Sau quá trình phá dỡ, đào móng thi công nhà khách của thành phố Hà Nội tại phố Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, nhiều công trình lân cận đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo xác nhận từ Phó Chủ tịch phường Hàng Buồm, ông Nguyễn Quyết Thắng, hiện đã có tới 9 nhà dân và 1 nhà kho xuất hiện các vết rạn nứt, nghiêng ở các mức độ khác nhau.

Thậm chí, có công trình do bị tách rời khỏi hệ thống kết cấu chung và có nguy cơ sập rất cao nên Ủy ban nhân dân phường đã buộc chủ đầu tư phải tiến hành phá dỡ để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Thắng, thời gian tới, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội sẽ phối hợp cùng phía chủ đầu tư tiến hành khảo sát hiện trạng đối với một trường hợp nằm trong diện bị ảnh hưởng tại số 11 Lương Ngọc Quyến để thống nhất các phương án giải quyết, trên cơ sở đảm bảo an toàn cho người dân.


Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng

Công trình xây dựng nhà khách Ủy ban thành phố Hà Nội vốn được quyết định thành lập từ năm 2001 đặt tại vị trí số 13-15 phố Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, tới giữa năm 2013, việc thi công công trình này mới bắt đầu được tiến hành trong thực tế.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, việc tiến hành phá dỡ và đổ móng trên diện tích nền rộng gần 1.000m2 của Nhà khách đã khiến một loạt các công trình xung quanh xuất hiện những vứt nứt, thậm chí có dấu hiệu nghiêng, lún.

Tiến hành khảo sát tại nhà số 11 phố Lương Ngọc Quyến ngay sát phần đất chủ đầu tư đang tiến hành thi công, bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận thấy nhiều vết xé chạy dọc tường từ tầng 4 xuống của ngôi nhà. Riêng tại phòng trên tầng 4, mảng tường ngăn cách giữa Nhà khách và căn hộ thậm chí còn xuất hiện vết gãy gập chạy ngang khiến cho phần ở giữa bị ép phình ra bất thường.

Bà Trần Thị Phương Mai, khổ chủ của căn nhà tỏ ra hết sức lo lắng cho sự an toàn của những người hiện đang còn sinh sống tại đây. Chỉ tay vào hành lang đang nghiêng dần về một phía, bà Mai cho hay: “Bắt đầu từ khoảng tháng 7/2013, công trình Nhà khách được tiến hành thi công. Từ đó tới nay, những vết nứt ngày càng xuất hiện ở nhà tôi nhiều hơn. Đến ngay cả hành lang tầng 3 cũng đã bị kéo nghiêng hẳn sang một bên.”


Tường tầng 4 nhà số 11 bị ép phình to bất thường (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Ngay cả đến hệ thống trần thạch cao của căn nhà này cũng bị hư hỏng nghiêm trọng mà theo chủ nhà, nguyên nhân là do trong quá trình triển khai, đơn vị thi công không đảm các quy định về an toàn, che chắn dẫn đến tình trạng các tảng bê tông lớn, gạch vỡ bắn sang, xé rách phần mái tôn phía trên của gia đình.

“Cực nhất là vào mùa mưa, nước từ trên cao chảy thẳng vào căn phòng rồi tràn xuống các tầng phía dưới khiến cho sinh hoạt của tất cả những người sống trong nhà bị đảo lộn. Hệ thống điện chạy chìm trong tường cũng hư hại, buộc chúng tôi phải cắt toàn bộ điện ở các tầng trên để đảm bảo an toàn,” bà Mai ngậm ngùi.

Theo biên bản kiểm tra hiện trạng tại căn nhà số 11 Lương Ngọc Quyến giữa Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý dự án Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, đơn vị thi công và bà Trần Thị Phương Mai(đại điện cho gia đình) lập ngày 9/4 vừa qua cũng ghi rõ: Tầng 4: Tường tiếp giáp số 13-15 Lương Ngọc Quyến mặt phố có 2 vết rạn nứt chạy ngang nhà dài khoảng 2,4m; 2 cột tiếp giáp cũng có hiện tượng rạn nứt với tường chạy dọc từ trần xuống sàn nhà; góc tường giáp khu vệ sinh có 1 vết rạn nứt chạy dọc từ trần thạch cao xuống sàn; góc sàn nhà tiếp giá có 1 vết nứt chạy ngang nhà khoảng 4,2m; tường tiếp giáp có vết rạn nứt chạy ngang tường khoảng 2,6m. Hành lang có hiện tượng dốc nhưng không có vết nứt (yêu cầu không đi lại và tự chống đỡ).

Cũng theo biên bản này, tại tầng 3, 4 trụ tường tiếp giáp đều có hiện tượng chạy dọc từ trần xuống sàn nhà. Góc tường tiếp giáp có vết nứt chạy dọc từ tầng 4 xuống tầng 3. Ngoài ra, tại các tầng 1, 2 đều xuất hiện các vết nước tại một số vị trí “hiểm yếu” tương tự…

“Từ khi việc xây dựng được tiến hành, chúng tôi buộc phải tự đi thuê nhà để ở. Việc kinh doanh buôn bán cũng đình trệ nghiêm trọng, trong khi vẫn phải nơm nớp lo sợ nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Cuộc sống của toàn bộ gia đình tôi đang bị đảo lộn,” bà Mai lo lắng.

Không chỉ bà Mai, gần một chục gia đình sinh sống xung quanh chân công trình của thành phố cũng đang hết sức lo lắng về độ an toàn của căn nhà mình đang sống.

Theo số liệu từ Ủy ban nhân dân phường Hàng Buồm, qua gần 1 năm tiến hành xây dựng, phường này đã ghi nhận có tới 9 hộ và một nhà kho của công ty Thủy sản bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.


Sẽ tiến hành đánh giá mức độ nguy hiểm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường xác nhận, trong các trường hợp trên, nghiêm trọng nhất phải kể đến khu vực kho của Công ty Thủy sản đặt tại số 80 Mã Mây.

Ông Thắng cho hay: “Vào thời điểm cuối năm 2013, qua khảo sát, Ủy ban phường phát hiện căn nhà kho 80 Mã Mây bị tách rời hẳn ra khỏi khối nhà chung và bị nghiêng nghiêm trọng. Ngay lập tức, chúng tôi đã phải yêu cầu chủ đầu tư phải niêm phong khu vực kho, đồng thời phá dỡ và thỏa thuận đền bù để không gây ra sự cố.”

Toàn cảnh công trình Nhà khách Ủy ban đang thi công (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
“Đối với các hộ sinh sống tại các số nhà 17 Lương Ngọc Quyến (6 hộ), 78 và 92 Mã Mây, tình trạng lún, nứt và xé tường có xuất hiện nhưng chưa gây nguy hiểm cho người dân. Mặc dù vậy, Ủy ban nhân dân phường vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát, đánh giá để đảm bảo an toàn,” ông Thắng nhấn mạnh.

Riêng với trường hợp nhà số 11 phố Lương Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch Phường Hàng Buồm cho hay: Sau khi làm việc với chủ nhà, đại diện chủ đầu tư cũng như Sở Xây dựng thành phố đã thống nhất sẽ thuê đơn vị khảo sát độc lập để tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng cụ thể.

Dự kiến, sau 1 tuần, cơ quan khảo sát sẽ đưa ra bản đánh giá hiện trạng để các bên liên quan xác định phương hướng xử lý và đền bù về sau.

“Nếu thực sự nguy hiểm đến tính mạng người dân, chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu những người sống bên trong di dời ra ngoài, sau đó mới tính đến các phương án đền bù,” ông Thắng nói.

Sơn Bách (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.