11/01/2017 1:56 PM
CafeLand – Năm 2016 được cho là năm tiếp tục lạc quan đối với ngành ngân hàng khi nhiều nhà băng báo lãi lớn.

Năm 2016, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận cao "kỷ lục"

Lợi nhuận tập trung ở ba “ông lớn” quốc doanh

Tính tới thời điểm này, mặc dù còn khá nhiều nhà băng chưa công bố lợi nhuận, tuy nhiên theo báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2016 mà các ngân hàng vừa công bố, có thể thấy lợi nhuận ngành ngân hàng chủ yếu tập trung ở ba “ông lớn” quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Năm 2015, lợi nhuận của ba ngân hàng này cao nhất cũng chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì năm nay con số này đã nhảy lên mức hơn 8.200 tỷ đồng như trường hợp của Vietcombank và VietinBank.

Bên cạnh đó, vị trí dẫn đầu của các nhà băng xét về lợi nhuận trước thuế cũng có sự đổi ngôi. Nếu như năm 2015, BIDV đứng đầu với lợi nhuận trước thuế đạt 7.473 tỷ đồng, tiếp đến là Vietinbank với 7.360 tỷ đồng và đứng thứ ba là Vietcombank với 6.829 tỷ đồng thì năm nay vị trí số một tạm thuộc về VietinBank.

Cụ thể, theo kết quả kinh doanh (chưa kiểm toán) của VietinBank, năm 2016 lợi nhuận của ngân hàng này ước đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, hoàn thành 104% kế hoạch đại hội cổ đông và là mức lợi nhuận “kỷ lục” cao nhất từ trước đến nay.

Cùng đạt mức trên 8.200 tỷ đồng nhưng thấp hơn một chút so với VietinBank là VietcomBank. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 8.212 tỷ đồng, đạt 102,7% kế hoạch năm 2016.

Trong khi đó, BIDV có mức lãi hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2015 song thấp hơn kế hoạch đề ra cho cả năm nay là 7.900 tỷ đồng. Mặc dù vậy, điểm nhấn đáng chú ý của ngân hàng này là tổng tài sản tăng mạnh, cán mốc hơn một triệu tỷ đồng. Mức tăng này giúp BIDV vượt qua cả Agribank và trở thành ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất trên thị trường hiện nay.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng công bố lợi nhuận là TPBank và VIB. Trong đó, dù mức tăng lợi nhuận có phần biến động ở một số quý nhưng chốt năm, lợi nhuận trước thuế của TPBank đã vươn lên mốc 707 tỷ đồng, tăng gần 13% so với 2015 và vượt kế hoạch đề ra.

Còn VIB cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế 702 tỷ, đạt 104% so với kế hoạch và cao hơn 7% so với năm 2015.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Lên sàn UPCoM, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu,... là những việc quan trọng mà các nhà băng sẽ phải tiếp tục thực hiện trong năm nay

Nhìn vào con số lợi nhuận có thể coi đây là năm bội thu của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của một số ngân hàng, vẫn còn nhiều việc mà các nhà băng cần phải thực hiện trong thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, nói về mức lợi nhuận của BIDV đạt được trong năm 2016 thấp hơn so với kế hoạch đề ra trước đó, lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết, điều này một phần đến từ việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Bên cạnh đó, trong năm, ngân hàng cũng đã trích một phần không nhỏ ngân sách để ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ theo chủ trương của Chính phủ, NHNN.

Nói về thu nhập của nhân viên, vị lãnh đạo cũng cho biết, năm nay nhìn chung mức thu nhập của nhân viên ngân hàng ông tăng 6%, mức tăng khá khiêm tốn. Theo lý giải của ông thì trong năm 2017 và thời gian tới, để đảm bảo tăng trưởng và mở rộng quy mô phát triển vẫn còn rất nhiều việc phải làm và cần giữ an toàn cho ngân sách.

Trong khi đó, theo đại diện ngân hàng VIB, một trong những việc quan trọng mà các ngân hàng phải thực hiện trong năm 2017 này là lên sàn chứng khoán.

Theo quy định của Thông tư 180/2015/TT-BTC, trong vòng 1 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, các công ty đại chúng phải hoàn tất thủ tục đăng ký trên hệ thống UPCoM. Theo đó, dự kiến số lượng các ngân hàng niêm yết sẽ tiếp tục gia tăng.

Mới đây, ngày 9/1/2017, hơn 564 triệu cổ phiếu của ngân hàng VIB với mã chứng khoán VIB đã chính thức giao dịch trên UPCoM. Nhiều ngân hàng khác cũng có động thái chuẩn bị lên sàn như VPBank, Techcombank đã được chấp thuận cấp mã chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Hay Maritime Bank đã có thông báo chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán,…

Bên cạnh đó, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu cũng là những vấn đề nóng của ngành ngân hàng. Năm 2016, nợ xấu của các ngân hàng đầu ngành đã được kiểm soát ở mức dưới 2%, thấp hơn mức quy định 3% và thấp hơn so với năm 2015. Tuy nhên, nếu tính trên con số tuyệt đối thì số nợ xấu này là không nhỏ.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, đại diện NHNN cũng cho biết, trong năm nay sẽ kiên quyêt xử lý dứt điểm các vấn đề về nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, việc sáp nhập giữa một số cặp đôi ngân hàng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ cũng sẽ là nhiệm vụ mà các nhà băng này sẽ phải dồn lực để thực hiện trong thời gian tới.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.