Từ đầu năm tới nay ghi nhận trên cả nước có tới 500.000 người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm… khiến nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn. Trong đó, số lượng công nhân thất nghiệp ngày một tăng, những người kinh doanh phòng trọ thì như “ngồi trên đống lửa”.

Tình trạng lao động bị mất việc, giảm việc tập trung tại một số tỉnh, thành lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: TP.HCM (gần 45.000 người), Đồng Nai (hơn 69.000 người), Bình Dương (hơn 80.000 người), Hà Nội (gần 65.000 người), Bắc Giang (khoảng 27.500 người), Bắc Ninh (14.000 người); Thanh Hóa (gần 13.000 người)… Làn sóng sa thải nhân công đã kéo theo nhiều hệ lụy khi công nhân thất nghiệp phải bỏ về quê hoặc ở lại thành phố tìm kiếm những công việc khác, chủ trọ thì như “ngồi trên đống lửa” vì không có nguồn thu.

Công nhân thất nghiệp về quê “nuôi cá, trồng rau”

Trong 5 tháng đầu năm có đến 237.000 người lao động bị mất việc, thôi việc - Ảnh minh họa.

“Nuôi cá và trồng thêm rau” là câu nói vui dành cho những người dư giả tài chính, muốn có cuộc sống an nhàn, nhưng lại phản ánh đúng thực tế khi hàng trăm nghìn công nhân bị sa thải ở thành phố đã quyết định về quê “nối nghiệp” gia đình.

Giữa tháng 5 vừa qua, anh Đình Kiên (Tiền Giang) nhận được thông báo cắt giảm nhân sự từ Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân do kinh doanh khó khăn. Anh quyết định trả phòng trọ để về quê vì không gánh nổi chi phí ăn ở, thuê phòng sau một tháng chật vật tìm công việc mới. Ở quê bố mẹ đều làm nông dân, nên anh Kiên về phụ bố mẹ chờ tình hình tốt hơn.

Tương tự, chị Ngọc Anh (Nghệ An) là công nhân một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân cũng phải trả phòng trọ về quê vì nằm trong danh sách bị cắt giảm. Được biết chị mới quyết định lên thành phố từ đầu năm để mong thoát cảnh khó khăn ở quê.

“Không chỉ riêng công ty tôi, nhiều công ty khác cũng sa thải hàng loạt công nhân nên tìm được một công việc tương tự rất khó. Nếu muốn trụ lại thành phố thì chỉ xin được những công việc như bán hàng, phụ bàn, phục vụ… nhưng lương được vài ba triệu đồng làm sao đủ chi trả ăn uống và thuê phòng. Tôi cũng không muốn về quê và kiếm sống bằng công việc làm nông như trước đây” – Ngọc Anh bày tỏ.

Thực trạng trên cũng diễn ra tại tỉnh Bình Dương – một trong những địa phương có số lượng công nhân tập trung đông nhất cả nước.

Anh Hoàng Phúc (Thanh Hóa), người đã có thời gian 4 năm làm việc cho một công ty may mặc tại TP.Thuận An cho biết, trước đây, công việc của anh khá ổn định với thu nhập 8-10 triệu/tháng nếu tăng ca. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình công ty khó khăn, cắt giảm giờ làm, khiến thu nhập giảm, nhưng vẫn ổn định thu nhập ở mức 6-8 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm thị trường lại chuyển biến xấu, công ty thông báo không có đơn hàng sản xuất nên anh và nhiều công nhân khác bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.

Anh Phúc cho hay: “Mặc dù được thông báo tạm dừng hợp đồng lao động, nhưng không hẹn thời gian sẽ quay trở lại làm việc nên tôi quyết định trả phòng về quê và tiếp tục đi biển cùng bố”.

Chủ trọ như “ngồi trên đống lửa”

Các chủ trọ chật vật tìm kiếm khách thuê trước làn sóng sa thải công nhân - Ảnh minh họa.

Công nhân thất nghiệp trả phòng khiến các chủ trọ cũng phải chật vật tìm kiếm khách thuê.

Mặc dù ngày chủ nhật nhưng dãy trọ của bà Yến ở TP.Thuận An im ắng lạ thường, bởi thường vào những ngày cuối tuần khu trọ đều rộn ràng tiếng cười nói. Khu trọ của bà có 25 phòng trọ, từng được lấp kín bởi hơn 50 con người, nhưng giờ chỉ còn khoảng 10 phòng có người ở, còn lại trống trơn từ mấy tháng trước.

“Từ đầu tháng 3 nhiều công nhân lần lượt trả phòng, để giữ chân tôi phải giảm mạnh giá phòng, thậm chí hỗ trợ một tháng không thu tiền thuê cho một số công nhân khó khăn có thêm thời gian xin được công việc khác, nhưng vẫn không giữ chân được họ” – bà Yến chia sẻ.

Khu trọ của bà mới được xây cách đây hơn 1 năm, trong đó phải vay ngân hàng 300 triệu đồng, trung bình mỗi tháng phải trả 6,5 triệu đồng, nhưng với tình hình hiện tại không biết tháng tới bà sẽ chi trả những khoản vay như thế nào khi nguồn thu bị “hụt”.

Cách đó không xa, dãy trọ gồm 10 phòng của ông Tú cũng đang tìm kiếm khách thuê suốt hai tháng nay. Trước đó, ngày nào ông cũng phải trả lời hàng chục câu hỏi “còn phòng cho thuê không bác?” của những người công nhân đến hỏi thuê. Ông Tú cho hay với số lượng 10 phòng kín khách, mỗi tháng ông sẽ có nguồn thu nhập 15 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí điện nước.

Cũng dồn hết tiến tiết kiệm đầu tư cho lĩnh vực này, Hoàng Dân (TP.Dĩ An) đang đứng ngồi không yên vì 7 phòng trọ của cô vẫn chưa tìm được khách thuê. Cô nàng 9X cho hay, cách đây 3 năm vì chán công việc văn phòng nên khi tích góp được khoảng 200 triệu đồng, cô quyết định chung vốn với anh họ kinh doanh phòng trọ.

Năm đầu hoạt động rất ổn định với số lượng 15 phòng lúc nào cũng chật kín, nhưng từ đầu năm tới nay cứ mỗi tháng lại có một vài công nhân thông báo trả phòng khiến cô vô cùng lo lắng.

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính), các doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Do đó, có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.