Năng lực chủ đầu tư hay xu thế "bán cái”?
Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, qua tổng kiểm tra rà soát các dự án bất động sản trong thời gian qua, hiện tại Hà Nội có 30 dự án được giao đất, cho thuê đất bị liệt vào hạng mục dự án chậm triển khai hoặc không thể triển khai thực hiện. Sau khi làm việc với các chủ đầu tư, 16 dự án được đưa ra khỏi danh sách với "cam kết” sẽ đẩy nhanh tiến độ. 5 dự án được gia hạn đến hết năm 2011, 9 dự án còn lại nhiều khả năng sẽ bị thu hồi.
Bây giờ, có thể kể ra hàng trăm nguyên nhân dẫn đến
sự chậm trễ song mấu chốt của vấn đề chính là năng lực thực hiện của các
chủ đầu tư. Nhiều chủ đầu tư sau khi xin được dự án đã không có khả
năng huy động vốn. Thêm vào đó, những biến động bất thường của giá cả
thị trường xây dựng trong thời gian qua đã vượt xa các dự tính tài chính
của các chủ đầu tư, khiến dự án bất động sản càng thêm bất động.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài
chính quốc gia cho biết thêm, đa số các dự án sau khi xin được duyệt mới
bắt đầu mang đến thế chấp ngân hàng để vay vốn (hiện nay chiếm tới
40-50% dư nợ cho vay). Chính vì vậy, khi Nhà nước thực hiện siết chặt
tín dụng cho vay đối với thị trường bất động sản, các chủ đầu tư thiếu
vốn, đồng nghĩa với nó, các dự án sẽ chậm trễ hoặc không có khả năng
thực hiện, bất chấp cả khi bất động sản đó đã tăng gấp 3,4 lần giá trị
ban đầu. Và không có phương án nào tối ưu hơn là "bán cái” cho chủ đầu
tư khác, hoặc tìm mọi cách "chạy” chuyển đổi mục đích sử dụng từ hạng
mục sản xuất sang hạng mục nhà ở, du lịch sinh thái...
Cần đánh giá lại khâu "chấm đạt” dự án!
Trong thời gian qua, bất chấp nền kinh tế bất ổn, không chỉ riêng Hà Nội, cả nước vẫn có hàng chục "siêu” dự án bất động sản được chấp thuận đầu tư. Trong số này có thể kể đến Khu du lịch tổng hợp cao cấp Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An với tổng vốn 4 tỷ USD; Khu giải trí Happyland có vốn đầu tư gần 2 tỷ USD; Dự án Sân golf khách sạn Hoàng Đồng, Lạng Sơn 2 tỷ USD... Bên cạnh đó là hàng nghìn dự án bất động sản "vừa và nhỏ” có giá trị vài nghìn đến vài chục tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra, vậy đã bao giờ giới chức năng có một tổng kết về năng lực thực hiện của các chủ đầu tư (nguồn vốn hiện có) thay vì các viễn cảnh được đưa ra với những nguồn vốn huy động (trên giấy) trước khi phê bút "chấm đạt”? Hậu quả có thể kể đến, như Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng (Quảng Nam) có vốn đầu tư 4,15 tỷ USD bị hồi giấy phép đầu tư, Dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa (Phú Yên) đang trong diện làm thủ tục thu hồi dự án, 4 dự án thu hồi tại Phú Quốc, 40 dự án thu hồi tại TP. Hồ Chí Minh, 3 dự án du lịch, nghỉ dưỡng thu hồi tại Đà Nẵng và rất nhiều dự án bị thu hồi ở các địa phương khác.