06/05/2017 7:58 AM
Nhà tái định cư chất lượng kém, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ nên người dân không đến ở đang bất cập trong chính sách đền bù tái định cư hiện nay.
Hiện nay, rất nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng căn hộ bỏ trống vì người dân “chê” chất lượng kém nên không về ở. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nay nhưng thành phố Hà Nội vẫn chưa có giải pháp xử lý, dẫn đến vừa lãng phí vừa gây bức xúc cho người dân.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay, toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) vẫn thưa thớt người ở. Khoảng 50% số căn hộ trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Có những tầng không một bóng người, nhiều tầng chỉ có 1, 2 căn hộ được sử dụng. Thực tế chỉ có khoảng 15% người dân hiện đang ở đây là dân tái định cư, còn lại là cho thuê hoặc không đúng đối tượng.
Rất nhiều căn hộ tại khu nhà tái định cư Thành phố Giao lưu trong tình trạng niêm phong, cửa đóng then cài.
Anh Lê Xuân Vinh, đại diện cư dân Tòa CT1 C bức xúc, người dân không về ở vì chất lượng xây dựng quá kém, liên tục xảy ra tình trạng thấm dột, thậm chí vỡ đường ống nước, khi xuống tầng hầm thì phải “đeo khẩu trang” vì mùi hôi thối, thậm chí phải đi giày, đi ủng vì nước và chất thải lênh láng.
“Nhiều người có nhà nhưng không về ở vì hiện trạng nhà chất lượng kém nên khóa cửa để đấy. Một số người khác thấy nhà để không lãng phí nên cho thuê nhưng người thuê cũng chỉ ở được 1 – 2 hôm đã phải bỏ đo vì nước vỡ, thấm dột và ẩm mốc”, anh Vinh cho biết.
Chị Nguyễn Thị Quyên cũng ở nhà CT1C than thở, sau khi chấp hành việc giải phóng mặt bằng để mở rộng khu đường Bưởi về đây tái định cư, những mong có được cuộc sống ổn định mà như lãnh đạo thành phố nói là “nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”. Nào ngờ, về ở nhà tái định cư lại chẳng khác gì “khu ổ chuột”.
“Nhà có sàn gạch nhưng vỡ hết, đường ống nước cũng bị vỡ nên chuyển về đây sửa mất rất nhiều tiền nhưng vẫn không ở được. Cầu thang máy gần như hỏng, có tòa nhà người dân phải trèo lên sân thượng nhà này để đi sang tòa bên cạnh nhưng 2 năm nay vẫn chưa sửa. Trong khi đó, ban quản lý hứa sẽ có trường học, nhưng bây giờ vẫn chưa có gì. Hộ khẩu vẫn chưa được nhập về, con cái phải đi học ở trường cũ rất xa”, chị Quyên nói.
Khu tái định cư này cũng là 1 trong những địa điểm mà người dân ở nhà G6A, chung cư cũ Thành Công (quận Ba Đình) được lựa chọn để tạm cư, phục vụ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm ở mức độ D.
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Xuân Tuy, người dân nhà G6A Thành Công, hầu hết các hộ sau khi đến tận nơi xem các khu tái định cư này đã không đồng ý đi tạm cư.
“Thành phố giao lưu ở Bắc Từ Liêm xuống cấp vì vào căn hộ ai cũng thấy nước ngấm trong khi khoảng cách lại quá xa quá. Đây là những nguyên nhân khiến nhiều người không chịu di dời tạm cư”, ông Tuy cho biết.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với những nhà tái định cư còn bỏ trống, thành phố chỉ đạo sau 1 năm không sử dụng thì sẽ thu hồi để cân đối bố trí cho dự án khác. Đối với quỹ nhà đã bố trí cho các dự án, Sở Xây dựng sẽ đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sử dụng, trường hợp nếu chưa cần sẽ thu hồi lại, lúc nào cần sẽ bố trí tiếp.
Xây nhà tái định cư cho người dân thuộc diện bị đền bù giải tỏa khi thực hiện dự án công là một chính sách an sinh cần thiết. Thế nhưng, nhà tái định cư không có người đến ở là sự lãng phí lớn, đồng thời cho thấy những bất cập trong chính sách đền bù tái định cư hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phân tích, theo quy định của pháp luật là phải có nhà cho người dân rồi mới có thể di chuyển họ để giải phóng mặt bằng. Như vậy, làm trước được các khu nhà ở cho người dân là tốt. Tuy nhiên, nghịch lý là người dân không muốn nhận nhà tái định cư hoặc có nhận nhưng không về ở, đó là vì chất lượng nhà quá kém và hạ tầng cơ sở không phù hợp.
“Chúng tôi nghĩ rằng cần dần dần thực hiện theo Luật Nhà ở là tiến tới thị trường hóa lĩnh vực tái định cư, đền bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân. Hiện nay vẫn cứ “hàng đổi hàng” nhưng nhà lại chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ búa…nên không ai có thể ở được”, ông Hà đề xuất
Việc xây nhà tái định cư nhưng buông lỏng quản lý chất lượng công trình cũng như không có biện pháp duy tu, bảo trì tòa nhà, đưa người dân về ở rồi hết trách nhiệm, dẫn đến hậu quả là người dân chê không ở, gây lãng phí lớn và mất niềm tin của người dân về loại nhà này.
Thực tế trên không phải đến bây giờ mới diễn ra mà đã tồn tại trong một thời gian dài, khiến dư luận đặt câu hỏi: Thành phố Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng nhà tái định cư nữa hay không, khi nó không thực sự phát huy hiệu quả?./.
Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.