CafeLand - Vào đầu năm, Witte de Withstraat tại Rotterdam, Hà Lan là một con đường nghẹt thở bởi xe cộ. Hiện tại, ô tô bị cấm hoạt động sau 4 giờ chiều, người dân địa phương thong thả tản bộ dưới lòng đường và những chiếc ghế dài bằng gỗ đặc biệt đã thay thế các chỗ đậu xe.

Iris Wulffraat, chủ quán cà phê Eetcafé Opa (‘Cafe Grandpa’) và Bierboutique tại thành phố này, cho biết: “Không gian này là một giải pháp tuyệt vời và là thứ mà chúng tôi cần ngay bây giờ. Và chúng đã được trang trí theo một cách rất hấp dẫn, mang lại một năng lượng hoàn toàn khác với trước đây”.

Không chỉ các quán bar và nhà hàng được hưởng lợi từ ý tưởng này. MAMA, một phòng trưng bày nghệ thuật đương đại, đã lắp đặt ghế ngồi và loa để người qua đường có thể xem các video về nghệ thuật sắp được được trình chiếu trong các khung cửa sổ lớn.

Kế hoạch này là một phần của trào lưu đã và đang càn quét các thành phố trên thế giới giữa đại dịch. Các điểm đỗ xe được thu hồi và biến thành không gian cho người đi bộ. Ở Rotterdam, kế hoạch này cho phép các doanh nghiệp tiếp quản chỗ đậu xe ngay trước tòa nhà của họ mà không cần giấy phép. Chủ các cửa hàng có thể thiết kế không gian riêng của họ, nhưng thành phố sẽ cung cấp các ghế dài để cho khách bộ hành ngồi một cách miễn phí.

Các ghế dài được làm từ gỗ khai hoang và tái sử dụng. Cơ quan chức năng phụ trách việc lắp đặt và gỡ bỏ. Cho đến nay, 1.000 ghế đã được lắp đặt trên toàn thành phố.

Nhiều thành phố trên thế giới đang biến các điểm đỗ xe thành phố đi bộ để phục hồi hoạt động bán lẻ

Khu phố Witte de Withstraat tại Rotterdam, Hà Lan

Tristan van Rijn, người phát ngôn của Barbara Kathmann, một trong ba đại diện của thành phố đứng sau kế hoạch này, cho biết: “Thời kỳ hậu phong tỏa, chúng tôi muốn cung cấp cho tất cả các doanh nghiệp nhiều không gian nhất có thể để giúp họ phục hồi doanh thu bị mất. Vì vậy, chúng tôi thành lập một nhóm đặc biệt để xem xét các vấn đề tiềm ẩn và các điểm đến hấp dẫn nhất, cho phép các chủ cửa hàng đặt chỗ trong không gian đó mà không cần xin giấy phép. Chúng tôi đã tiến khá nhanh để đạt được điều này”.

Việc phân bổ lại không gian đô thị đã trở thành một trong những tác động hữu hình nhất của Covid-19 đối với các không gian đã hình thành. Các thành phố đang bị buộc phải đổi mới và chỗ đỗ xe đang phải chịu những gánh nặng nhất định vì điều này.

Ngày không có ô tô và những hạn chế lái xe ở trung tâm thành phố không có gì mới, nhưng các hội đồng thành phố đang nhìn vấn đề xa hơn lệnh cấm giao thông đơn thuần và theo hướng tái phát triển cơ bản hơn. Họ cũng đang giới thiệu những ý tưởng mang tính thách thức suốt nhiều thập kỷ trong quy hoạch và thiết kế đô thị.

Thành phố Oakland tại California, Mỹ đã chuyển đổi nhiều đường phố lân cận thành "đường chậm", không cho ô tô lưu thông. Tại London, thị trưởng Sadiq Khan đã giới thiệu Streetspace, bao gồm các làn đường dành cho xe đạp tạm thời với vỉa hè rộng hơn. Ở Paris, kế hoạch là dành chỗ cho 650 km đường mới mang tên "đường vòng hào quang" và loại bỏ 72% bãi đậu xe trên phố.

“Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại về hệ thống giao thông của mình”, Valérie Pécresse, Chủ tịch của Île-de-France, giải thích trên tờ Le Parisian.

Ngay cả thành phố Vilnius, Lithuania với mùa hè mưa và nhiệt độ thường mát mẻ, đã nỗ lực biến những con phố công cộng thành nơi dành cho quán cà phê ngoài trời.

