The Pride khởi công xây dựng từ cuối năm 2009 với tổng mức đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng. Công trình The Pride bao gồm 4 tòa tháp sử dụng chung một khối đế, có chiều cao từ 35 đến 45 tầng, không bao gồm tầng hầm. Được biết, chủ đầu tư Dự án The Pride và các đơn vị thứ phát đã bán được gần như 100% căn hộ tại các tòa CT1, CT2 và CT4.
Riêng tòa CT3, cao 45 tầng, với tổng số căn hộ lên đến 700 căn, nhưng đã không xây dựng suốt 2 năm trời do thiếu vốn.
Hồi tháng 3/2014, sau 4 năm góp vốn, đóng tiền nhưng không bàn giao được nhà, khách hàng các tòa nhà CT1, CT2, CT4 ủy quyền qua Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh về một số sai phạm. Cụ thể, nhóm khách hàng khiếu nại về việc chủ đầu tư Hải Phát chậm thực hiện nghĩa vụ bàn giao nhà theo cam kết hợp đồng và vi phạm Nghị định 71/2010 của Chính phủ khi thu tiền đến 90% giá trị hợp đồng, trong khi Dự án chưa đủ điều kiện bàn giao.
Trong lúc đó, Hải Phát tiếp tục hợp tác với CenGroup trong việc mở bán trở lại căn hộ Dự án CT3 The Pride, thuộc Khu đô thị An Hưng, quận Hà Đông. Đây là dự án Hải Phát Song trong đợt mở bán của chủ đầu tư và Siêu thị Dự án (đơn vị thuộc CenGroup) mới đây, cái tên quen thuộc CT3 đã bị thay thế bằng Dự án HP Landmark Tower.
Nhưng, dường như việc dự án này dính quá nhiều tai tiếng và mặc dù đã "đổi vỏ" nên số khách hàng quan tâm đến dự án này cũng không nhiều.
Mới đây, chủ đầu tư đã bày ra phương án mới là hợp tác với đơn vị quản lý tòa nhà, công bố tiện ích 5 tầng của tòa nhà.
Cụ thể, ngày 20/9, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hải Phát – PMC, Hải Phát – Cen Plus sẽ diễn ra do Hệ thống Siêu thị dự án Bất động sản STDA – đơn vị của CenGroup. Ngay sau lễ ký kết hợp tác chiến lược đó, STDA cũng đồng thời tổ chức lễ mở bán tòa nhà HP Landmark Tower, công bố mặt bằng tiện ích 5 tầng tại tòa nhà này.
Mở bán dự án HP Landmark Tower hồi tháng 5/2014.
Theo đó, Hải Phát lựa chọn đơn vị Quản lý và khai thác bất động sản là Công ty CP Quản lý & Khai thác Toà nhà PMC. Cùng với đó, Hải Phát cũng sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Cen Plus, một đơn vị chuyên tư vấn chăm sóc khách hàng Bất động sản của CenGroup.
Cen Plus là một đơn vị chuyên tư vấn, thiết kế, cung cấp nội và ngoại thất văn phòng, nhà ở; giúp khách hàng cho thuê lại bất động sản nhằm gia tăng gia trị tài sản của mình nếu khách hàng mua xong chưa có nhu cầu ở ngay.
Như vậy, nhiều khả năng, chiêu mới của CenGroup sẽ là bán căn hộ sau đó quản lý cho thuê nhà giúp khách hàng. Đây là chiêu không mới mà CenGroup và các chủ đầu tư đang áp dụng trên thị trường.
Còn đối với việc đổi tên dự án, trên thực tế Hải Phát và CenGroup đã áp dụng không chỉ ở dự án The Pride.
Hải Phát từng quyết định đổi tên chung cư cao tầng, thuộc Dự án khu đô thị Tân Tây Đô thành Dự án Phúc Thịnh Tower. Việc đổi tên giúp căn hộ Phúc Thịnh Tower gây sốt, trở thành một hiện tượng trên thị trường ngay trong đợt mở bán sau đó. Tuy nhiên, với tiến độ không có nhiều chuyển biến trong thời gian dài, cùng với những tai tiếng trước đó, Dự án nhanh chóng rơi vào tình trạng “đóng băng”. Cuối năm 2013, sau khi thâu tóm gần như toàn bộ số căn hộ tồn đọng, CenGroup đã từ bỏ cái tên Phúc Thịnh Tower để trở lại với tên gọi cũ là CT2A Tân Tây Đô.
Trước đó, sau khi được quyền phân phối căn hộ dự án Xuân Mai Tower (quận Hà Đông) của Vinaconex Xuân Mai, một dự án mà chủ đầu tư trầy trật bán hàng nhưng không mấy thành công, CenGroup cũng đã đổi tên thành Dự án chung cư Park State. Hay như chung cư CT Number One trước đây chính là Dự án CT1 Vân Canh (huyện Hoài Đức) tai tiếng một thời của CTCP Bất động sản AZ được CenGroup đạo diễn đổi tên và tung ra thị trường.
Có thể thấy rằng, việc các dự án tai tiếng, sa lầy được CenGroup nhảy vào "phù phép" đổi tên mới sau đó ra sức quảng bá để bán hàng là một chiêu thức được CenGroup đang áp dụng khá phổ biến. Nhưng, liệu HP Landmark Tower có được khách hàng đặt niềm tin hay không không phụ thuộc vào việc dự án được "đặt lại tên" mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là năng lực tài chính để triển khai dự án của chủ đầu tư.