05/12/2011 1:23 AM
Vì sao dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có hạng mục được xây cao mấy chục tầng? Tân Bình, Gò Vấp: chỉ được xây thấp

Vừa qua, sự kiện dự án sân gofl trong sân bay Tân Sơn Nhất đã dấy lên rất nhiều câu hỏi. Đặc biệt, dư luận thắc mắc quy định về hạn chế độ cao xây dựng do an toàn tĩnh không sân bay. Tại sao nhà người dân gần đó thì không được xây cao, có nơi bị khống chế một tầng trong khi ngay trong sân bay, dự án sân golf có những hạng mục mấy chục tầng. Cơ sở pháp lý và thực tế áp dụng quy định an toàn tĩnh không đối với công trình cao tầng và người dân ra sao?


Công trình cao tầng vẫn có thể vượt giới hạn


Năm 2006, Bộ Quốc phòng có văn bản 3830 về Quản lý công trình xây dựng đảm bảo tĩnh không cho hoạt động sân bay, bảo vệ vùng trời. Trong đó yêu cầu những công trình phải thỏa thuận độ cao là nằm trong phạm vi bán kính 30 km với tâm là điểm quy chiếu sân bay (nằm giữa sân bay Tân Sơn Nhất). Công trình cao trên 45 m thuộc trường hợp bắt buộc phải thỏa thuận. Với quy định này phạm vi ảnh hưởng hầu như bao trùm hết TP. Do đó những công trình cứ cao hơn 45 m là đều phải hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng.


Đến năm 2009, quy định, thủ tục dễ thở hơn, do Bộ Quốc phòng ban hành văn bản 1997 thông báo giới hạn độ cao tối đa của các chướng ngại vật (như các công trình cao tầng) đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Đi kèm là phụ lục bản đồ và sơ đồ khu vực nào công trình được cao tối đa là bao nhiêu mà không ảnh hưởng đến an toàn tĩnh không của sân bay và chủ đầu tư cứ thế mà làm, không phải thỏa thuận. Theo đó, sân bay Tân Sơn Nhất là tâm của vòng tròn quy hoạch này. Có những khu vực có độ cao tương đối lớn, đến 70 m hoặc dưới 100 m như quận 1, quận 4, quận 5… và cơ quan cấp phép giải quyết luôn. “Giảm được rất nhiều trường hợp phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng” - Sở Xây dựng TP cho biết.

Nhà ven sân bay, được xây cao bao nhiêu?

Phường 10, quận Gò Vấp không được xây cao do an toàn tĩnh không. Ảnh: CẨM TÚ

Nhà ven sân bay, được xây cao bao nhiêu?

Tam giác Trường Chinh - Phạm Văn Bạch là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của quận Tân Bình. Đồ họa: TRẤN QUỐC


Căn cứ vào tài liệu này, hiện nay tại Phòng Cấp phép Xây dựng của Sở Xây dựng có một bản đồ thể hiện khu vực nào được xây tối đa bao nhiêu mà không phải hỏi ý kiến về an toàn tĩnh không. “Các chủ đầu tư có thể dễ dàng nhìn thấy trên bản đồ để biết được công trình của mình nằm trong giới hạn nào. Nếu muốn cao hơn giới hạn này thì phải xin ý kiến của Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu của Bộ Quốc phòng” - nơi này giải thích.


Thực tế cũng có một số trường hợp được vượt tầng cao này vì Bộ Quốc phòng cho biết không ảnh hưởng đến an toàn tĩnh không. Năm 2011, cao ốc BMC tại 258 Bến Chương Dương xây dựng lố tầng cao hơn 3 m, nâng tổng chiều cao công trình lên hơn 75 m. Tuy nhiên, công trình này không phải tháo dỡ phần sai phép. một trong các nguyên nhân quan trọng là Cục Tác chiến có văn bản chấp thuận độ cao tĩnh không của công trình so với cốt nền tự nhiên là 85 m. Nói cách khác, sơ đồ của Văn bản 1997 không mang tính tuyệt đối mà chỉ nhằm giảm các trường hợp công trình cao trên 45 m là phải thỏa thuận như trước. Nói rằng quy hoạch về giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không vừa kín vừa hở, vừa đủ vừa thiếu là do thế.


