16/08/2013 2:18 PM
Các dự án nhà thu nhập thấp (TNT) được hưởng nhiều sự ưu đãi của Nhà nước về vay vốn, giảm thuế... Tuy nhiên, hiện nay, không ít dự án đang rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí bị rao bán tràn lan. Các chuyên gia cho rằng, trong khi các bên liên quan "đá bóng" trách nhiệm thì người dân phải đối mặt với hàng loạt rủi ro khi thực hiện các giao dịch này.

"Cò" vây nhà thu nhập thấp

Chỉ cần lên các trang mạng tìm kiếm gõ cụm từ "bán nhà thu nhập thấp" lập tức sẽ cho ra hàng trăm kết quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các căn hộ được bán chủ yếu nằm ở hai tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) và 19T6, 19T3, CT6b của nhà TNT Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Được biết, những căn hộ của cả hai khu nhà này đều do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư và mới được bàn giao cách đây không lâu.

Lấy số điện thoại của một người rao bán nhà TNT trên trang batdongsanxxx... trong vai người cần mua nhà, chúng tôi liên hệ với số điện thoại 0984028xxx. Đầu dây bên kia, một người đàn ông trung niên bắt máy. Sau khi biết chúng tôi muốn mua lại nhà, người này giới thiệu: "Đây là căn nhà chính chủ, 75m2 , tầng 7 tòa nhà CT6b Xa La Bemes Kiến Hưng. Nhà anh có hai phòng ngủ, một phòng khách, bếp và một ban công nhìn ra quốc lộ 70, giá 1 tỷ đồng. Khi chú mua, anh sẵn sàng sang tên chính chủ ngay". Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, người đàn ông này hẹn PV xuống khu nhà Kiến Hưng để "tận mục sở thị" căn phòng anh ta rao bán.

Tuy nhiên, sau khi trao đổi với người này, chúng tôi biết anh ta chỉ là dân "cò" chung cư. Bởi sau khi thấy tôi tỏ vẻ không hứng thú khi phải "leo" lên tầng 14, anh ta ngay lập tức giới thiệu về một căn phòng khác ở tầng 5. Theo người đàn ông này, đây là tầng "hot" nhất của tòa CT6b Kiến Hưng. Mức chênh lệch so với các tầng khác là 200 triệu đồng/căn hộ. Điều khiến chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên chính là việc không chỉ rao bán, "cò" còn khẳng định sẽ sang tên được chính chủ cho người mua. Việc này sẽ do chủ đầu tư "dàn xếp" được. Tuy nhiên, người này cũng khẳng định rằng, không phải ai cũng làm được việc sang tên đổi chủ một cách “ngon lành”.

Ngay lập tức, PV tỏ ra không tin tưởng về việc "cò" hứa khi mua nhà sẽ sang tên cho khách thành chính chủ được, người này liền giải thích: "Thực ra không thiếu cách để hợp thức hóa chung cư đâu. Nếu chú muốn mua để ở luôn thì anh sẽ bày cách cho, đơn giản lắm mà chẳng ai bắt bẻ được mình. Chỉ cần chủ nhà viết giấy cho vay nợ rồi lấy căn nhà ra để cấm cố, có chữ ký của khách, chủ, người thứ ba, thậm chí cả luật sư là được. Nếu cần thiết, dẫn nhau ra phường cốp cái "triện" thế là có bằng chứng. Đến hạn được sang tên đổi chủ, chủ nhà chỉ cần nói rằng không có tiền để trả nợ, phải gán nhà. Còn bây giờ, nếu chuyển đến luôn, ban quản lý, hàng xóm có hỏi thì cứ nói là người nhà đến trông hộ, chẳng ai thắc mắc đâu". Theo lời người đàn ông này, đây là thời điểm thích hợp nhất để mua nhà TNT. Sở dĩ chủ nhà "hét giá" cao gần gấp đôi giá gốc vì trước đây, việc xét hồ sơ để mua nhà rất khó khăn.

Người dân dễ gặp rủi ro

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tùng - giám đốc công ty TNHH BĐS và Dịch vụ địa chính Hà Nội (Hanoiland) cho rằng: Cơ quan chủ đầu tư có trách nhiệm nhưng cũng chỉ là một phần nào đó vì đã là người cung ứng sản phẩm, họ đương nhiên muốn bán được nhà. Tuy nhiên dù rất muốn bán sản phẩm đi nữa thì họ cũng không dám bán thẳng cho mọi khách hàng. Chủ đầu tư vẫn phải tuân theo những quy định của pháp luật. Hà Nội đã có quy định cụ thể về đối tượng được mua nhà TNT và qua nhiều quá trình xem xét. Chính vì thế không phải ai cũng có thể mua được loại nhà này. Chủ đầu tư cũng sẽ không bán cho những người có đủ tiêu chuẩn.

