Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều công trình, dự án đầu tư kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các công trình, dự án chậm tiến độ, nhưng 2 vấn đề chính thường gặp là hồ sơ thủ tục kéo dài, vướng bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án Đường ven sông Đồng Nai là dự án trọng điểm nhưng nhiều năm chưa được xây dựng. Ảnh: H.Giang

Theo kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt thì năm 2021, Đồng Nai triển khai 1,9 ngàn dự án có tổng diện tích khoảng 26 ngàn ha. Trong đó, dự án có cả 4 cấp, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Hiện có 2/3 dự án đang được thực hiện.

Nhiều dự án chuyển tiếp

Trong số các dự án có kế hoạch triển khai trong năm 2021 thì có 250 dự án mới, còn lại đều là các dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua. Nhiều dự án kéo dài 5-10 năm chưa hoàn thành. Đơn cử là các dự án: Đường ven sông Cái; Đường ven sông Đồng Nai; Hương lộ 2; Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa; dự án Chống ngập suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa; Khu du lịch Sơn Tiên
(TP.Biên Hòa)...

Tại các huyện cũng có nhiều dự án chuyển tiếp nhiều năm như: dự án Cấp nước sạch cho 3 xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định; Hồ Cà Ròn (H.Định Quán); Đường liên cảng Phước An (H.Nhơn Trạch); cả chục cụm công nghiệp ở các địa phương chưa đầu tư xong hạ tầng; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; Khu đô thị Amata (H.Long Thành); Khu công nghiệp Cẩm Mỹ (H.Cẩm Mỹ), Khu công nghiệp Gia Kiệm (H.Thống Nhất)… Ngoài ra, còn có hàng loạt khu dân cư nằm ở các huyện, thành phố.

Các dự án kéo dài có cả dự án đầu tư công, dự án của các doanh nghiệp (DN) trong nước lẫn DN nước ngoài. Theo các chủ đầu tư đã và đang thực hiện dự án ở Đồng Nai, bình quân một dự án nếu thuận lợi về khâu thủ tục cần khoảng 2-3 năm mới hoàn thành, nếu phải thu hồi đất mất thêm 2-3 năm nữa. Như vậy, một dự án muốn thực hiện xong cần 5-6 năm. Dự án kéo dài 8-10 năm mới xong cũng không hiếm, vì trong quá trình thực hiện các thủ tục, nếu quy hoạch đất đai và quy hoạch xây dựng không phù hợp thì sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh, hoặc do đơn vị tư vấn yếu dẫn đến công trình khi khởi công phải điều chỉnh, hay do khi bồi thường giải phóng mặt bằng người dân không đồng thuận về giá... Có những dự án chỉ vướng một vài hộ dân chưa đồng tình giao đất nên không thể khởi công.

Dự án Đường ven sông Cái (TP.Biên Hòa) đã quy hoạch nhiều năm chưa hoàn thành

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam cho biết: “Công ty được cấp phép đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành từ năm 2016, dự kiến 2 năm sau có thể hoàn thành giai đoạn 1 cho các DN thuê xây dựng nhà xưởng và đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm dự án chưa hoàn thành hạ tầng để cho thuê đất vì vướng thủ tục hồ sơ và bồi thường giải phóng mặt bằng”. 2 dự án khu đô thị Amata (H.Long Thành) cũng được cấp phép đầu tư vào đầu năm 2016, đến nay cũng mới trong quá trình điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Tại H.Nhơn Trạch, nhiều dự án đầu tư công, dự án của DN trong nước, nước ngoài cũng nhiều năm chưa hoàn thành. “Những dự án phải thu hồi diện tích đất lớn của người dân thường khó thực hiện theo đúng lộ trình. Lý do là một số người dân cho rằng giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch ngoài thị trường, hoặc đất đai thu hồi đang tranh chấp... Đây là khâu mất khá nhiều thời gian giải quyết nên dự án thường bị chậm tiến độ” - bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch chia sẻ.

Rào cản trong phát triển

Tại cuộc họp trực tuyến giao chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 cho các tỉnh, thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt giải ngân nhanh các dự án đầu tư công để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án đầu tư công của Chính phủ và các địa phương phần lớn thuộc các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi nên khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá cho các địa phương trong lĩnh vực kinh tế.

Năm 2021, vốn đầu tư công của Đồng Nai là hơn 14,2 ngàn tỷ đồng, trong 2 tháng đầu năm, giải ngân được trên 4%. Theo Giám đốc Sở
KH-ĐT Hồ Văn Hà, đầu năm các chủ đầu tư thường lo hoàn tất hồ sơ thủ tục, hoặc thi công dự án, thường từ quý II trở đi mới tiến hành giải ngân. Từ đầu năm, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nhanh các dự án, nếu gặp khó khăn ở khâu nào, báo ngay tỉnh để tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân các công trình. Năm nay, tỉnh sẽ ưu tiên vốn đầu tư các tuyến đường, công trình thủy lợi ở các địa phương để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý: “Các dự án triển khai chậm sẽ là rào cản cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Vì vậy, trong năm 2021, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh”.

Theo các chủ đầu tư dự án, công trình, muốn dự án triển khai nhanh, khâu giải quyết thủ tục, hồ sơ của các sở, ngành, địa phương phải được đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết.

Khánh Minh (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.