Động thái trên được xem như việc Nhật Bản đang cố tạo ra một đối trọng với Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Ngân hàng này cũng được đánh giá là đang cạnh tranh với một số thể chế tài chính hiện có như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Dự kiến, kế hoạch này sẽ được Thủ tướng Abe đưa ra nhân dịp tới Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan diễn ra từ 18-22/11 với tư cách là một trong các đối tác đối thoại.
Trong đánh giá về các khoản cho vay bằng đồng yen, Chính phủ Nhật Bản cũng tính tới việc nới lỏng bớt một số điều kiện cho vay, đồng thời rút ngắn thời gian làm thủ tục cho vay.
Ngoài ra, nước này cũng dự định thiết lập một quỹ tài chính riêng dành cho các dự án mang tính rủi ro nhất định.
Động thái mới nhất này của Nhật Bản đưa ra sau khi nước này để tuột mất dự án xây dựng đường sắt cao tốc tại Indonesia vào tay Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực tới những nỗ lực của Thủ tướng Abe, người muốn lấy xuất khẩu cơ sở hạ tầng làm một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dưới sự lãnh đạo của ông Abe, Nhật Bản đang từng bước khôi phục tầm ảnh hưởng về cả kinh tế lẫn chính trị tại châu Á, đặc biệt là khu vực ASEAN.
Hồi tháng 5/2015, ông Abe đã công bố sáng kiến đầu tư trị giá 110 tỷ USD nhằm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng châu Á trong vòng 5 năm tới./.