13/07/2017 10:58 AM
Một loạt công trình giao thông đang triển khai ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá cả cũng như nguồn cung thiếu ổn định của cát.
Từ TP.HCM đến Long An, Cà Mau, Hậu Giang… các nhà thầu đang “kêu trời” khi giá cát nhảy loạn xạ. Thậm chí có nhà thầu đã đánh đường sang Campuchia mua cát.
Nhà thầu tự xoay đủ hướng
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, ảnh hưởng của tình trạng giá cát leo thang chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” là rất lớn. Ông Trần Việt Hòa, Giám đốc Công ty Hòa An đang thi công một số công trình đường tạm vào Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu (Hậu Giang) cho biết, giá cát được báo đến Công ty thời gian qua rất bất ổn. “Ảnh hưởng của biến động giá cát đến nhà thầu giao thông là rất lớn. Với những hợp đồng trọn gói thì quả thật là gánh nặng với các nhà thầu. Việc nhà thầu trình văn bản để xin điều chỉnh chi phí là tất yếu trong bối cảnh này”. Nhà thầu này chia sẻ thêm, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải tận dụng tro bay của nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp.
Trong khi đó, ông Võ Chí Hải, Giám đốc Công ty TMDV Thới Bình, đơn vị thi công nhiều công trình thủy lợi, giao thông tại khu vực ĐBSCL lại đôn đáo sang Campuchia để tìm nguồn cát. “Biến động giá cát khiến nhà thầu thực sự điêu đứng vì ăn mòn nhiều chi phí xây dựng công trình. Bản thân tôi đang phải sang Campuchia để tìm các nguồn cung ổn định với giá cả phù hợp. Đây là con đường của nhiều nhà thầu khu vực phía Nam để không còn bị động trong nguồn cung vật liệu cát”.
Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, giá cát xây dựng thời gian tới vẫn chưa có dấu hiệu giảm và có khả năng lên cao ngất ngưởng, từ 800.000 - 1.000.000 đồng/m3 với cát loại 1, nếu nguồn cung bị gián đoạn trong thời gian tới. Hiện hầu hết nguồn cát xây dựng được các cửa hàng vật liệu xây dựng nhập chủ yếu từ các tỉnh miền Trung với giá cả, chi phí vận chuyển cao hơn nhiều so với nguồn cung từ các tỉnh ĐBSCL hay Đông Nam Bộ như thời gian trước. Do đó, một nhà thầu giao thông tại TP.HCM cho phóng viên Báo Đấu thầu biết, đơn vị này trước chỉ nhận cát tại chân công trình của tổng đại lý. Nhưng trước tình hình này đã tính toán đến phương án mua trực tiếp từ các sà lan cát để chủ động hơn.
Ngược lại, trong bối cảnh biến động giá cát như hiện nay, nhiều nhà thầu cho biết, có hiện tượng nhà thầu khi không làm chủ được nguồn cung cát đã “chầy bửa” cố tình thi công ì ạch để chấm dứt hợp đồng. Do đó, một số địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư tăng cường việc quản lý hợp đồng. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá cát để kéo dài tiến độ thi công, làm tăng kinh phí xây dựng và giảm hiệu quả công trình.
Ngăn chặn đầu cơ, làm giá
Trước thực trạng giá cát xây dựng có hiện tượng loạn giá, bất ổn nguồn cung từ giữa quý II/2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về triển khai đợt cao điểm chống khai thác cát trái phép trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời rà soát tiếp tục cho phép các dự án khai thác cát, hoặc nạo vét luồng có đủ điều kiện pháp lý, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong thời gian qua tiếp tục khai thác để cung cấp nguồn cát phục vụ xây dựng…
Đối với TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số nơi có nhu cầu sử dụng cát xây dựng lớn, UBND TP cần chỉ đạo lập phương án về yêu cầu, tiến độ cung ứng cát xây dựng cho toàn thành phố để chủ động kế hoạch cung cấp ổn định, phù hợp; đồng thời thực hiện nghiêm các giải pháp chống đầu cơ, tích trữ, ép giá, nâng giá cát trái quy định.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tăng cường hướng dẫn sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong xây dựng; khẩn trương hoàn thành “Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp” ban hành trước tháng 10/2017; bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp...
Về phía các địa phương, đầu tháng 7/2017, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng tăng phi mã của giá cát xây dựng. Nhằm hạn chế các tác động xấu về môi trường do khai thác cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, TP.HCM giao Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình đã được nghiệm thu đạt yêu cầu. TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường trong hoạt động kinh doanh cát trái quy định. TP.HCM cũng đưa vào danh sách đặt hàng các đề tài nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình.
Tuy nhiên, chính đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện vẫn chưa có giải pháp tổng thể để xử lý việc thiếu hụt nguồn cung cát xây dựng. Nhưng trước mắt Sở sẽ phối hợp tăng cường kiểm soát để tránh đầu cơ tăng giá.
Văn Huyền (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.