Thời gian qua, nhiều dự án nhà ở được triển khai xây dựng tại TPHCM yêu cầu phải có có công viên phục vụ cộng đồng. Thế nhưng, một nghịch lý đang diễn ra là có nơi chủ đầu tư sẵn sàng chủ động thực hiện thì lại vướng thủ tục, có nơi theo quy hoạch bao gồm cả công viên thì chủ đầu tư lại không thực hiện đầy đủ.

Nơi vướng, nơi bị “bỏ quên”

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, Dự án Vạn Phúc City (phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức) có quy mô gần 200 ha. Trong dự án có công viên chuyên đề rộng 6,4 ha đã được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch 1/500 vào năm 2017. Riêng hạng mục này, chủ đầu tư đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng “tiền túi” của doanh nghiệp để đền bù, không phải là đất công.

Tuy nhiên, suốt gần 3 năm chủ đầu tư không thể triển khai thực hiện được bởi thủ tục bị hướng dẫn lòng vòng. Tới cuối năm 2020, UBND TPHCM lại có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đối với nhóm đất xây dựng công trình công cộng.

Dự án công viên cảnh quan tại dự án Vạn Phúc City đứng hình nhiều năm vì vướng thủ tục.

Chỉ đạo là vậy, nhưng tới nay, công viên chuyên đề tại Vạn Phúc City vẫn không thể thực hiện được vì chưa nhận được hướng dẫn từ các cơ quan chức năng. Theo bà Hương, thời gian thực hiện công trình bị kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều bên: “Cư dân rất kỳ vọng chủ đầu tư sớm triển khai các hạng mục đó để đảm bảo đời sống an cư. Chúng tôi cũng ảnh hưởng trong uy tín và lời giải thích cho cư dân, bởi thời gian chờ đợi quá lâu. Thứ hai là các đối tác của chúng tôi, các nhà đầu tư bỏ ngân sách rất lớn vào đây, thiết bị máy móc đã đặt rồi nhưng vẫn không triển khai được”.

Ngược lại, dự án Khu Công viên Văn hoá – Du lịch Thể thao ở Quận 8 được chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 10 năm qua vẫn chưa thực hiện các hạng mục phục vụ dân sinh, cộng đồng như công viên thể thao theo quy hoạch được duyệt. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ Xây dựng kinh doanh nhà Vạn Thái được phê duyệt dự án với quy mô 15,7 ha, trong đó, theo quy hoạch có khu công viên văn hoá diện tích 9,6 ha.

Mặc dù chưa thực hiện khu công viên văn hóa, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng 4 block của khu chung cư với tên thương mại là Topaz City. Bà Trần Thị Hương Quế, cư dân block B1 của chung cư này cho biết, cũng vì nhìn tổng thể trong dự án có công viên văn hóa thì mới lựa chọn mua tại đây. Còn ngay từ đầu chủ đầu tư có sao nói vậy thì khách hàng sẽ không kỳ vọng và có thể xem xét lựa chọn dự án khác để sinh sống.

Để người dân không phải chịu thiệt thòi khi chuyển về ở mà vẫn không có công trình công cộng phục vụ, bà Quế đề nghị chính quyền cần phải sát sao, quyết liệt hơn: "Nhà nước cần sát sao trong việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết với thành phố hay Quận 8, và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, cũng như chế tài được thì Nhà nước có đầy đủ công cụ để làm được việc này, vì họ không phải là doanh nghiệp nhỏ".

Kiến nghị tháo gỡ bất cập

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM chỉ ra điểm bất cập là quỹ đất dự án, trong đó có công viên do chủ đầu tư tự bỏ vốn tạo lập thì tại sao không được tự đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, quỹ đất này cũng không phải là đất công thì tại sao lại được Nhà nước tổ chức đấu thầu? Ông Châu nhận định, lẽ ra thành phố phải ưu tiên cho chủ đầu tư dự án thực hiện các công trình này.

Chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới là người bỏ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng để có quỹ đất dự án. Họ cũng là người bỏ vốn đầu tư xây dựng toàn bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án. Vì thế, ông Châu cho rằng, họ phải có quyền ưu tiên lựa chọn được đầu tư kinh doanh tất cả các sản phẩm được tạo ra từ dự án, bao gồm công viên phục vụ vui chơi giải trí có mục đích kinh doanh.

Hiện trạng Khu Công viên Văn hoá – Du lịch Thể thao ở Quận 8 vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong.

“Chủ đầu tư phải có quyền ưu tiên để lựa chọn đầu tư, còn những phần đất phục vụ lợi ích công cộng mà chủ đầu tư không có nhu cầu đầu tư, thì chủ đầu tư phải xây dựng xong hạ tầng, sau đó bàn giao lại cho địa phương. Sau khi nhận bàn giao, lúc đó địa phương mới tiến hành đấu giá, đấu thầu để mời gọi nhà đầu tư khác”, ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.

Với những bất cập về việc xây dựng các công trình công cộng, phục vụ lợi ích chung của người dân trong các dự án nhà ở, các cơ quan chức năng tại TPHCM cần nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ, hướng dẫn thủ tục để chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời, phải kiểm tra, giám sát kỹ và có biện pháp chế tài mạnh mẽ, không để tình trạng chủ đầu tư “ngó lơ” những công trình công cộng.

Duy Phương (VOV-TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.