31/10/2018 8:26 AM
CafeLand - Ngày 30/10, Bộ Xây dựng đã trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội xoay quanh các vấn đề về vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai và thực trạng phát triển phân khúc nhà ở xã hội trên thị trường.

Nguồn cung thiếu gay gắt

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc giải quyết nhà ở cho người có công, người nghèo đã có kết quả tích cực, nhưng hiện nhà ở cho công nhân nguồn cung còn rất hạn chế. “Đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp trong thời gian tới”, ông Hiểu nói.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề được xã hội quan tâm và coi là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu vấn đề chất vấn.

Ông Hà cho biết, vừa qua, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội. Trong đó, 1,8 triệu m2 cho người nghèo đô thị, khoảng 2 triệu m2 cho công nhân.

“Con số này so với yêu cầu vẫn còn rất thấp. Theo chiến lược nhà ở quốc gia, yêu cầu về nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội là 10 triệu m2. Như vậy, thực tế nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu gay gắt”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03 về giải pháp thúc đẩy nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở đô thị.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở cho công nhân do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện. Nếu thực hiện tốt đề án này thì vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ có sự chuyển biến mới.

“Giải pháp đột phá là bố trí đủ vốn theo quy định của pháp luật để hỗ trợ người vay mua nhà, trong đó có đối tượng công nhân”, ông Hà nói và cho biết thêm trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm vừa qua, số vốn được bố trí chưa đầy 1.200 tỉ đồng, trong khi nhu cầu thực tế là khoảng 9.000 tỉ đồng.

“Các đối tượng như công nhân mong muốn có khoản này hỗ trợ để nâng cao khả năng thanh toán thuê mua nhà. Mong Quốc hội quan tâm, Chính phủ cũng đã dự kiến bố trí 2.000 - 3.000 tỉ vốn dự phòng hàng năm”, ông Hà nêu kiến nghị.

Vi phạm xây dựng ngày càng phức tạp

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề cập đến tình trạng xây dựng trái phép, không phép xảy ra thời gian qua và chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng liệu có cam kết với Quốc hội sẽ không để xảy ra các vị phạm tương tự, giải pháp xử lý dứt điểm các vi phạm đó là gì.

Trả lời chất vấn, Bộ trường Phạm Hồng Hà thừa nhận, tình trạng vi phạm xây dựng đang còn diễn ra khá phổ biến và theo hướng ngày càng phức tạp. Ông Hà dẫn chứng, trong 9 tháng năm 2018 có đến hơn 10.800 công trình vi phạm, trong đó không phép là hơn 3.000 công trình, sai phép là hơn 5.000 và các sai phạm khác là 2.000. Theo Bộ trưởng xây dựng, mặc dù đã giảm bình quân 2-3% so với năm 2017 nhưng con số cũng còn nhiều.

Về chất vấn liệu bộ có cam kết sẽ xử lý dứt điểm các vi phạm nêu trên, ông Hà trả lời: “Tôi không dám hứa, không dám cam kết về lộ trình và thời điểm mà chúng ta có thể chấm dứt vi phạm xây dựng. Nhưng với trách nhiệm, tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình, phối hợp cùng các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.”

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn xây dựng và các quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng cường tuyên truyền để các chủ thể am hiểu về quy định xây dựng, tránh vi phạm.

Trả lời chất vấn liên quan đến vi phạm quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua, tình hình lãng phí đất đai, vi phạm trong đầu tư đất đai sinh ra các hiện tượng “đất công thành đất ông”, đất đai nông lâm trường quản lý lỏng lẻo… là những vấn đề được xã hội và dư luận quan tâm.

Về việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị 01 về chỉ đạo cơ quan trung ương địa phương, tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, thanh, kiểm tra những khu vực xảy ra sai phạm gây bức xúc, khiếu kiện thời gian qua.

Trong năm 2017, bộ đã tiến hành trên 1.000 cuộc thanh tra, tập trung tại các khu vực quản lý đất đai long lẻo, đồng thời tập trung thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về quản lý đất đai nông lâm trường.

Theo thống kê, có trên 3.000 đối tượng được thanh kiểm tra, thu hồi chục nghìn ha đất sử dụng trái phép, sử dụng không hiệu quả. Bộ cũng tiến hành thanh, kiểm tra 5 tỉnh, thu về trên 3.000ha đất sai phạm.

  • 3 cấp quản lý, công trình sai phạm vẫn xây trót lọt

    3 cấp quản lý, công trình sai phạm vẫn xây trót lọt

    Dư luận bức xúc vì sao cao ốc Lucky Apartment (quận Tân Phú) của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia xây dựng sai phép kéo dài, dù người dân và báo chí liên tục phản ánh với các cấp chính quyền nhưng gần 8 năm qua, những sai phạm vẫn không bị ngăn chặn, lại được hợp thức hóa, rồi tiếp tục sai phạm…

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.