Tân Bình, Gò Vấp: chỉ được xây thấp


Hầu hết các quận, huyện đều có bản đồ cụ thể hóa khu vực bị ảnh hưởng bởi tĩnh không căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Chẳng hạn ở Phú Nhuận nhà của người dân không bị ảnh hưởng bởi an toàn tĩnh không vì khu vực thấp nhất không phải xin phép Bộ Quốc phòng là đã 45 m (tương đương 12 tầng). Nhiều khu vực khác có thể mở rộng độ cao tới 70 m, 100 m. Trong khi đó, theo quyết định QĐ135/2007 của UBND TP.HCM về nhà ở liên kế, nhà ở người dân chỉ được phép cao tối đa tám tầng, chưa tới 30 m. Theo Phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận, hiện công trình cao nhất tại quận này là Botanic Tower với 18 tầng.


Hai quận bị ảnh hưởng nhiều nhất về an toàn tĩnh không sân bay Tân Sơn Nhất là Gò Vấp, Tân Bình do nhiều khu vực nằm dưới bề mặt tiếp cận cất hạ cánh của hai đường băng. Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp cho biết trong sáu phường bị hạn chế về độ cao thì phường 3 và phường 10 bị ảnh hưởng nhiếu nhất. Khu vực thuộc phường 10, đoạn giáp sân bay Tân Sơn Nhất chỉ được cao tối đa 5 m (tương đương một trệt, một gác). Toàn bộ công trình cao trên 45 m trên địa bàn đều phải xin thỏa thuận với Cục Tác chiến.


Theo sơ đồ quản lý bề mặt giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không, có những khu vực nằm sát cạnh sân bay nhưng ít bị ảnh hưởng hay giới hạn ngặt nghèo. Chẳng hạn như dự án sân goft trong sân bay, chủ đầu tư có thể thỏa thuận về độ cao với Cục Tác chiến của Bộ Quốc phòng. Nơi này có quyền quyết định được phép hay không.

“Về phía người dân, hiện nay quận cấp phép xây dựng theo văn bản mới nhất là Công văn 182 về việc thống nhất quản lý các bề mặt giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không tại quận Gò Vấp do Cục Tác chiến cấp vào ngày 8-4-2011” - ông Nguyễn Khả Chính, Phó phòng QLĐT quận, cho hay. Công văn 182 yêu cầu quận Gò Vấp không bố trí kho xăng dầu, hóa chất, bệnh viện, chợ, trường học, khu tập trung đông người trong phạm vi bề mặt hạ cánh, cất cánh lấy độ cao nêu trên. “Giải quyết chấp thuận độ cao xây dựng cho nhân dân nằm dưới các bề mặt giới hạn chướng ngại vật tại sơ đồ phụ lục kèm theo, thông báo người dân không gửi đơn xin ý kiến độ cao để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận quyền sử dụng đất ở ra Cục Tác chiến như thời gian qua” - văn bản thông báo. Trong thông báo cho hay nếu có sự chênh lệch độ cao thì làm việc với Cục Tác chiến, Sư đoàn Không quân 370 để làm rõ. Ông Chính cho biết trên thực tế hầu như rất ít thấy trường hợp công trình nhà ở của người dân thỏa thuận một cách đột biến. “Hầu như chỉ chênh lệch một vài mét, còn lại đa phần đều thực hiện trong giới hạn” - ông cho hay.

Trong khi đó, quận Tân Bình tuy có nguyên sân bay Tân Sơn Nhất nằm trên địa bàn nhưng khu vực bị hạn chế bởi an toàn tĩnh không lại nhẹ hơn Gò Vấp. Phòng QLĐT quận cho hay chỉ có khu vực đường Phạm Văn Bạch thuộc phường 15 với khoảng hơn 100 căn bị khống chế nhiều nhất. “Thời gian qua khu vực này không được cấp phép xây dựng. Vừa bị khống chế bởi an toàn tĩnh không, vừa không phù hợp quy hoạch (làm công viên cây xanh), các hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - một cán bộ phòng QLĐT quận này giải thích. Phần còn lại bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể, bởi độ cao của nhà ở được phép ít nhất 10 m trở lên, ông cho biết thêm.

Theo Cẩm Tú (Pháp luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.