“Cùng với các dự án của Nhật Bản đang thực hiện tại TP HCM như tuyến Metro số 1, chúng tôi luôn luôn và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho TP HCM, cho Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Đồng thời, sẽ kêu gọi và tạo điều kiện cho những cơ quan, tổ chức tài chính chính thức của chính phủ Nhật Bản cung cấp vốn cho các nhà đầu tư”, bà Yuko Baba - Giám đốc Xúc tiến Thương mại, Cục Hợp tác Kinh tế và Thương mại, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sáng 7/12 tại TP HCM.
Ngoài ra, phía Nhật Bản cho hay sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những dự án đào tạo nhân lực lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bà Yuko Baba nhấn mạnh, nước này mong muốn có một cơ cấu rõ ràng, minh định được rủi ro nào là cơ quan nhà nước phải chịu và những rủi ro nào là doanh nghiệp phải chịu khi cùng hợp tác triển khai dự án theo hình thức hợp tác công tư.
“Nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của chính phủ là có hạn nên cần sự góp vốn của tư nhân, thông qua hình thức PPP chẳng hạn. Đầu tư công tư thì đòi hỏi phải hoàn thiện khung pháp lý để đôi bên tin tưởng làm việc với nhau”, vị này nói.
Đoạn hầm metro tuyến số 1 đã hoàn tất phía Ba Son. Ảnh: Hữu Công
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã tích cực triển khai thí điểm đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức PPP. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thành công. Bà Yuko Baba cho rằng, Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh, không chỉ phải bắt kip những thay đổi về công nghệ mà còn phải xây dựng cơ chế huy động vốn cho tốt.
Việt Nam có rất nhiều việc phải làm trong khi không có sự chuẩn bị như các quốc gia đã phát triển. Các quốc gia đang phát triển khác cũng cùng gặp vấn đề như vậy. Đó là phát triển nhanh quá nên không theo kịp.
Bà Yuko Baba đánh giá, chính phủ Việt Nam đã xây dựng các luật, nghị định, văn bản để tạo hành lang pháp lý cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nội dung rất mới mẻ và đòi hỏi sự cập nhật.
Theo bà, cấp chính phủ hai nước cần có những đối thoại để làm rõ những khác biệt và định hướng những vấn đề cụ thể cần làm. Đồng thời, phải có các đối thoại giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp để làm rõ, với những quy định đã có thì cần làm thế nào cho đúng.
“Đối với doanh nghiệp Nhật Bản, yêu cầu đề ra là tính dự đoán của các cơ cấu, hình thức, hệ thống ở Việt Nam. Doanh nghiệp đầu tư muốn lường trước được hình thức sẽ như thế nào, cơ chế được vận dụng thế nào. Nếu không làm rõ được thì rất khó đưa đến được quyết định có đầu tư hay không”, bà nói.
Nhật Bản tham gia vào các dự án hạ tầng chất lượng cao tại Việt Nam từ khá sớm, trải dài trên các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, đường sắt, đường bộ và cầu đường bộ. Các dự án sử dụng vốn ODA gần đây của nước này như nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, nhà ga hành khách quốc tế mới sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài,tuyến Metro số 1 tại TP HCM…
Nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh, Nhật Bản đang liên tục tổ chức các buổi “Đối thoại về Hạ tầng chất lượng cao” tại nhiều nước châu Á. Việt Nam là điểm đến mới nhất của hoạt động này sau Campuchia, Myanmar và Indonesia.
Buổi đối thoại tại TP HCM quy tụ các tên tuổi lớn đang có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư như Tokyo Gas – nhà cung cấp gas tiêu dùng cho hộ gia đình tại Tokyo, Công ty vận hành khai thác sân bay Narita, Toshiba… Đáp lại, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nhật Bản trong những dự án mới.