"Điểm danh" các công trình lãng phí
Các đây khoảng vài tháng, khi tuyến đường nối Quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước- Tân Vạn, thuộc phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một hoàn thành, người dân vui mừng vì không phải di chuyển xa, hay đi trên con đường bờ kè lầy lội ngày nào. Thế nhưng, niềm vui ấy không trọn vẹn khi mới làm xong chưa kịp đặt tên, nghiệm thu, bàn giao thì vỉa hè được lát gạch bị bong tróc để lộ đường ống dẫn nước và ống gen kỹ thuật; mặt đường thì nhấp nhô gợn sóng.
Tuyến đường nối Quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước-Tân Vạn sạt lở khi mới hoàn thành.
Bệnh viện chuyên khoa phụ sản trong khuôn viên bệnh viện tỉnh bỏ hoang khi đã xây xong (Ảnh: ĐT)
Theo tìm hiểu, tuyến đường này thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, có chiều dài khoảng 1,7km, vốn đầu tư 18 tỷ đồng. Về nguyên nhân sạt lở, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương giải thích là do mưa lớn, nước chảy mạnh, trong khi hệ thống thoát nước chưa phát huy hiệu quả. Điều này cũng nằm ngoài tính toán của đơn vị thiết kế dự án.
Thường xuyên qua lại con đường này, ông Nguyễn Văn Phong, người dân phường Định Hòa bức xúc: “Công trình Nhà nước đề ra thì thầu thi công phải làm cho chất lượng, chứ mỗi một lần làm thì cả một vấn đề. Công trình này thấy là không an toàn, mới có mấy tháng và mùa mưa đầu đã lở hết. Đất yếu, mặt đường hạ xuống nên nhìn con đường như con lươn vòng lên vòng xuống".
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để xây dựng Bệnh viện chuyên khoa phụ sản trong khuôn viên của bệnh viện tỉnh, đã hoàn thành năm 2019 và được lắp đặt các trang thiết bị cần thiết, thế nhưng đến nay, công trình vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Gần đây, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh muốn bàn giao nhưng đơn vị thụ hưởng là bệnh viện tỉnh lại không nhận vì phát hiện công trình này không thể lắp đặt một số thiết bị để khám, chữa bệnh và còn thiếu hệ thống điện, nước.
Hai công trình khác ở Bình Dương cũng do Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư là Bệnh viện chuyên khoa tâm thần và Bệnh viện lao ở phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên. Hai bệnh viện này đã xây dựng xong giai đoạn 1 từ năm 2018 với số vốn đầu tư khoảng 530 tỷ đồng. Tại đây cũng đã lắp ráp các thiết bị cần thiết nhưng đến nay vẫn bỏ hoang. Lý do Sở Y tế Bình Dương chưa nhận bàn giao vì thiếu công trình phụ, như: nhà giữ xe, căn tin… Do nhiều năm không được vận hành, các công trình đang dần xuống cấp, tường sơn bong tróc, thấm dột, bên ngoài cỏ mọc um tùm.
Xem lại cơ chế phối hợp
Bệnh viện chuyên khoa tâm thần và Bệnh viện lao hoàn thành năm 2018 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang.
Liên quan đến việc một số công trình có vốn đầu tư công hoàn thành nhưng chưa bàn giao đã xuống cấp, hoặc chậm bàn giao gây lãng phí ngân sách Nhà nước, mới đây HĐND tỉnh Bình Dương yêu cầu UBND tỉnh giải trình. Theo HĐND tỉnh, việc triển khai các dự án đầu tư công phải đồng bộ và có kết quả rõ ràng để tạo niềm tin trong nhân dân. Chủ đầu tư phải tính toán hợp lý, hoàn thiện cả công trình chính và phụ để đến khi bàn giao đơn vị thụ hưởng có thể đưa vào sử dụng ngay.
Để không lãng phí trong đầu tư công, bà Huỳnh Thị Tuyết Hạnh, đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng, việc giám sát thi công các công trình đầu tư công còn khá lỏng lẻo, đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành có kế hoạch giám sát chặt chẽ hơn.
Nhiều năm không sử dụng Bệnh viện chuyên khoa tâm thần xuống cấp, sơn bong tróc, tường nứt nẻ.
