27/10/2015 7:51 AM
Một số doanh nghiệp lớn đang cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế với nhà nước, đẩy ngân sách lún sâu vào khó khăn.

Trong khi người dân nghiêm túc nộp thuế thu nhập cá nhân thì các tập đoàn, công ty lớn lại cố tình chây ì nợ thuế - Ảnh: Bình Minh

Thủ tướng có văn bản vẫn chây ì

Bức xúc này được chính ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ với báo giới tại cuộc họp báo chuyên đề về ngân sách diễn ra ngày hôm qua (26.10).
Không thể phủ nhận một số doanh nghiệp (DN) đã làm ăn có lãi, tăng thu thuế cho nhà nước, tuy nhiên, theo ông Tuấn không ít DN lớn ý thức lại rất... nhỏ. Tệ hơn nữa là việc chấp hành pháp luật không nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách. Điển hình trong số đó là liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro). Năm 2014 giá dầu bình quân trên 100 USD/thùng, với quy định của pháp luật cũng như các hiệp định đã ký kết, đơn vị này phải nộp thuế 86 triệu USD (gần 2.000 tỉ đồng). Số này bao gồm khoản chênh giữa giá kế hoạch và thực hiện đơn vị phải nộp thuế thu nhập DN; khoản nộp thuế trên số tiền lãi thu được từ quyền lợi nước chủ nhà.
“Đến thời điểm hiện tại dù chúng tôi xin ý kiến và Thủ tướng có văn bản đồng ý nhưng đơn vị lấy lý do này khác, vin vào giá dầu xuống không chịu nộp”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Trước đó, cũng tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 10, khi trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn (Tổng cục Thuế) cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng này. Dẫn trường hợp của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP thuộc Tập đoàn dầu khí - PVN), ông Phụng cho biết, tại các lô dầu khí 11.2 (Nam Côn Sơn), PVEP có lãi tiền gửi quỹ thu dọn dầu mỏ. DN này đã kê khai nộp thuế theo thuế suất phổ thông (25%). Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, quản lý Tổng cục Thuế xác định vì lãi tiền gửi ngân hàng có gốc gác sâu xa liên quan đến hoạt động dầu khí nên yêu cầu phải nộp thuế suất cao hơn là 50%; từ đó, đã ra quyết định truy thu thêm 44,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, PVEP cũng bị xử phạt hành chính với số tiền chậm nộp là 35,6 tỉ đồng. Tổng cộng cả hai khoản 80,1 tỉ đồng.
Câu chuyện DN nợ thuế, chây ì không chịu nộp đã từng được công khai trước dư luận. Tổng cục Thuế trong quý 3/2015 đã “bêu tên” hàng trăm DN nợ ngân sách hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, có không ít tên tuổi các “ông lớn” có uy tín, vị thế trên thương trường như Vinaconex, Viglacera, Sông Đà...

Tính đến nay, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, nợ đọng thuế của các DN lên tới 76.000 tỉ đồng. Bóc tách rõ hơn, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nếu không tính nợ bất khả kháng do các nguyên nhân khách quan, còn 34.000 tỉ đồng DN có khả năng nhưng lại không chịu nộp. Hiện các cục, chi cục thuế tại địa phương đã có được tên, địa chỉ cụ thể từng DN, vì vậy ông Tuấn khẳng định sẽ buộc phải truy thu bằng được các đối tượng này.

9 tháng vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã lập biên bản tổng cộng 8.000 tỉ đồng, thu ngân sách 5.000 tỉ đồng. “Ba tháng cuối năm, thanh tra thuế sẽ tập trung vào các DN rủi ro cao để quyết thu cho bằng được”, ông Tuấn khẳng định.

Coi thường pháp luật
Năm 2015, ngân sách T.Ư sẽ hụt thu ít nhất 31.300 tỉ đồng. Chính phủ đang loay hoay tìm nguồn để cân đối. Thậm chí đang phải xin Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 lần này, chấp thuận tăng nợ công cho phát hành thêm trái phiếu để trang trải nợ nần. Chính phủ cũng đã phải bán cổ phần của 10 DN lớn để lấy 40.000 tỉ đồng, trích 10.000 tỉ đồng để bù đắp. Khó khăn là vậy nhưng các “ông lớn”, đặc biệt DN thuộc sở hữu nhà nước lại tỏ ra thiếu trách nhiệm, coi thường pháp luật. “Là DN nhà nước nhận được nhiều ưu đãi tài nguyên, hỗ trợ chính sách lẽ ra phải tiên phong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, ngân sách cho đầy đủ. Đằng này lại viện hết lý do này, lý do khác để trốn tránh, không chịu nộp thì không thể chấp nhận được”, TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói.
Năm 2015, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thông báo một tin vui, thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân tăng tới 18,5% so với dự toán, tương đương 55.000 tỉ đồng. Năm sau dự kiến còn vượt cả nguồn thu từ dầu thô. Cùng với nguồn thu từ các DN, thuế giá trị tăng, thuế thu nhập cá nhân giúp ngân sách bền vững hơn.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội - TS Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế lo ngại liệu ngân sách có thể bền vững được khi mà các DN lớn, DN nhà nước vẫn còn tình trạng chây ì nộp thuế? “Người dân nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ, phí cầu đường không bao giờ thiếu. Thế nhưng các DN lớn nợ cả nghìn tỉ đồng thì lại không thu được. Rất nhiều lần Bộ Tài chính phải xin ý kiến Thủ tướng, vậy quy định của pháp luật ở đâu. Sao không xử phạt, cưỡng chế thật mạnh tay để răn đe”, TS Kiêm bày tỏ.
Cách đánh thuế còn bất bình đẳng và không hiệu quả
Có quá nhiều vấn đề đối với việc thu, truy thu và cân đối ngân sách. Trong khi DN lớn nợ thuế hàng chục nghìn tỉ đồng, thì cán bộ thuế vẫn ngày đêm đi đến từng hộ kinh doanh cá thể để “đòi” cho kỳ được mấy chục nghìn đồng tiền nợ thuế. Trong khi, DN FDI như Coca-Cola, Metro vào kinh doanh tại VN báo lỗ cả chục năm ròng, ngân sách không thu được đồng nào thì tại các thôn, làng, ngõ, phố, cán bộ thuế vẫn đi thu thuế phi nông nghiệp, thuế nhà đất của 16 triệu hộ (12,6 triệu hộ chỉ nộp thuế có 50.000 đồng/năm trở xuống, tổng số thu cả năm trên cả nước vỏn vẹn 150 tỉ đồng).
“Chính sách, giải pháp thu thuế cứ chăm chăm nắm người yếu thế có tóc. Còn ông lớn, DN lớn lại không thể làm gì được. Cách đánh thuế như vậy rất bất bình đẳng, không hiệu quả. Nếu không thay đổi, ngân sách sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn, mất cân đối; lại phải đi vay nợ, phát hành trái phiếu để bù đắp thôi”, TS Ngô Trí Long nhận định.
Anh Vũ (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.