Nhiều người đang làm việc từ xa và lượng khách tới các thành phố đang giảm mạnh khiến các kế hoạch chuyển đổi các bãi đậu xe thành không gian đi bộ càng cần thiết. Các thành phố của Mỹ đặc biệt tích cực trong vấn đề này. Thành phố Portland, Oregon, là một trong những nơi đầu tiên tại Mỹ giành lại chỗ đậu xe để xây dựng Chợ Come Thru. Sáng kiến ​​này kết nối những người nông dân da đen và dân tộc thiểu số với khách hàng thông qua các bãi đậu xe địa phương ở các khu phố khó khăn. Trong khi đó, Las Vegas đã dựng lều tạm trú và “trung tâm hỗ trợ” tại các bãi đậu xe không sử dụng để người vô gia cư trú ẩn và tiếp cận các dịch vụ.

Đại dịch đã cho phép nhiều sáng kiến ​​trong số này được thực hiện với ít phiền phức nhất; chương trình Rotterdam đã được thiết lập và đưa vào hoạt động chỉ trong hai tuần.

Adam Tranter, một nhà đô thị học và người vận đông cho việc sử dụng xe đạp trong nội thành của thành phố Coventry, Anh cho biết: “Mọi thứ đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy. Điều duy nhất cần là ý chí chính trị và khả năng lãnh đạo của các thành phố”.

Đại dịch đã mang lại điều đó và đã hoán đổi cái mà Tranter gọi là “cuộc chiến giành không gian” - cuộc chiến mà các nhà bán lẻ và người lái xe ô tô thống trị theo truyền thống - thành “những con phố có thể sống được”, nơi mọi người có thể hòa nhập mà không bị giao thông và khói thải gây khó chịu.

“Chúng tôi cần đảm bảo rằng khi mọi người lái xe vào các thành phố, họ sẽ không gây ra sự bất tiện cho những người đi bộ hoặc đi xe đạp”, Tranter nói thêm.

Một số người dự đoán những thay đổi sâu sắc nhất có thể không phải là những thay đổi đối với các cơ sở hạ tầng hiện có, mà là ở các quận chưa hình thành. Ví dụ, Trung Quốc gần đây đã đẩy nhanh kế hoạch xây dựng một quận khổng lồ và không có ô tô ở Thâm Quyến, “được thiết kế cho con người và vì con người”.

Các chuyên gia cho rằng vẫn còn phải xem liệu có đủ động lực để yêu cầu người dân tại các khu vực lân cận thành phố từ chối vĩnh viễn ô tô hay không. Việc giảm ô nhiễm không khí rõ ràng là một lợi ích cho cuộc sống hàng ngày của hầu hết mọi người, nhưng thời tiết cũng đóng một vai trò quan trọng: mùa đông ở Bắc Âu không quá thuận lợi cho hoạt động ngoài trời.

Vì thế, kế hoạch của Rotterdam kết thúc vào ngày 1 tháng 11. Van Rijn nói: “Còn quá sớm để nói liệu chương trình có thể quay trở lại vào mùa hè năm sau hay không. Chúng tôi phải đánh giá tác động của nó đối với doanh nghiệp, giao thông và người dân”.

Hơn thế nữa, không phải tất cả mọi người tại Witte de Withstraat đều tin rằng sự thay đổi này là hoàn toàn tốt hơn.

Kim de Haas, người quản lý của MAMA cho biết: “Chúng tôi rất vui khi sử dụng những chiếc ghế, chúng là một giải pháp tạm thời tuyệt vời. Nhưng tôi không thích đặt chúng vĩnh viễn trước cửa hàng”.

Một số chủ cửa hàng khác cũng đồng quan điểm. Maurits Haagman, người điều hành RSI The Attraction, một cửa hàng giày trượt băng cho biết: “Chúng tôi có những khách hàng từ khắp nơi trên đất nước thích đậu xe bên ngoài để mua hàng. Có bãi đậu xe trước cửa là một trong những ưu thế của địa điểm này”.

Tranter nói rằng đây là vấn đề mấu chốt: “Câu chuyện là về sự lựa chọn của mọi người và các lựa chọn đó có sự khác nhau. Các thành phố cần tìm ra phương án phù phù hợp với cộng đồng địa phương. Cuối cùng cái mà họ cần làm rõ là, rốt cuộc thì các chương trình này phục vụ cho ai?”.

Lam Vy (The Gaurdian)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.