“Việc đưa công trình vào sử dụng một cách có hiệu quả, đúng thời hạn quy định mới là vấn đề quan tâm. Các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý những dự án này phải đánh giá, quy trách nhiệm cho những đơn vị không đáp ứng được thời gian, hạng mục thi công và tiến độ bàn giao dự án, hoặc những cái kém chất lượng, không đạt yêu cầu sử dụng. Từ đó mới có được những công trình thật sự hiệu quả, đáp ứng mong đợi của người dân” - bà Tuyết Hạnh cho biết.
Về nguyên nhân dẫn đến việc chậm bàn giao các công trình, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận do không có sự thống nhất giữa chủ đầu tư và đơn vị thụ hưởng về phương án xây dựng. Chính vì vậy, nhiều công trình xây xong không thể đưa vào sử dụng ngay mà phải bổ sung, sửa chữa nhiều hạng mục.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh đang tìm cách tháo gỡ. Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thụ hưởng phối hợp thực hiện các công trình, đồng thời đang xem xét việc thành lập lại ban quản lý dự án chuyên ngành như trước đây.
“Trước đây, Bình Dương có các Ban quản lý dự án chuyên ngành như: y tế, giáo dục, văn hóa. Sau đó, theo chủ trương, quy định chung nên đã thành lập Ban quản lý dự án tỉnh để đảm bảo đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh vấn đề bất cập giữa đơn vị thụ hưởng và chủ đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ.
Lãnh đạo UBND tỉnh giải trình với HĐND tỉnh về việc các công trình chậm bàn giao.
Việc các công trình đầu tư công chậm bàn giao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Ông Hồ Quang Điệp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh phải có những đánh giá về các công trình trọng điểm để đề ra biện pháp khắc phục hạn chế.
“Sự đồng bộ trong cùng một dự án, trong các gói thầu phải tính toán thì mới sử dụng được. Thời gian chuẩn bị dự án rất lâu cho nên công tác chuẩn bị đầu tư phải dài hơi. Để phát huy công năng, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, xuống cấp, UBND tỉnh nên chỉ đạo trong gói thầu nào được, hợp phần nào được thì nên bàn giao cho đơn vị sử dụng” - ông Hồ Quang Điệp cho biết.
Thời gian tới, Bình Dương sẽ triển khai rất nhiều công trình trọng điểm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân. Nếu việc chậm bàn giao công trình không bị xử lý nghiêm thì khó khắc phục những hạn chế đang tồn đọng, gây thất thoát lãng phí lớn tài sản Nhà nước. Do đó, rất cần những quyết tâm đủ mạnh, nêu cao tính kỷ luật kỷ cương trong xây dựng cơ bản để quy trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ để dự án” trôi” hết năm này qua năm khác.
-
‘Siêu dự án’ Bình Dương: Nội bộ lôi nhau ra tòa, 'cò' rao bán rầm rộ
Dự án khu dân cư Võ Minh Đức (tên thương mại Central Residence) với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng ở Bình Dương đang dính lùm xùm về chuyển nhượng và được tòa án thụ lý thì trên thị trường được chào bán rầm rộ. Trong khi, chủ đầu tư cho rằng việc rao bán không phải do chủ ý của đơn vị mà do giới “cò đất” lộng hành.
-
Điều chỉnh bảng giá đất Bình Dương, cao nhất 52,1 triệu đồng/m2
Đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại I ở vị trí 1 của TP Thủ Dầu Một có giá đất cao nhất là 52,1 triệu đồng/m2. Mức giá mới này tăng gần 38% so với bảng giá đất cũ.
-
Bình Dương sắp xây dựng nút giao 3.500 tỷ đồng kết nối TP.HCM
Tỉnh Bình Dương đang lên kế hoạch đầu tư 3.546 tỷ đồng để xây dựng nút giao Sóng Thần, một dự án quan trọng nhằm tăng cường kết nối giữa Bình Dương và TP.HCM. Đây là dự án chiến lược góp phần giảm áp lực giao thông và nâng cao năng lực vận tải trong ...
-
Dự án 150 triệu USD tại Bình Dương của hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora đang làm đến đâu?
Ngày 18/12, dự án mở rộng năng lực sản xuất Pandora Production Việt Nam đã lễ cất nóc tại Khu Công Nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP 3), phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.