Dự án Đông Tăng Long do TCty Đầu tư phát triển Nhà & Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, dù HUD đã bỏ ra hơn 1.100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông, kéo điện, nước nhưng đã gần 10 năm trôi qua, dự án này mới xây được... 10 căn biệt thự và chưa có người ở. Nguyên nhân chính chủ đầu tư cho biết, không phải do vướng mắc các thủ tục hành chính mà chủ yếu là do thiếu hạ tầng.

“Đại” dự án Đông Tăng Long do TCty Đầu tư phát triển Nhà & Đô thị (HUD)
làm chủ đầu tư sau 10 năm xây dựng vẫn ngổn ngang...

Nếu thời điểm năm 2005, khu vực quận 9, TP HCM được coi là điểm “nóng” của phía Đông TP với hàng trăm dự án bất động sản được rầm rộ triển khai thì nay, khu vực này lại được coi là điểm “lạnh” khi có tới hàng chục dự án dang dở. Trong đó, khu đô thị Đông Tăng Long là một trong những dự án được xếp vào loại “khủng” nhất.

Tại anh, tại ả

Năm 2004, UBND TP HCM có phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 khu đô thị mới Đông Tăng Long với diện tích gần 160 ha, được khởi công vào tháng 8/2005. Khi đó, chủ đầu tư đã chi hơn 1.100 tỷ đồng cho việc GPMB, làm hạ tầng giao thông vậy mà tới nay “đại” dự án này vẫn là khu đất ngổn ngang, chưa nên hình nên dạng.

Tương tự, tại dự án Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A, quận 9) có diện tích 82 ha, do Cty Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. Cty đã bỏ ra số vốn 600 tỷ đồng cho việc GPMB, làm hạ tầng và đã xây dựng được hơn chục căn biệt thự. Thế nhưng, do hạ tầng chưa thể kết nối nên khu vực này vô tình trở thành... bãi đậu xe container.

Đại diện Ban quản lý dự án Bắc Rạch Chiếc cho hay: Những hạng mục hạ tầng đã xây xong thì sau nhiều năm xuống cấp trầm trọng, phần lớn đất trống bỏ hoang, cỏ lau mọc um tùm, đường xá lầy lội khi trời mua, bụi mù khi trời nắng. Vì vậy, chủ đầu tư chưa thể bàn giao dự án lại cho ban quản lý, tạo điều kiện cho người dân đến yên tâm an cư, xây dựng trên chính mảnh đất mà họ đã bỏ tiền ra mua.

Từ câu chuyện của Đông Tăng Long hay Bắc Rạch Chiếc, nhìn rộng ra vấn đề tồn tại của các “đại” dự án BĐS, ông Hoàng Minh Trí - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho hay: Nguyên nhân dẫn tới dự án bỏ hoang tại các quận 2, 9 và quận Thủ Đức là do hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không có. Xây khu đô thị giữa rừng, giữa ruộng thì cư dân nào vào đấy để ở ?! Chính vì vậy, sau 16 năm từ ngày tách quận, khu Đông TP HCM vẫn còn sơ khai, chưa nên hình nên dạng, vẫn chưa có khu vực nào đáp ứng một khu đô thị hoàn chỉnh.

“Chỉ cần so sánh hạ tầng giữa hai khu đô thị Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng sẽ thấy rất rõ. Tại Phú Mỹ Hưng ngay cả những khu đất còn trống, chưa xây dựng được gì nhưng đều có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hoàn chỉnh. Còn Thủ Thiêm, ngoài tuyến đường Mai Chí Thọ do nhà nước đầu tư làm thì gần như chưa có gì tại những khu chức năng. Các tuyến đường vòng cung, ven đô thị bây giờ mới khởi công, những công trình hạ tầng xã hội là con số 0” - ông Trí phân tích.

Ông Trí cho rằng, ngay đồ án quy hoạch chung của TP từ năm 1993 đã xác định: TP sẽ phát triển về hai hướng là khu Đông TP HCM và lấn biển về khu Nam. Định hướng này được gìn giữ và bảo vệ xuyên suốt đến tận bây giờ. Trong những bản quy hoạch ấy, TP đều đưa ra định hướng phát triển ở khu nào thì sẽ xây dựng xung quanh đó những công trình hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, công trình công cộng… nhưng khi thực hiện thì... lực bất tòng tâm vì thiếu tiền.

Mặt khác, theo ông Trí, cũng vì khâu quản lý hậu quy hoạch chưa chặt chẽ nên dẫn đến câu chuyện nhà đầu tư chỉ lo xây nhà để bán chứ không lo xây dựng hạ tầng xã hội. “Khi cấp phép cho một dự án thì tất cả chỉ tiêu như: làm bao nhiêu con đường, mấy ngôi trường, mấy bệnh viện đều đã có hết. Thế nhưng sau đấy, các ông chủ dự án có thực hiện đúng quy hoạch hay không thì lại không ai kiểm tra, giám sát… nên bây giờ mới... tắc” - ông Trí

Doanh nghiệp loay hoay

Theo các chuyên gia, ngoài các yếu tố khách quan, sai lầm lớn nhất khiến các dự án BĐS dang dở là do chính chủ đầu tư. Cụ thể, ở vào thời điểm thị trường đang “nóng”, các chủ đầu tư đua nhau lập dự án, phân lô bán nền hoặc kêu gọi người dân mua nhà xây sẵn. Khi đã thu được một đống tiền, thay vì đầu tư vào hạ tầng thì họ lập tức mang đi đầu tư vào những dự án mới. Tới giờ không còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và rơi vào bế tắc.

Ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Cty Địa ốc Đất Lành khẳng định: “Khi triển khai một dự án cần tới 3 khoản đầu tư lớn là thỏa thuận đền bù, giải tỏa; đầu tư hạ tầng; đóng tiền thuế sử dụng đất để được cấp sổ đỏ. Vì thế, bên cạnh việc nhà nước cần xem xét thời hạn nộp thuế sử dụng đất theo phương án thực hiện theo tiến độ dự án để giảm bớt gánh nặng cho DN thì bản thân mỗi DN cần phải chủ động cắt xén những hạng mục không cần thiết để tập trung vốn vào làm hạ tầng”.

Cùng chung nhận định này, đại diện HUD đang đưa ra giải pháp thu gọn lại, giảm bớt một số dự án tại miền Tây nhằm hạn chế thất thoát vốn, lấy nguồn vốn đó đầu tư vào hạ tầng tại những dự án khả thi. Bởi vì, theo vị này, ở vào thời điểm hiện nay, nếu tiếp tục mở rộng đầu tư là lỗ.

Thực tế, một số giải pháp đã được các DN tích cực đưa ra nhằm tìm hướng đi cho câu chuyện dự án bỏ hoang, nhưng phía TP vẫn chưa có những động thái cụ thể nên hầu như các DN BĐS vẫn đang đơn độc loay hoay tìm lối thoát.

N.Thành (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.