10/01/2017 1:14 PM
Đô thị hóa là xu hướng tất yếu, cao ốc mọc lên ngày càng nhiều, thế nhưng những bất cập trong vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị đang khiến nhiều TP lớn phải trả giá.
Đô thị hóa nhanh
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Bộ Xây dựng ngày 6-1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết tỷ lệ đô thị hóa cả nước năm 2016 đạt khoảng 36,6%, tăng 0,9% so với năm 2015, đạt 99,5% kế hoạch năm; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8m2 sàn/người, tăng 0,8m2 sàn/người so với 2015, đạt 101% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Duy cũng thừa nhận thị trường BĐS phát triển chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu ở một số phân khúc sản phẩm; lượng tồn kho BĐS tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn (chủ yếu tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ, thiếu các dịch vụ thiết yếu).
Công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm so với kế hoạch; chưa huy động được nhiều thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Những vấn đề hạn chế, tồn tại tiếp theo là chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật còn chậm. Tại một số địa phương, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng chưa giảm, việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc.
Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế. Đặc biệt, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.
Nói về tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là TPHCM và Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng không chỉ đầu tư hạ tầng, không chỉ tổ chức giao thông tốt là có thể tháo gỡ được vì càng đầu tư tốt vào 2 đô thị này sự thu hút với người dân nơi khác càng cao, người dân kéo về tìm kiếm cơ hội việc làm càng lớn.
Do đó, hạ tầng rất khó chạy theo để giải quyết đủ nhu cầu. “Muốn giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc, quá tải tại 2 TP lớn nhất cả nước, cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia các đô thị, các trung tâm để kéo giãn bớt dân. Theo đó, việc đầu tư các đô thị vệ tinh, kết nối giao thông công cộng tốt rất quan trọng” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Hạ tầng không bắt kịp… khu dân cư
Tại kỳ họp cuối năm của HĐND TPHCM tổ chức gần đây, một đại biểu đã chất vấn Sở Xây dựng và yêu cầu làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng, đặc biệt là trung tâm thương mại tại nội đô có hay không tính tới việc kẹt xe, ùn tắc giao thông.
Vị này dẫn chứng, dự án Saigon Center và Saigon Square tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi (quận 1) là một điển hình, trong khi khu vực này liên tục xảy ra kẹt xe vì lượng người đổ về đây mua sắm, giao dịch rất đông.
Tình trạng quá tải hạ tầng giao thông tại TPHCM diễn ra đỉnh điểm từ năm 2009 và kéo dài đến nay. Một trong những nguyên nhân là có quá nhiều cao ốc chung cư, trung tâm thương mại, trường học chen chúc mọc lên và không ngừng mở rộng quy mô tại khu vực các quận nội thành. Khảo sát tại quận 1, 3, tại thời điểm này không dưới 20 cao ốc đang trong giai đoạn triển khai.
Và do nằm trong diện đất vàng, nên các chủ đầu tư hầu như đều chạy đua xây cao ốc thật cao từ 20-40 tầng. Thật khó lường trước hậu quả khi những dự án này đưa vào khai thác. Trước thực trạng này, Chính phủ hiện đã có Nghị quyết giao cho Bộ Xây dựng chủ trì rà soát công tác lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch trong các TP lớn và việc cấp phép xây dựng cho một số dự án chung cư trong nội đô để có giải pháp chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.
Không riêng gì khu trung tâm, các đô thị vệ tinh hiện nay cũng xảy ra tình trạng tương tự. Phát triển đô thị vệ tinh đòi hỏi hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước. Nhưng quan sát sẽ thấy một nghịch lý là rất nhiều khu đô thị, dự án ở trên địa bàn TP triển khai thu hút người dân đến sinh sống nhưng cầu, đường không đầu tư hoặc đầu tư chỉ mang tính chắp vá do nguồn vốn không kịp đáp ứng.
Chẳng hạn, khu Nam TPHCM những năm gần đây nổi lên hàng trăm dự án nhà ở quy mô lớn. Nhất là dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ (thuộc quận 4 và quận 7), ghi nhận cho thấy hiện có trên 20 cao ốc chung cư, văn phòng, hệ thống trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... mọc lên làm cho hạ tầng giao thông quá tải nghiêm trọng.
Minh Tuấn (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.