Trái ngược với những căn hộ thương mại trong thành phố đang ngày một ít và luôn được nhiều người dân “săn đón”, thèm muốn, thực trạng nhiều căn hộ tái định cư (TĐC) bỏ trống, xuống cấp trong khi người dân nơi “cần không có, có không cần” gây ra bức xúc và lãng phí. Lý do gì mà người dân không ưa căn hộ TĐC và việc quản lý, vận hành các khu nhà này vẫn “chập chờn” như hạ tầng ở đó?
Tòa nhà TĐC phục vụ dự án đường Kim Mã thi công dở dang, biến thành bãi đỗ ôtô.
Dân lo, nhà nước cũng... lo
Trong buổi làm việc vừa qua giữa Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội với Sở Xây dựng Hà Nội về công tác quản lý nhà chung cư TĐC, đã có nhiều vấn đề đặt ra.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 166 tòa nhà TĐC với 13.971 căn hộ đã hoàn thành, trong đó, công ty trực tiếp quản lý 108 tòa; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội quản lý 18 tòa; các chủ đầu tư khác quản lý 18 tòa nhà; tự quản 27 tòa. Qua rà soát, đã có 12.043 căn hộ đã bàn giao cho dân sử dụng; 1.303 căn chưa giao cho dân; số căn hộ công ty chưa nhận được quyết định bố trí hay nói cách khác là bỏ trống 625 căn.
Bà Vũ Thị Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho rằng: “Thực tế cho thấy, các khu nhà TĐC trên địa bàn Hà Nội nói chung đều xây dựng theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, dù chất lượng thế nào cũng được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, rồi bàn giao cho đơn vị khác quản lý, gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng trong suốt quá trình sử dụng. Đây là lý do chính khiến chất lượng các khu nhà ở TĐC luôn thấp hơn so với chất lượng của nhà ở thương mại”.
Bên cạnh đó, nhiều căn hộ đã được bàn giao, song người dân không về ở. Điều này gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư lớn của thành phố.
Nghe tên đã “ngán”
Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân cơ bản khiến nhiều căn hộ bị bỏ trống là do người dân chưa yên tâm với chất lượng nhà TĐC. Tại một số dự án TĐC, người dân chưa đến ký hợp đồng và nộp tiền, không về ở còn do thiếu cơ sở hạ tầng. Đối với hầu hết các dự án đã có dân ở thì công tác quản lý, vận hành tòa nhà có nhiều bất cập và vướng mắc.
Mặt khác, do yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết, bố trí nhà TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, nhiều dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm y tế công lập...) đã phải bố trí cho các hộ dân vào ở. Một số khu TĐC được xây dựng đã quá lâu do chưa tính đủ diện tích để phục vụ sinh hoạt cộng đồng, để xe... cũng ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc cho các hộ dân khi chuyển đến ở lâu dài.
Theo quy định, phần diện tích kinh doanh dịch vụ của các tòa nhà chung cư phục vụ TĐC sẽ ưu tiên cho chính các hộ gia đình TĐC được thuê để kinh doanh dịch vụ... Thế nhưng, có một nghịch lý là phần diện tích này ở nhiều tòa nhà TĐC trên địa bàn Hà Nội vẫn đang bị bỏ trống do cư dân không được thuê mặt bằng này để kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người sau TĐC rơi vào cảnh không có công ăn việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Tiêu biểu như toàn bộ trên 450m2 mặt bằng tầng 1 của tòa nhà TĐC 17T10, khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội trong tình trạng bỏ không, cửa đóng then cài. Nhiều lần người dân đã kiến nghị với các cấp quản lý về việc tạo điều kiện cho chính cư dân TĐC được thuê mặt bằng tầng 1 để kinh doanh, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, nhưng đều không có kết quả.
Quyền lợi của họ bị đánh tráo, người ta đến nơi ở mới không có cửa hàng cửa hiệu làm ăn. Những người đến đây thuê giẫm lên quyền lợi của người tại chỗ thấy bất an nên họ cũng tự ra đi. Người dân ở đây xin thuê thì lại không được duyệt, còn người được duyệt lại không đúng đối tượng, dẫn đến sự tranh chấp, không ai dùng được, gây lãng phí.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều khu TĐC trên địa bàn Hà Nội. Để nhà TĐC không còn là nỗi “ám ảnh” với nhiều người dân khi Nhà nước thu hồi đất, lãnh đạo TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng tập trung tổng rà soát, phân loại quỹ nhà TĐC; đề xuất quy trình, quy định vận hành, quản lý từng nhà, từng khu cho phù hợp với nguồn gốc hình thành.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương thức quản lý tài sản Nhà nước một cách tốt nhất theo hướng dịch vụ công ích, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế quản lý chung cư và định mức quản lý thu phí dịch vụ của dân. Ngoài ra, Sở Tài chính cần kiểm tra, đề xuất xử lý giải quyết phần kinh phí thu được từ cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ, tiền thuê nhà tạm cư, phí dịch vụ và tiền trông giữ ôtô, xe máy tại các khu TĐC; đặc biệt yêu cầu các đơn vị quản lý nhà TĐC khẩn trương thu hồi tiền “nợ đọng” mua nhà TĐC, thuê diện tích kinh doanh dịch vụ...
Thiết nghĩ, để những chỉ đạo của thành phố Hà Nội đáp ứng được đúng mục đích, triển khai hiệu quả rất cần cơ chế phù hợp và sự tâm huyết của các cấp, các ngành, đơn vị quản lý. Không thể để tình trạng khu TĐC bị người dân “chê” và trở nên lãng phí ngân sách.
Bình An (SKĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.