15/06/2018 9:56 AM
Nhiều bất cập về khung giá đất, phương pháp thẩm định giá… đã được các chuyên gia phân tích, kiến nghị giải pháp tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về định giá và thẩm định giá đất” do Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) và Hiệp hội Các nhà thẩm định bất động sản Nhật Bản (JAREA) tổ chức ngày 14-6 tại TPHCM.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng bảng giá đất do nhà nước ban hành hiện thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường làm ảnh hưởng đến việc thẩm định đúng giá nhà đất. Bản thân thẩm định viên hoặc cán bộ bồi thường khi định giá dù thấy rõ bất cập, nhưng do bảng giá đất đã ấn định nên không dám đẩy giá lên cao.

Do vậy giá đền bù người dân bị giải tỏa tại nhiều dự án còn thấp dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Từ nhận định trên, các chuyên gia kiến nghị cần phải đẩy bảng giá đất lên cao bằng 70% - 80% giá thị trường.

Không nên quy định, ban hành khung giá đất làm căn cứ để UBND các tỉnh, TP xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. Thay vào đó, giao trực tiếp cho UBND tỉnh, TP ban hành bảng giá đất dựa trên điều tra, thu thập, khảo sát giá thị trường từng địa phương.

Đồng thời, nhà nước sẽ quy định hệ số điều chỉnh phù hợp cho từng mục đích sử dụng bảng giá đất. Giá đất thường biến động, do vậy nên quy định thay đổi khung giá hàng năm, thay vì quy định 5 năm thay đổi một lần như hiện nay.

Tại hội thảo, đại diện một số công ty thẩm định giá cho rằng, hiện nay luật quy định chưa rõ về quyền, trách nhiệm và các biện pháp chế tài đối với các đơn vị tư vấn khi thẩm định giá nhà đất. Khi thẩm định giá, các đơn vị tư vấn đã làm đúng nhưng sau đó lại chịu “chi phối” của Hội đồng thẩm định giá tỉnh, TP đã phải điều chỉnh giá thấp hơn.

Khi cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, lại không có biện pháp chế tài cụ thể. Đề nghị sửa đổi theo hướng quy định công ty tư vấn thẩm định giá phải chịu trách nhiệm với chứng thư thẩm định giá. Khi có thanh tra sai phạm về định giá, hoặc khiếu kiện của người dân về định giá thì đơn vị tư vấn thẩm định giá phải chịu trách nhiệm, hầu tòa.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT, cho biết Luật Đất đai năm 2013 đã đạt được nhiều hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, nhưng vẫn còn không ít tồn tại, bất cập như nguồn lực đất đai chưa thực sự được khai thác và phát huy; việc sử dụng đất còn lãng phí; thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra... trong đó, hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về giá đất.

“Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai, bất cập về khung giá đất, phương pháp thẩm định giá diễn ra khá phổ biến. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nên khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), gây ra những bất ổn trong xã hội. Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến góp ý để xem xét đưa vào dự thảo điều chỉnh Luật Đất đai sắp tới”, ông Đào Trung Chính nói.

Quang Huy (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.