Mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở đã nhận được sự ủng hộ cao trong điều kiện phần lớn người dân chưa có nhà ở, song vẫn còn những “hạt sạn” gây e ngại cho người đóng quỹ.

Nhóm đối tượng mà Quỹ Tiết kiệm nhà ở hướng tới là người lao động có thu nhập thấp. Ảnh: Đ.T

Băn khoăn lớn nhất của người đóng quỹ trong mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở mà Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ là mức đóng quỹ. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, mức đóng quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Với mức đóng tối thiểu trong thời gian 5 năm, thì cá nhân hoặc hộ gia đình sẽ được vay tiền từ quỹ này để mua nhà. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào Quỹ.

Trên thị trường bất động sản hiện nay, chi phí để mua căn hộ giá thấp phổ biến từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Ở mức căn hộ 500 triệu đồng, trong vòng 5 năm, người tham gia phải đóng hơn 160 triệu đồng, tính ra mỗi tháng phải đóng hơn 2,5 triệu đồng vào Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Còn ở mức giá 1 tỷ đồng/căn hộ, để đóng khoảng 30% giá trị tiền mua căn hộ, trong vòng 5 năm, người tham gia phải đóng khoảng 300 triệu đồng, tính ra mỗi tháng, phải đóng khoảng 5 triệu đồng.

Như vậy, mức đóng từ 2,5 đến 5 triệu đồng/tháng để đủ điều kiện vay mua nhà đã vượt khả năng tài chính của những người có thu nhập thấp. Với mặt bằng giá cả hiện nay, để có tiền đóng quỹ mà vẫn đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu, người mua phải có thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá, để tham gia Quỹ Tiết kiệm nhà ở, người dân phải có thu nhập khá. Trong khi đó, nhóm đối tượng mà Quỹ hướng tới là người lao động có thu nhập thấp thì đang phải vật lộn với cuộc sống và có đến 95% mức lương của họ dồn vào chi phí ăn mặc, đi lại và thuê nhà.

Ở khía cạnh này, bà Huỳnh Kim Hoàng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nhà ở TP.HCM phân tích, đa phần người lao động nước ta có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, nhưng có rất nhiều khoản phải chi, nên số tiền có thể trích ra để nộp vào Quỹ Tiết kiệm nhà ở rất nhỏ. Mặt khác, nhiều người rất bức xúc về nhu cầu nhà ở, nhưng phải chờ đến 5 năm mới đủ điều kiện được vay mua nhà thì quá lâu.

Một vấn đề khác cũng được người tham gia quan tâm là lãi suất. Theo đề xuất, lãi suất huy động của Quỹ Tiết kiệm nhà ở thấp hơn lãi suất thương mại và bảo đảm ổn định trong thời hạn nhất định theo từng gói tiết kiệm do Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định (dự kiến từ 5% đến 7%). Lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất huy động cộng thêm 1,5% chi phí quản lý.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu tỷ lệ người tự nguyện tham gia đóng quỹ quá thấp, Quỹ sẽ không thể hình thành được, chưa nói tới việc phát huy tác dụng như mong muốn. Điều này dễ xảy ra khi lãi suất của Quỹ Tiết kiệm nhà ở rất thấp, trong khi lãi suất huy động tiết kiệm ở các ngân hàng thương mại đang cao hơn.

Người tham gia Quỹ còn rất băn khoăn về tính minh bạch trong quá trình hoạt động và điều hành Quỹ. Thậm chí, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận hành, bởi tính minh bạch trong quản trị của Việt Nam chưa cao, vấn đề tham nhũng rất khó tránh khỏi.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, Đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ khả thi hơn, nếu có điều kiện kèm theo là cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ, với giá chỉ vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, Quỹ cần có nhiều gói cho từng đối tượng khác nhau. Người có thu nhập thấp, nếu có nhu cầu, có thể dự kiến vay khoảng vài trăm triệu đồng để mua nhà, người có thu nhập khá hơn có thể dự kiến vay tới con số tiền tỷ.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.