập. Kết quả, trong năm năm qua, riêng tốc độ tăng trưởng cho vay lĩnh vực tiêu dùng tăng 41,2% bình quân cả nước.
Theo Phó Thống đốc, tín dụng đen đang diễn biến rất phức tạp, cần có sự vào cuộc quyết liệt xử lý từ phía bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát tại bảy địa phương - những nơi được xem có tín dụng đen nhiều nhất - để đánh giá, nhận diện rõ tín dụng đen như thế nào.
NHNN nhận định, điều quan trọng là làm thế nào để những nhu cầu tín dụng chính đáng, đặc biệt nhu cầu có tính chất cấp thiết trong đời sống của người dân có thể tiếp cận tín dụng chính thức. Khi tiếp cận được tín dụng chính thức thì người dân sẽ không tìm đến tín dụng đen và như vậy tín dụng đen cũng không có cơ hội tiếp cận người dân.
Theo Phó Thống đốc,NHNN phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại làm sao cải tiến thủ tục thuận tiện nhất, đơn giản nhất để người dân tiếp cận tín dụng một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên, để đẩy lùi tín dụng đen nếu chỉ có NHNN, các ngân hàng thương mại triển khai quyết liệt là chưa đủ. Vấn đề khó nhất của ngân hàng khi cho vay là phải thu nợ, đảm bảo hạn chế rủi ro. Để làm được điều này, ngân hàng phải biết thân nhân người vay như thế nào, có đúng đối tượng không…
Muốn vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị, nhất là chính quyền địa phương. Giải pháp quan trọng nữa là tuyên truyền. Cần phải phối hợp tuyên truyền sâu rộng hơn theo hướng làm sao để người dân không còn ngại tiếp cận mà thay vào đó chủ động đến TCTD.
-
Ngân sách Nhà nước thặng dư hơn 51 nghìn tỷ đồng
CafeLand - Trong báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 2/2019 của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN tháng 2 ước đạt 84,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đầu năm đạt gần 246,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm và tăng 18,2% so cùng kỳ năm 2018.