Sự “đóng băng” của thị trường cùng với chính sách thắt chặt tín dụng khiến nhiều Tập đoàn, Công ty bất động sản giảm lợi nhuận kinh doanh trong quý II, thậm chí lỗ trong 6 tháng đầu năm 2011.

Nghịch lý lỗ, lãi


Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều người “choáng” với tổng doanh thu “ngất ngưỡng” nhưng số lợi nhuận lại thấp. Thậm chí có doanh nghiệp còn âm lợi nhuận.


Vừa qua, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã công bố báo cáo tài chính quý II/2011 của Công ty mẹ đạt doanh thu thuần 9,7 tỷ đồng, tăng 292% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 28,5 tỷ đồng, giảm 95% so với 6 tháng đầu năm 2010.


Trong khi, doanh thu từ hoạt động tài chính của quý này là 28,4 tỷ đồng thì chi phí tài chính lại tăng dẫn đến hoạt động kinh doanh âm 42,4 tỷ đồng. Kéo theo, lợi nhuận sau thuế quý II âm 45,5 tỷ đồng.


Tương tư, trong báo cáo của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết, Công ty mẹ lỗ 114,3 tỷ đồng trong quý II, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm giữ được mức lợi nhuận sau thuế 207,5 tỷ đồng.


Mới đây, Công ty Cổ phần Vận tải Biển và Bất động sản Việt Hải cho biết, Công ty lỗ 189 tỷ đồng trong quý II và lũy kế 6 tháng lỗ 235,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 28,3 tỷ đồng.


Nằm giữa nhóm doanh nghiệp không lãi cao cũng không lỗ là nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Theo kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI) cho biết, trong quý II/2011, Công ty mẹ đạt 48,4 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng chỉ đạt 3,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm 2010, doanh thu thuần của Công ty giảm 57% và lợi nhuận sau thuế giảm 48%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2011, PPI đạt 5,93 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 52,53% so với cùng kỳ.


Còn Công ty Cổ phần Kinh Đô, tuy báo cáo kinh doanh quý II/2011 không lỗ, nhưng lợi nhuận sụt giảm. Theo báo cáo, Công ty mẹ Kinh Đô lãi ròng 22,53 tỷ đồng. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ còn 1,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 267,7 tỷ đồng của 6 tháng năm 2010.


Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng có mức lãi ròng gần 220 triệu đồng trong quý II, bằng 14% cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm mạnh so mức 22 tỷ đồng của cùng kỳ 2010.


Tương tự, Công ty Cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2011 với mức lãi 14,1 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.


Nhiều “đại gia” bất động sản lãi ít, lỗ nhiều

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh bị lỗ. Ảnh: Nguồn internet


Tác động “hội đồng”


Theo giải trình của các Công ty, hầu hết sự sụt giảm trong hai quý vừa qua là do chính sách thắt chặt tín dụng cụ thể là đối với lĩnh vực phi sản xuất. Thêm vào đó là thực trạng thị trường “bí” đầu ra đã ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn.


Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai giải trình rằng, nguyên nhân gây lỗ tại Công ty mẹ trong quý II/ 2011 là do kể từ năm 2011, Công ty mẹ không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Một số hoạt động kinh doanh có doanh thu và lợi nhuận trong những năm trước đây nay không còn phát sinh ở Công ty mẹ mà phát sinh ở các Công ty con. Vì vậy, khi so sánh thì doanh thu và lợi nhuận gộp trong quý II/2011 đã giảm mạnh so với quý II/2010. Tuy nhiên, về bản chất thì đó là sự dịch chuyển do tái cấu trúc Tập đoàn.


Theo ông Nguyễn Đăng Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị chia sẻ, dưới nhiều tác động như ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cộng với tình hình lạm phát tăng cao, chi phí xây dựng biến động đã ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp. Thêm vào đó là việc thắt chặt chính sách tài khóa của nhà nước và chính sách tiền tệ của Ngân hàng, đặc biệt là lãi suất ngân hàng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của sản phẩm.


Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp nhận định, không loại trừ khả năng tình hình khó khăn có thể kéo dài sang cả năm 2012 nên phải chuẩn bị phương án phòng thủ từ bây giờ.


Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, 6 tháng cuối năm thị trường còn rất khó khăn do đó ưu tiên là phải lành mạnh về tài chính. Vị lãnh đạo giải thích rằng, tiền ra phải có tiền về, phải nghĩ mọi cách, nếu bỏ chi phí rồi phải tìm cách thu hồi vốn, nếu chưa chi, chưa đầu tư phải rà soát, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn tới đổ vỡ.


Mặt khác, mô hình quản trị Công ty mẹ, Công ty con phải rà soát lại quy chế điều lệ phải làm cho tốt, nhằm đảm bảo 6 tháng cuối năm tránh đổ vỡ. Điều này không riêng gì doanh nghiệp bất động sản mà cả các doanh nghiệp ngành khác cũng cần nâng cao quyền tự chủ.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.