“Đang móm, chuẩn bị giải tán!”, ông Việt, nhân viên bán hàng của công ty cổ phần kinh doanh địa ốc N.land than vãn, thay cho câu trả lời về làm ăn hiện nay.
Thời vàng son đã qua
Khi kinh doanh bất động sản ở TPHCM bớt sôi động, thu nhập của các nhân viên bán hàng như ông Việt từ vài chục triệu đồng mỗi tháng giảm còn ngót nghét hơn 10 triệu đồng.
Ông Việt cho biết, công việc chính hiện giờ không phải đi bán hàng mà là thu hồi công nợ của những khách hàng trước đó.
“Không được may mắn như ông Việt, tôi vừa mới qua thời gian thử việc xong, thị trường địa ốc đã lại tiếp tục bị đóng băng. Chỉ bán được hai hợp đồng, nhưng chưa thấy hoa hồng”, nhân viên tên Hùng, đồng nghiệp với ông Việt cho biết.
Theo giới kinh doanh địa ốc, từ giữa quý 2 năm ngoái đến nay, có khoảng 30% đến 40% điểm môi giới trên địa bàn thành phố phải đóng cửa. Một trong những khu vực bị tác động nhiều là khu vực quận 2, quận 9.
Dạo quanh một vòng các điểm môi giới, nhiều mặt bằng trước đây là sàn, văn phòng môi giới bất động sản, giờ bảng hiệu bị hạ xuống, xuất hiện tấm bảng nhỏ hơn: cho thuê nhà.
Tại chi nhánh ở quận 2 của một công ty bất động sản có tiếng, một nhân viên cho hay, do không có khách hàng giao dịch nên chi nhánh đóng cửa hai ngày cuối tuần, vốn là thời gian thường có khách tranh thủ đi xem đất, xem nhà trước đây.
Chỉ riêng đường Trần Não, quận 2, trên một đoạn đường dài 1km, 75% trong số hơn 20 điểm giao dịch nay đóng cửa, không hoạt động.
Tại các tuyến đường khác như Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), nơi có mật độ cao về điểm giao dịch bất động sản, nay cũng vắng khách.
Lấy cho thuê nuôi mua bán
Giám đốc sàn giao dịch bất động sản của một công ty xây dựng ở TP.HCM cho biết, sau một năm cầm cự, sống bằng tiền từ công ty mẹ, ông quyết định trả mặt bằng, thuê một vị trí nhỏ trong dự án căn hộ của công ty mẹ.
Hai nhân viên của sàn, theo vị giám đốc này, chủ yếu làm công việc lưu trữ hồ sơ, theo dõi các hợp đồng mua bán của một dự án căn hộ, do công ty mẹ làm chủ đầu tư.
Vị này cho biết thêm, dự án của công ty mẹ cũng trong tình cảnh “gồng mình xây dựng” do trễ tiến độ giao nhà.
Ông này cho biết: “Không thể vì ít việc mà ngừng hợp đồng công việc với nhân viên, nhưng nếu vẫn duy trì trong khi không có giao dịch mua bán thì không biết lấy tiền đâu ra để trả lương...”
Nhiều trung tâm môi giới giảm phí môi giới cho bên mua, thậm chí nhiều nơi không lấy tiền dẫn đường cho khách. Theo họ, đó là giải pháp cầm cự trong thời điểm hiện tại. Trong lúc chờ thị trường hồi phục, một số văn phòng nhận môi giới cho thuê kho bãi, nhà ở để “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều chủ của các trung tâm môi giới thừa nhận, ngày xưa được mười, giờ chỉ được một.
Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, giám đốc công ty địa ốc An Cư Lạc Nghiệp cho biết, trong lúc thị trường khó khăn, việc cơ cấu lại đội ngũ, giảm số lượng để tăng chất lượng là điều tốt.
Hiện nay chỉ có các sàn giao dịch có thực lực thì nhân viên kinh doanh mới có thể bám trụ. Theo ông Minh Thành, nhân viên môi giới của công ty ông khoảng hơn 100 người, với mức thu nhập hàng tháng từ 7 triệu đồng trở lên.
Theo ông Thành, để có mức thu nhập này đòi hỏi các nhân viên môi giới phải cật lực làm việc và kỹ năng bán hàng phải thật tốt.