Bóc mẽ những chiêu trò của những kẻ môi giới nhà đất, ông Tùng cho hay: Thủ tục pháp lý của ta theo quy định của Nhà nước cũng đã có rồi. Tuy nhiên những người dân có nhu cầu thực sự vẫn rất khó khăn trong khi tiếp cận vì vẫn còn rất nhiều quy định mang tính hành chính, phức tạp. Từ đó mới nảy ra một đội ngũ mà ta thường gọi là "cò", đội ngũ này sẽ dẫn dắt các khách hàng tìm cách mua được nhà. Những đối tượng chuyên môi giới này rất am hiểu thủ tục pháp lý, thế nên họ hoàn toàn có thể nghĩ cách mua được nhà TNT bằng cách mượn danh, mượn hồ sơ của người trong diện được mua nhưng không có nhu cầu mua nhà.

Với mỗi suất mua đó, họ lại rao bán cho những người có nhu cầu nhưng không đủ tiêu chuẩn. Khi rao bán lại cho những người có nhu cầu đó, không phải "cò" nào cũng chào bán đầy đủ tất cả các quy định của Nhà nước. Họ chỉ nói đến diện tích, giá thành, còn thông tin về việc nhà TNT chỉ được bán lại sau 10 năm thì họ sẽ tìm cách lấp liếm đi. Vì người dân còn ít hiểu biết về kiến thức pháp luật, không hiểu rõ việc mua bán của mình là trái quy định, bản thân lại đang khao khát mua được nhà giá rẻ nên sẵn sàng nghe theo "cò".

Cũng theo vị chuyên gia này, những người mua được nhà sẽ không gặp vấn đề gì khi họ không có nhu cầu về chuyển nhượng. Nhưng nếu khi nhu cầu chuyển nhượng hoặc nhu cầu thế chấp phát sinh thì họ bắt đầu gặp vấn đề. Lúc đó, căn cứ vào hợp đồng và quy định của pháp luật thì họ sẽ không thể thực hiện được giao dịch, không thế chấp được, không bán lại được ngay cả khi ngôi nhà đã được thanh toán hết tiền. Theo quy định, người được sử dụng hồ sơ mua nhà) mới có quyền thực hiện các giao dịch đó.

Trả lời câu hỏi, trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà TNT thuộc về đơn vị nào, ông Tùng cho rằng, cần có sự kết hợp của các bên: Các cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư. Chủ đầu tư là người trực tiếp giám sát nên có thể quản lý chặt chẽ được. Đã có những khu chung cư, chủ đầu tư bắt buộc phải đăng ký ảnh của người ở hoặc người thuê căn hộ đó. Nếu quản lý chặt chẽ thì những người đang ở cũng không bán lại được nhà, những người có nhu cầu mua cũng không dám mua nữa. Việc chủ đầu tư quản lý chặt cũng sẽ khiến những đối tượng môi giới lách luật cũng không còn cơ hội làm ăn. Nhà TNT sẽ có cơ hội đến với những người thực sự có nhu cầu. "Bên cạnh đó, tôi nghĩ, các cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, để người dân thấy được rằng, nếu mua nhiều khả năng họ phải chịu rủi ro và đó là việc làm không đúng theo quy định của pháp luật", ông Tùng nhấn mạnh.

Điều chỉnh lại quy chế sẽ thu hút được người mua

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, nên nghiên cứu và điều chỉnh những quy định về nhà ở của người TNT để làm sao cho các quy chế đó hấp dẫn người dân. Với quy chế hiện nay, nhiều người có đủ tiêu chuẩn mua nhà nhưng họ vẫn không dám mua vì không được chuyển nhượng nhà trong vòng 10 năm. Trong khoảng thời gian ấy, nhiều người ăn lên làm ra, có nhu cầu muốn đổi nhà nhưng họ không thể bán lại. Thế nên ông Tùng cho rằng, cần có sự điều chỉnh về khoảng thời gian này để thu hút người mua hơn. Lúc đó, chủ đầu tư sẽ bán được hàng, họ không lo sản phẩm của mình bị ế và cũng sẽ chặt chẽ hơn trong quản lý, không để xảy ra tình trạng tương tự như trên.

Chủ đề: Nhà thu nhập thấp
Dương-Chân (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.