12/06/2014 3:24 PM
Hạ tầng kỹ thuật kém chất lượng, điều kiện tiếp cận với tiện ích xã hội bị triệt tiêu, quản lý khai thác và vận hành nhà đều có vấn đề.

5 năm trước, Hà Nội cấp tập triển khai hơn 80 dự án nhà ở tái định cư nhằm phục vụ công tác GPMB, cũng như đáp ứng nhu cầu ở của người dân. Cao trào hơn, ý tưởng về một loạt khu đô thị (KĐT) tái định cư (TĐC)… Nhưng mới đây, sau quá nhiều bất cập, giới quản lý đang tính chuyện "xóa sổ" nhà TĐC.

"Đứt gánh giữa đường"

Năm 2009, thị trường BĐS "sốt" hừng hực từng ngày từng giờ với hàng chục, hàng trăm giao dịch được tiến hành theo trào lưu "ăn xổi". Là địa bàn phát triển "chóng mặt" về số lượng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, KĐT tập trung, Hà Nội càng "nóng" về chuyện quỹ đất TĐC. Không chỉ như vậy, sức ép đối với nhà chức trách địa phương còn gia tăng bởi nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà chính sách ngày càng lớn.

Đây là lý do căn bản dẫn tới sự kiện Hà Nội xây dựng một đề án về các KĐT mới nhằm phục vụ TĐC (năm 2009). Thời điểm đó, đã có 80 dự án xây dựng nhà ở TĐC được triển khai theo phương thức đầu tư trực tiếp. Cuối quý II/2009, một số khu TĐC đưa vào hoạt động một cách hiệu quả như: Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy), Trung Hoà – Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), khu 5,3 ha Dịch Vọng, khu tái định cư 7,2 ha Vĩnh Phúc (Q.Ba Đình), 80 căn hộ khu Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì); 780 căn KĐT Nam Thăng Long (Q.Tây Hồ)… Tuy nhiên, theo chính lãnh đạo UBND Tp.Hà Nội tính toán, với khoảng 1 vạn căn hộ TĐC được hoàn thành (từ 2009 tới 2011), chưa đáp ứng nổi nhu cầu khổng lồ từ thực tế. Đề án "Xây dựng các khu đô thị mới phục vụ TĐC và nhà ở xã hội, nhà ở chính sách" cũng từ đây được giao cho Sở Xây dựng Hà Nội.

Việc cần làm là xử lý triệt để vấn đề chất lượng, giá cả và quy trình quản lý lẫn khai thác NƠXH (trong trường hợp thay nhà TĐC bằng tỷ lệ nhất định trong NƠXH)

Đề án dự kiến triển khai xây dựng 3-5 KĐT mới trong giai đoạn 2010-2010. Đáng nói, nhằm tránh tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng như trường học, sân chơi vốn đã "phổ biến" với dân tái định cư ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Tp.HN Phí Thái Bình lúc đó khẳng định, tất cả các dự án phải hoàn thành cơ sở hạ tầng trước hoặc phải hoàn thành song song với việc xây dựng nhà ở.

Chỉ sau vài tuần, trong cuộc hội thảo về GPMB và nhà TĐC, nhiều chuyên gia đầu ngành thẳng thừng đề nghị "xóa" khái niệm nhà TĐC và bỏ cung cách xây dựng nhà TĐC đang làm. Thay vào đó, chính quyền nên tập trung khuyến khích phát triển các loại nhà ở theo nhiều mức giá để người dân lựa chọn theo ý mình. Bởi khoảng 70% người dân TĐC ở Hà Nội, Tp.HCM phải tìm cách nhượng lại nhà TĐC, vì điều kiện ăn ở, hạ tầng không phù hợp với lối sống, kế sinh nhai. Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật tại các khu TĐC thường không đồng bộ, công trình không có độ bền chất lượng… Tuy nhiên, ý kiến từ cuộc họp này đã "rơi" vào khoảng không, cho tới mới đây, Bộ Xây dựng "nhen" lại với nội dung… chưa thực sự thuyết phục.

Được giá, là mua!

Xoay quanh giải pháp cho vấn đề chất lượng, lẫn quản lý và khai thác vận hành nhà TĐC, Xây dựng đề xuất bỏ khái niệm "nhà TĐC" và không cấp phép xây dựng cho dự án nhà TĐC mới. Thay vào đó sẽ là những dự án nhà ở xã hội có dành tỷ lệ nhất định căn hộ phục vụ TĐC. Cũng như trước đây, đến lượt một lãnh đạo cấp bộ "nhắc nhở" doanh nghiệp: phải chú trọng đến chất lượng công trình, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của dự án…

Thực tế chất lượng của hàng loạt khu nhà ở TĐC như Đền Lừ, Dịch Vọng, Đồng Tàu… đã "rung chuông" báo động từ lâu. Giới chức Hà Nội cũng không ít lần kiểm tra, đốc thúc, phê bình kỷ luật các đơn vị liên quan nhưng đâu vẫn đóng đấy.
Ngay khi Bộ hé lộ đề xuất "xóa" nhà TĐC, nhiều chuyên gia và nhà phân tích lập tức chỉ ra yếu tố cần quan tâm xử lý trước khi kỳ vọng quá nhiều: đó là chất lượng, giá cả và quy trình quản lý lẫn khai thác nhà ở xã hội! (trong trường hợp thay nhà TĐC bằng tỷ lệ nhất định trong NƠXH).

Về phần người dân mất đất (phục vụ GPMB), hay người cần nhà ở tại Thủ đô, nhà TĐC cũng chỉ là một sản phẩm để lựa chọn trong rổ hàng hóa đa dạng về chất lượng, giá cả. Người được mua nhà TĐC với giá Nhà nước (rẻ hơn hẳn so với thị trường) đương nhiên là mừng. Diện tích sử dụng rộng hơn (chí ít là bằng), điều kiện ăn ở khang trang hơn, được trả chậm lên tới cả chục năm, chủ nhà TĐC lại "thoải mái" sang nhượng cho vô khối những ai đang "mỏi mắt" kiếm tìm nhà ở, bất chấp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính tối thiểu với Nhà nước (!).

Tháng 5/2014, giới quản lý rốt ráo tổng kiểm tra tình hình chất lượng, quản lý quỹ nhà TĐC ở một số địa bàn trọng điểm cả nước. Tháng 6/2014, nhiều lời rao về căn hộ TĐC tại Nam Trung Yên đầy hấp dẫn (giá 25-27 triệu đồng/m2, 50-70m2, nợ gốc 300 triệu trong 10 năm..). Thậm chí, có căn: 55m2, 2 ngủ, nợ Nhà nước gần 800 triệu đồng, trong đó 420 triệu nợ trong 10 năm, bán với giá 31 triệu đồng/m2 – người mua "chỉ" phải trả 950 triệu là nhận nhà vào ở.

Trong khi tình hình còn "tranh tối tranh sáng", nhiều chủ nhà vẫn thoải mái sang tên, người mua cũng hỉ hả vì mua được món hàng "chậm thanh toán". "Chẳng việc gì phải xóa nhà TĐC. Ít ra, mua bán còn… dễ thở hơn NƠXH", một chủ căn hộ TĐC tại Nam Trung Yên bộc bạch.

Chủ đề: Nhà thu nhập thấp
Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.