Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 25/4. Theo đó, lãi suất cho vay ra nền kinh tế liên tục giảm và hiện nay nhiều ngân hàng (NH) đã giảm lãi suất các khoản vay cũ, không còn món vay nào có lãi suất trên 15%/năm.

Đại diện NHNN cho biết, ngoài việc giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 1% so với cuối năm 2013, thì lãi suất các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm. Đến ngày 3/4/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,5% tổng dư nợ cho vay VND, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 31% vào tháng 6/2013.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT NH Bưu điện Liên Việt cho biết, tại nhà băng này, không còn món vay nào của khách hàng có mức lãi suất trên 15%. Đáng chú ý hơn, lãi suất cho vay mức thấp nhất của LienvietPostbank chỉ còn 4,8%/năm, chưa bằng 2/3 trần lãi suất huy động kỳ ngắn hạn. Còn mức lãi suất cho vay trung bình cũng giảm rất nhiều so với trước đây, còn khoảng 11%/năm. Cũng theo ông Hưởng, các mức lãi suất trên 15% nếu còn ở một số NH thì chỉ nằm vào trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động, dẫn đến dư nợ cho vay trên số doanh nghiệp này tê liệt, NH tìm không ra. “Hiện nay, dù có doanh nghiệp nào muốn vay với lãi suất trên 15%, NH cũng không dám cho vay vì biết là sẽ không trả được nợ”, ông Hưởng khẳng định.


Tín dụng cho vay bất động sản tăng nhẹ.

Với mức lãi suất 4,8% mà đại diện LienvietPostbank đưa ra, rõ ràng, các NH đã rất cố gắng trong việc giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu từ NHNN, hiện nay, dù tín dụng của toàn hệ thống đã thoát âm, tính đến ngày 22/4, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013, nhưng đáng chú ý là cho vay khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại giảm. Theo số liệu thống kê, đến 28/2/2014, dư nợ cho vay DNNVV đạt 856.558 tỷ đồng, giảm 1,58% so với cuối năm 2013. Cùng với đó, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,93%, huy động vốn tăng 3,09% so với cuối năm 2013. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất liên NH giảm và hiện ổn định ở mức thấp.

Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung vào một số chương trình tín dụng trọng điểm như triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đối với các mô hình liên kết, mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết sản phẩm. Cơ quan này cũng sẽ triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất 5% trong thời hạn tối đa 10 năm phục vụ đóng vỏ tàu sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để ngư dân vươn khơi bám biển… Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng theo quy luật, tín dụng thường bắt đầu tăng mạnh từ quý 2, nên hy vọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12-14% năm 2014 sẽ đạt được.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, tín dụng cho mảng này đã có dấu hiệu tăng nhẹ theo xu hướng ấm lên của các thị trường này. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2014, cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản tăng 3,95%. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, mức tăng được cải thiện hơn so với mức tăng của các tháng trước. Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, tính tới 15/4, các NH đã ký hợp đồng tín dụng với 3.990 khách hàng với tổng số tiền đạt 3.291 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 3.983 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.894 tỷ đồng. Hiện, NHNN đang phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc báo cáo Thủ tướng về việc mở rộng chương trình cho vay nhà ở và triển khai chương trình liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng trên cơ sở kiểm soát dòng tiền, hạn chế rủi ro.

Lệ Thúy (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.