Nghị định 69, Nghị định 71, Thông tư 16 của Bộ xây dựng và Thông thư 13 của Ngân hàng nhà nước đồng thời được có hiệu lực năm 2010 được ví von như một thế “liên hoàn cước” khiến các Chủ đầu tư tối tăm mặt mũi.
Nghị định 69 quy định về xác định giá đền bù, bồi thường đất theo giá
thị trường khiến giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng lên đến 5 lần, dẫn
đến tăng chi phí đầu tư gấp nhiều lần, gây ra nhiều khó khăn với các
chủ đầu tư, kèm theo nhiều vướng mắc, tranh cãi trong quá trình thực
hiện. Nghị định 71 và Thông tư 16 được đón nhận như một chính sách giúp
thị trường minh bạch và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng hơn. Tuy
nhiên, theo nhiều ý kiến, một số quy định lại gây nhiều khó khăn cho
doanh nghiệp trong việc huy động vốn như siết chặt việc “mua bán nhà
trên giấy”, hạn chế chuyển nhượng bất động sản khi chưa có hợp đồng mua
bán, hạn chế số lượng đầu tư của các hộ gia đình hay cá nhân khi tham
gia góp vốn…
Năm 2010 là một năm đáng nhớ với thị trường bất động sản. |
Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường với việc tăng hệ số rủi ro từ 100% lên 250% đối với các khoản vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản và tăng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng lên 9%. Điều này khiến ngân hàng sẽ phải thu hẹp tín dụng trong lĩnh vực này để đảm bảo an toàn vốn dẫn đến việc các chủ đầu tư hay cả khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà đều gặp khó khăn.
Thị trường Bình Dương ngày càng “ấm”
Điểm nhấn tích cực nhất của thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam
năm 2010 là việc các dự án tại Bình Dương có sức hút lớn và tiêu thụ
mạnh vào khoảng đầu năm. Giữa tháng 4, hàng trăm khách hàng đã “đổ xô đi
mua đất Bình Dương”. Điển hình là 200 nhà phố và biệt thự thuộc dự án
Mỹ Phước 4 đã được bán hết chỉ trong hơn hai giờ đồng hồ. Hay dự án phố
thương mại Gold Town tọa lạc thành phố mới Bình Dương dù có mức giá khá
cao (từ 5 – 8 tỷ đồng một căn) nhưng khi được phối vào cuối tháng 6 thì
số lượng khách hàng đăng ký mua đã áp đảo số lượng căn nhà được bán ra.
Vào những tháng cuối năm, tình hình có chững lại nhưng theo đánh giá
của nhiều nhà đầu tư, thị trường bất động sản tại các tỉnh phía Nam như
Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… với hệ thống giao thông thuận tiện, cơ
sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và phát triển vẫn là điểm ngắm trong năm
2011.
Thị trường TP HCM trầm lắng
Năm 2010 được ghi nhận là một năm khó khăn đối với thị trường căn hộ chung cư và đất nền tại TP HCM với sự trầm lắng đối trong mọi phân khúc của thị trường, thậm chí có những sàn giao dịch không bán được sản phẩm nào trong một tháng, mặt dù các chủ đầu tư không ngại tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn. Nhiều dự án căn hộ có giá chào bán không đổi trong nhiều tuần liền. Theo Vinaland, trong tháng 11/2010 có đến 95% trên tổng số 250 các sản phẩm căn hộ chung cư và đất nền tại đây đều đứng giá.
Nguyên nhân của sự trầm lắng trên có thể kể đến do nguồn cung lớn hơn nhu cầu thực của người tiêu dùng, hệ thống ngân hàng hạn chế cho vay vốn bất động sản, chính sách thắt chặt việc “đầu tư lướt sóng” nên hạn chế số lượng người tham gia đầu tư ngắn hạn
Các doanh nghiệp phía Nam chuyển hướng ‘đánh quân’ ra HN
Năm 2010 cũng là năm xuất hiện xu hướng đầu tư ra thị trường miền Bắc của nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Nam. Đầu tháng 4, Novaland giới thiệu hai mẫu căn hộ Duplex và Skyvilla trong dự án Sunrise City tại Hà Nội. Ngay sau đó, tháng 5, Công ty CP kinh doanh địa ốc Him Lam cũng đã “Bắc tiến” giới thiệu dự án Himlam Riverside và khai trương sàn giao dịch bất động sản Him Lam Land. Vào tháng 7, Đất Xanh cũng đã chính thức khai trương Công ty CP dịch vụ và địa ốc Đất Xanh miền Bắc. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch “Bắc tiến”, tiến đến một thị trường vô cùng màu mỡ về lượng khách hàng tiềm năng.
Khánh thành tòa nhà cao nhất Việt Nam
Một điểm nhấn tích cực hiếm hoi của thị trường bất động sản miền Nam năm 2010 là sự kiện tòa nhà Bitexco Financial Tower, tòa nhà cao nhất Việt Nam, chính thức khánh thành vào tháng 10. Đây là tòa tháp có chiều cao 262m, gồm 68 tầng được thiết kế độc đáo hình búp hoa sen và có thiết kế sân đỗ máy bay trực thăng ở độ cao 191m (tầng 50). Bitexco Financial Tower sẽ cung cấp 38.000 m2 văn phòng hạng A+ cho thuê và 8.000m2 trung tâm thương mại cho thị trường văn phòng cho thuê.
Bitexco Tower và các dự án tòa nhà cao tầng khác “soi bóng” sông Sài Gòn. |
Tuy nhiên sắp tới, khi Keangnam Hanoi Landmark Tower 70 tầng với chiều cao 336m nằm trên đường Phạm Hùng, Hà Nội được đưa vào sử dụng trong năm 2011 thì dự án này sẽ phá ngôi vị cao nhất của Bitexco Tower. Tuy nhiên, theo kế hoạch, ngôi “vô địch” chiều cao này sẽ thuộc về tòa nhà 102 tầng do ngành Dầu khí Việt Nam đã quyết định đầu tư xây dựng.
Thị trường 2011: còn nhiều khó khăn
Năm 2010 khép lại, thị trường bất động sản TP HCM với nhiều điểm “sáng” và “tối”, vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn: chủ đầu tư không bán được sản phẩm, lãi suất ngân hàng cao, khó khăn trong việc vay vốn… Tất cả dẫn đến việc chủ đầu tư thiếu vốn, nhiều dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ. Nên theo nhiều chuyên gia, bước sang năm 2011, các doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết bài toán huy động vốn, trong đó việc bán được sản phẩm là mục tiêu hàng đầu. Nối tiếp các chương trình khuyến mãi năm 2010, trong năm mới có thể các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có thêm các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán các căn hộ và gia tăng thêm nhiều tiện ích sống trong mỗi dự án của mình để thu hút khách hàng.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, 2011 là một năm khó khăn đối với thị trường căn hộ chung cư. Theo ông Phạm Chí Lý, giám đốc Công ty CP đầu tư Bằng Hữu (Bằng Hữu Land) (quận Phú Nhuận), do lãi suất ngân hàng đang tăng cao nên nhiều khách hàng ngày càng e dè khi vay tiền mua nhà, dẫn đến việc các chương trình hỗ trợ vay tiền mua nhà lên đến 70% giá trị căn hộ của các chủ đầu tư và các ngân hàng đã không còn nhiều sức hấp dẫn với khách hàng.