10/08/2016 2:53 PM
Nhiều doanh nghiệp (DN) đang “chơi chiêu” nhập ồ ạt thép tôn mạ với số lượng lớn để “chạy” thuế sau khi Bộ Công Thương chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ lẫn chống bán phá giá đối với tôn mạ màu và mạ kẽm nhập khẩu. Liệu các DN thép nội địa có đủ sức để tự vệ trước chuyện này khi thép ngoại giá rẻ vẫn là nỗi ám ảnh lớn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 9,66 triệu tấn, trị giá 3,81 tỷ USD, tăng 43,9% về lượng, tuy nhiên chỉ tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 với 5,63 triệu tấn, trị giá hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 58,3% về lượng và 55,2% về trị giá sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam. Đứng thứ hai là Nhật Bản, với 1,47 triệu tấn, trị giá 592 triệu USD, chiếm 15,2% về lượng và 15,5% về trị giá.

Thép ngoại vẫn ồ ạt “chảy”

Hồi năm ngoái, lượng nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam trong năm 2015 đã tăng hơn 3 lần so với 2014 (từ 590 nghìn tấn lên gần 1,89 triệu tấn) và lượng nhập khẩu thép dài cũng tăng tương ứng gần 50% (từ gần 900 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn). Ngành sản xuất thép trong nước đã chịu thiệt hại từ tình trạng gia tăng nhập khẩu đột biến này.

Riêng lượng tôn mạ các loại nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay ước xấp xỉ 975.000 tấn, chiếm 68,45% so với sản lượng nhập khẩu cả năm 2015, tăng đến 34,14% so với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Lượng tôn mạ các loại nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2016 xấp xỉ 975.000 tấn, tăng 34,14% so cùng kỳ năm ngoái

Trong đó, nhập khẩu tôn mạ màu (sản phẩm mà Bộ Công Thương vừa chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ lẫn chống bán phá giá) đạt khoảng 254.400 tấn, tăng kỷ lục 88,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Đơn giá nhập khẩu các sản phẩm tôn màu cũng liên tục giảm, hiện chỉ còn bình quân 647 USD/tấn, giảm mạnh 23,2% so với mức giá trung bình 6 tháng năm 2015, đây là khoảng thời gian các DN tranh thủ nhập khẩu, đầu cơ tích trữ hàng.

Thực tế, ngoài lượng tôn mạ nhập khẩu tăng vọt, một loạt các chủng loại thép khác thuộc diện cần kiểm soát đặc biệt, như thép cây, cuộn và hình hợp kim vẫn có lượng nhập khẩu rất lớn, bất chấp nhiều chính sách quản lý theo diện nhập khẩu có điều kiện với loại thép này đã được liên bộ ban hành trong thời gian qua.

“Vũ khí” tự vệ cần sắc bén

Chính lãnh đạo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng thừa nhận đang có tình trạng nhiều DN thương mại đã “tranh thủ” nhập khẩu tôn mạ với số lượng lớn nhằm “chạy” thuế, sau khi Bộ Công Thương chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ lẫn chống bán phá giá đối với tôn mạ màu và mạ kẽm nhập khẩu.

Đối với ngành thép, trong giải pháp từ nay đến cuối năm 2016, phía Bộ Công Thương gần đây đã khẳng định quan điểm sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo đảm cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại này tới sản xuất, tiêu dùng trong nước để có sự điều chỉnh kịp thời, bảo đảm hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của ngành thép trong dài hạn.

Thực tế cho thấy, thách thức lớn với các DN thép trong nước hiện nay là tình trạng dư thừa năng lực sản xuất thép mạ kim loại và sơn phủ màu. Theo tính toán, công suất dư thừa của ngành thép trong nước năm 2016 sẽ vào khoảng 2,2 triệu tấn.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy trên thị trường thép hiện không có DN nào chiếm vị trí “thống lĩnh” thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 DN lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần và hàng trăm DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần.

Có thể thấy, với việc tham gia vào một loạt FTA, Việt Nam phải có lộ trình gỡ bỏ các hàng rào thương mại, bao gồm các loại thuế nhập khẩu. Với thép nhập khẩu cũng không phải là ngoại lệ. Do vậy, áp lực từ thép nhập khẩu đối với ngành thép nội địa là rất lớn.

Trên thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với ngành sản xuất trong nước. Với mặt hàng thép cũng vậy.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, pháp luật của Việt Nam vẫn còn một số điểm hạn chế cho DN (chẳng hạn như trong ngành thép) có nhu cầu muốn nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, lưu ý rằng với sự cần thiết của việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), được ví như “vũ khí” để tự vệ, các DN, hiệp hội rất cần sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng bằng cách đẩy nhanh tiến độ các vụ kiện PVTM với mục đích là sớm ra quyết định áp thuế. Đồng thời, bảo đảm việc áp dụng các biện pháp PVTM là phù hợp với các quy định quốc tế.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng PVTM chỉ là biện pháp trước mắt để bảo vệ ngành thép nội trước “cơn lốc” nhập khẩu thép ngoại giá rẻ, kém chất lượng ngoài. Còn để ngành thép nội trụ vững thì điều kiện tiên quyết là phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thế Vinh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.